Công ty Vina Kangaroo ngừng hoạt động, công nhân bị 'xù' lương

12/09/2018 10:14

Kinhte&Xahoi Sáng 12/9, rất nhiều người lao động và chủ nợ bất bình khi biết tin, Ngân hàng TMCP An Bình sẽ tiến hành kiểm kê tài sản của Công ty Vina Kangaroo và bàn giao tài sản bán đấu giá.

Dấu hiệu khuất tất từ phi vụ “bán áo bằng giá vải”

Vừa qua, hàng trăm người lao động tại Tiền Hải, Thái Bình lâm vào cảnh thất nghiệp, khốn cùng đã làm đơn kiến nghị gửi đến cơ quan báo chí, tố cáo lãnh đạo Công ty TNHH may mặc Vina Kangaroo (Vina Kangaroo) bỏ trốn khỏi Việt Nam, "xù" nợ nhiều tháng tiền lương và tiền bảo hiểm.

Trong lúc chờ cơ quan chức năng giải quyết, những công nhân làm nghề may mặc như “chết đứng” lần thứ hai khi biết tin, nhiều tài sản của công ty Kangaroo đã bị bán với giá “bèo bọt”. Nhiều người gọi đây là phi vụ “bán áo bằng giá vải”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. PV vào cuộc và thấy rằng những kiến nghị của người lao động tại công ty Kangaroo hoàn toàn có cơ sở.

Trụ sở công ty TNHH may mặc Vina Kangaroo.

Theo tìm hiểm của PV từ Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thái Bình (KH & ĐT), Công ty TNHH may mặc Vina Kangaroo (Vina Kangaroo), giấy chứng nhận đầu tư số 0110430005 do UBND TP Hà Nội cấp đăng ký lần đầu ngày 14/1/2009, chứng nhận thay đổi lần thứ tư ngày 19/11/2014, địa chỉ trụ sở chính tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội.

Công ty Vina Kangaroo được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm ngành may mặc tại xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải tại quyết định số 2308 ngày 24/8/2016. Người đại diện theo pháp luật: Ông Lee Jae Kyun, quốc tịch Hàn Quốc).

Vào trung tuần tháng 5/2017, doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động ở Việt Nam, chủ doanh nghiệp trở về Hàn Quốc, để lại khối tài sản lớn là nhà xưởng, máy móc thiết bị và nhiều khoản nợ lên đến cả chục tỷ đồng (nợ lương công nhân, bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp cung cấp thức ăn, gia công may mặc, vận chuyển…).

Trong khi nhiều chủ nợ đang chậm chạm thu hồi nợ từ Vina Kangaroo, thì Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) - Chi nhánh Thái Bình đã nhanh chân tiến hành phát mại bán đấu giá tài sản thế chấp của Vina Kangaroo. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam. Nhiều chủ nợ không biết việc này. Số còn lại biết chuyện, càng thất vọng hơn vì cho rằng, giá bán tài sản của Vina Kangaroo quá rẻ so với thực tế.

Người lao động tập trung trước cửa công ty để đòi quyền lợi. 

Do có nhiều đơn thư kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, ngày 31/8/2018, Sở KH & ĐT tỉnh Thái Bình đã tổ chức cuộc họp các sở, ngành, UBND huyện Tiền Hải và cá nhân, doanh nghiệp để giải quyết các kiến nghị liên quan đến Công ty Vina Kangaroo.

Tại cuộc họp này, bà Vũ Thị Phương (người lao động kiêm chủ nợ của công ty Vina Kangaroo) cho rằng, việc ABBANK bán đấu giá tài sản của Vina Kangaroo với giá 13,9 tỷ đồng là chưa hợp lý. Đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại quy trình đấu giá của ABBANK.

Nguồn tin riêng của báo chí cho biết, trước đó có không ít đại gia người Việt Nam và Hàn Quốc tìm cách liên hệ với chủ doanh nghiệp Vina Kangaroo, đặt vấn đề mua máy móc, nhà xưởng của doanh nghiệp này với giá trên dưới 20 tỷ đồng. Song vẫn chưa đi đến "chung kết" vì giá bán được đẩy lên cao. Do vậy, việc bà Phương và nhiều chủ nợ cho rằng, ABBANK bán đấu giá tài sản của Vina Kangaroo với giá quá rẻ là điều dễ hiểu?!

Người lao động bức xúc vì giá bán tài sản của Vina Kangaroo quá rẻ so với thực tế.

Tại cuộc họp liên ngành, ông Nguyễn Thái Dương- Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thái Bình cũng đồng quan điểm với bà Phương và nêu ý kiến: “Việc thanh lý tài sản đảm bảo của ABBANK là chưa phù hợp, do chưa đảm bảo quyền lợi cho người lao động…”.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Huy Quân- Phó Giám đốc Sở KH & ĐT tỉnh Thái Bình thống nhất các ý kiến, đề xuất với UBND tỉnh như sau: 1) Đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Tiền Hải thực hiện giám sát việc quản lý tài sản của dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động; 2) Các chủ nợ căn cứ tài liệu, chứng cứ liên quan, thực hiện hiện thủ tục phá sản đối với công ty Vina Kangaroo theo Luật Phá sản; 3) Công ty Ha Hea Việt Nam là đơn vị trúng đấu giá tài sản và chỉ có quyền với tài sản trúng đấu giá. Để được hoạt động đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng…

“Cố đấm ăn xôi” đến bao giờ?

Bà Vũ Thị Phương nêu quan điểm: “Trong cuộc họp ngày 31/8/2018 tại Sở KH & ĐT tỉnh Thái Bình, đại diện ABBANK bày tỏ ý kiến muốn bàn giao tài sản của Vina Kangaroo cho Công ty Ha Hae vào tuần đầu tháng 9/2018. Nhưng ông Trần Huy Quân- Phó Giám đốc Sở đã chỉ đạo là phải báo cáo lên UBND tỉnh và chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Ngày 12/9, ABBANK vẫn tiến hành bàn giao tài sản cho công ty Ha Hae, phải chăng là “qua mặt” Sở KH & ĐT và lãnh đạo tỉnh Thái Bình?”.

Trao đổi với PV, một cán bộ Sở KH & ĐT tỉnh Thái Bình khẳng định: “Ha Hae đang làm thủ tục thuê đất, nhưng phải được Sở cấp đăng ký đầu tư, khi ấy doanh nghiệp mới được giao đất. Họ đang nộp hồ sơ nhưng Sở không nhận hồ sơ, lý do vì UBND tỉnh chưa có quyết định gì”.

Đáng chú ý, trong giấy mời do ABBANK- Chi nhánh Thái Bình phát đi (mời nhiều thành phần tham dự: Công an tỉnh Thái Bình, UBND huyện Tiền Hải, Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải…) thể hiện nội dung: Từ 9 giờ ngày 12/9/2018, tại Nhà máy của công ty Kangaroo, ABBANK sẽ tiến hành kiểm kê tài sản còn lại của Công ty Kangaroo và tiến hành bàn giao tài sản bán đấu giá là nhà xưởng và tài sản gắn liền trên đất cho Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam. Đồng thời bàn giao theo niêm phong những tài sản còn lại của Công ty Kangaroo sau kiểm kê cho Công ty Ha Hae Việt Nam bảo vệ trông coi, chờ xử lý theo quy định của pháp luật.

Giấy mời do ABBANK- Chi nhánh Thái Bình phát đi.

Dư luận đặt câu hỏi: ABBANK chỉ là một chủ nợ và đã thu đủ tiền nợ của mình rồi, vậy lấy tư cách gì để tiếp tục niêm phong những tài sản còn lại của công ty Kangaroo? Trong khi đó, quyền lợi của rất nhiều chủ nợ khác chưa được bảo đảm. 

Hơn nữa, rất nhiều chủ nợ đều không muốn Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam quản lý khối tài sản còn lại của công ty Kangaroo. Trong khi chờ phán quyết của Tòa án, việc xảy ra mất mát, hư hỏng về máy móc, thiết bị của công ty Kangaro, liệu công ty này và ABBANK có chịu trách nhiệm không? Đấy là chưa nói đến chuyện, diện tích đất đai tại Công ty Kangaro chưa được chính quyền tỉnh Thái Bình giao cho công ty này quản lý, sử dụng.

Đã đến lúc các cơ quan hữu quan nói chung và chính quyền tỉnh Thái Bình phải có động thái tích cực, bảo vệ quyền lợi của người lao động và số tiền bảo hiểm xã hội còn nợ 4.970 triệu đồng và hàng tỷ đồng của các chủ nợ được pháp luật bảo vệ. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”?!

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và làm sáng tỏ những khuất tất đằng sau việc bán tài sản của công ty Kangaroo cho công ty Ha Hae trong các bài viết tới đây.


Theo Khoẻ 365/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM