Công Phượng, Sint Truiden và giấc mộng châu Âu

26/07/2019 08:42

Kinhte&Xahoi Ngay cả khi Công Phượng chính thức ký hợp đồng với Sint Truiden, rất nhiều người vẫn nghi ngờ khả năng thành công của anh trên đất Bỉ. Nhưng dù thế nào, một “bước chân nhỏ” của Phượng cũng sẽ là một bước tiến lớn đối với một nền bóng đá bị coi là vùng trũng của thế giới thứ ba.

Không đi trên con đường dễ

Câu chuyện của Công Phượng từ khi là một cậu bé chăn bò bị lò đào tạo trẻ SLNA loại cho đến hiện nay là cả một bộ phim dài, mà ở đó, cậu bé gày gò quê Đô Lương đã đi trên một con đường đầy chông gai trên hành trình chứng tỏ bản thân mình.

Năm 2006, sau khi kết thúc giải bóng đá nhi đồng tỉnh Nghệ An, Công Phượng được mời tập ở đội trẻ SLNA. Nhưng cậu bé 11 tuổi này khi đó nặng có 25,4 kg, trong khi cân nặng tối thiểu là 30 kg (27 kg cho trường hợp đặc biệt). Vì lý do ấy, Công Phượng đã bị đội trẻ SLNA loại ở vòng sát hạch cuối cùng. Một năm sau, Phượng nằng nặc đòi vào Pleiku để thi tuyển vào học viện HAGL JMG, và đã vượt qua gần 7 nghìn thí sinh khác để trở 1 trong 14 học viên của khóa 1.

Công Phượng có thể ra mắt giải vô địch Bỉ ngay cuối tuần này

Dù từng được gọi là Messi Việt Nam, nhưng con đường của Phượng chưa bao giờ được coi là dễ dàng cả. 19 tuổi, anh dính nghi án gian lận 2 tuổi khiến báo chí Việt Nam một phen tốn nhiều giấy mực, dù sau đó, Phượng đã được minh oan. Sau đó là những rắc rối đời tư với ca sĩ Hòa Minzy). Thật không dễ để một cầu thủ trẻ tập trung sau những biến cố ấy. Những chuyến phiêu lưu tới Mito Hollyhock và Incheon United đều thất bại, vì anh mòn đũng quần trên băng ghế dự bị, cũng như những người đồng đội cùng trang lứa như Xuân Trường (Incheon, Buriram) hay Tuấn Anh (Yokohama FC).

Nhưng ở tuổi 24, khi mà Đông Triều mất hút, Xuân Trường có dấu hiệu chững lại, Tuấn Anh chỉ mới trở lại với bóng đá đỉnh cao sau khi vật lộn với chấn thương, thì Công Phượng – một trong 4 tài năng trẻ được Arsenal mời sang tập huấn năm 2002 – vẫn giữ được phong độ và sức hút đặc biệt của mình.

Cơ duyên với Sint Truiden

Tháng trước, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam – chủ tịch FK Sarajevo ở giải vô địch Serbia – đã ngỏ ý sẵn sàng mời Công Phượng gia nhập CLB, và anh đứng trước cơ hội trở thành cầu thủ Việt Nam dự UEFA Champions League (FK Sarajevo gặp Celtic ở vòng sơ loại).

Chuyện cầu thủ châu Á nhờ mối quan hệ với các ông bầu đồng hương mà được thi đấu ở châu Âu không có gì lạ. Thủ thành Kawin Thamsatchanan của OH Leuven (Bỉ) là một minh chứng. Anh được ký hợp đồng do đội bóng này thuộc sở hữu của tập đoàn King Power. Hồi sở hữu Man City, cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Sinnawatra từng đưa 3 cầu thủ Kiatprawut Saiwaew, Teerasil Dangda và Suree Sukha thử việc nhưng vì không xin được giấy phép lao động nên đã chuyển họ sang Club Brugge KV, và Grasshopper II theo dạng cho mượn.
 
Nếu gia nhập FK Sarajevo, Công Phượng có lẽ ít nhiều cũng được ưu ái. Nhưng Công Phượng đã từ chối cơ hội đó để thử việc ở đội hạng nhì Paris FC, và sau đó, anh chấp nhận lời mời ký hợp đồng từ Sint Truiden. Đội bóng này có chủ sở hữu là công ty DMM.com của Nhật, và có lẽ đã để ý tới Phượng khi chứng kiến những màn trình diễn ấn tượng của anh ở trận gặp Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup 2019, dù khi đó Việt Nam thua 0-1.

Theo xếp hạng các giải đấu của UEFA, giải nhà nghề Bỉ đứng thứ 8/55, chỉ dưới La Liga, Premier League, Bundesliga, Serie A, Ligue 1, Ngoại hạng Nga, và Bồ Đào Nha, và hơn giải Serbia đến 10 bậc. Chọn Sin Truiden thay vì FK Sarajevo, Phượng đã chọn con đường khó khăn hơn, thay vì một vỏ bọc an toàn mà vẫn được cái mác dự Champions League.

Giải vô địch Bỉ - cánh cửa tới châu Âu

Theo thống kê trên trang transfermarkt, mùa giải 2015-16, giải vô địch Bỉ mới có đúng 1 cầu thủ Nhật là Yuji Ono, tiền đạo của Sint Truiden giai đoạn 2015-17, và số cầu thủ châu Á là 3 người (1 Nhật, 1 Đài Loan, 1 Indonesia). Đến mùa giải trước, con số này đã lên tới… 11 cầu thủ Nhật trên tổng số 17 cầu thủ châu Á. Điều này cũng dễ hiểu khi công ty thương mại điện tử và giải trí trực tuyến DMM thâu tóm thành công Sint Truiden vào năm 2017 và quyết định tạo cơ hội cho các cầu thủ Nhật nói riêng và châu Á nói chung.

Sint Truiden thật ra không phải đội bóng duy nhất ở Bỉ nằm trong quyền kiểm soát của các ông chủ châu Á. Kortrijk đang nằm trong tay tỷ phú Malaysia Vincent Tan, người cũng là ông chủ của Cardiff City. Tubize thuộc Sportizen (Hàn Quốc), Roeselare của Dai Xiu Li Hawken (Trung Quốc), KAS Eupen của Aspire Academy (Qatar) và như đã nhắc ở trên, OH Leuven nằm trong tay Tập đoàn King Power (Thái Lan).

Vì sao các tỷ phú châu Á lại thích mua những đội bóng Bỉ như thế? Thứ nhất, vì họ rẻ. Ví dụ như Vincent Tan mua Kortrijk với giá chỉ 5 triệu USD, tương đương hơn 100 tỷ - không quá nhiều so với đầu tư vào một đội bóng V-League. Thứ hai, Bỉ rất cởi mở trong vấn đề lao động ngoài EU và việc Công Phượng dễ dàng ký hợp đồng là một minh chứng. Và nếu bán đi, lợi nhuận cũng không bị đánh thuế.

Chính vì vậy, Bỉ đã trở thành một điểm trung chuyển thuận lợi cho các cầu thủ châu Á. Daichi Kamada không tìm được vị trí ở Frankfurt, nhưng đã ghi đến 12 bàn thắng sau 24 trận, xếp thứ 5 trong danh sách phá lưới của giải vô địch Bỉ. Nhờ đó, anh trở lại Frankfurt với vị thế được nể trọng hơn nhiều, nhất là khi đội bóng này đã bán ngôi sao Luka Jovic sang Real Madrid.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo Thể thao & Văn hóa/ Pháp luật Plus