CSGT tập trung xử lý nồng độ cồn sau "nới lỏng giãn cách"

08/11/2021 16:03

Kinhte&Xahoi Cả nể, gặp gỡ uống rượu bịa sau giãn cách khiến nhiều lái xe trở thành “ma men” đường phố, là nỗi ám ảnh cho chính bản thân, gia đình và xã hội…

Hậu quả nghiêm trọng

Dư luận vẫn chưa quên, vụ tai nạn liên hoàn trên đê Bát Tràng, quận Long Biên (Hà Nội) vào 22h ngày 22/10, khiến 5 phương tiện gồm 3 xe ô tô và 2 xe máy hư hỏng nặng, 2 người đi xe máy bị hất văng xuống chân đê cao hơn 2m trong tình trạng nguy kịch.

Đến nay, qua điều tra ban đầu, do lái xe Volvo biển kiểm soát 30G-364.XX là Bùi Ngọc H (sinh năm 1976 ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) có sử dụng rượu bia, đi lấn làn…

Qua vụ việc trên, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cảnh báo, tác hại của “ma men” hết sức nguy hại đối với người tham gia giao thông.

Từ ngày 15/10, Phòng Cảnh sát giao thông, đã thông báo công khai kế hoạch tuần tra kiểm soát tháng 11/2021, với thời gian thực hiện từ ngày 15/10 đến 14/11, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc xử lý nồng độ cồn trên hầu khắp các tuyến phố.

CSGT phát hiện lái xe có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn

Gần đây nhất, đêm 27/10, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 6 làm nhiệm vụ xử lý chuyên đề vi phạm nồng độ cồn tại đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy.

Ghi nhận trong ca trực, tổ công tác đã phát hiện nhiều lái xe rời quán nhậu trong tình trạng “bước thấp bước cao” rồi lên xe điều khiển phương tiện. Tổ công tác đã yêu cầu tất cả những lái xe này dừng lại, đưa phương tiện vào vị trí an toàn, đồng thời kiểm tra nồng độ cồn của tài xế.

Đại úy Lương Văn Quý, Đội Cảnh sát giao thông số 5, tổ trưởng tổ công tác cho biết, quá trình kiểm tra, nhiều lái xe mô tô, ô tô đã vi phạm nồng độ cồn. Tất cả những lái xe này đều viện dẫn nhiều lý do dẫn tới vi phạm.

Khi tổ công tác lập biên bản, lái xe Vũ Ngọc T (ở Hưng Yên) cho biết anh vừa dự liên hoan sinh nhật của bạn về. Dù biết uống bia rượu sau đó lái xe là nguy hiểm và vi phạm nhưng vì không muốn người yêu bị “mất mặt” với bạn bè nên đã uống hết mình.

Hậu quả, lái xe T đã phải ký vào biên bản xử lý vi phạm với mức kiểm tra ban đầu vượt kịch khung 0,651 mg/lít khí thở. Với mức này anh T bị phạt 7,5 triệu đồng.

Còn tại khu vực ngoại thành, anh Hoàng Văn P (ở xã Đức Hoà, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị phát hiện điều khiển xe máy biển kiểm soát 29S4-474.XX trong tình trạng sử dụng rượu bia ở mức mức 0,280 miligam/1 lít khí thở.

Biết là vi phạm, anh P mếu máo đổ tại cho giãn cách xã hội, quá lâu ngày anh em mới gặp nhau, vui quá nên trót uống chút rượu. Còn xe máy mượn của vợ, nếu bị giữ xe về vợ chồng sẽ cãi cọ...

Lực lượng chức năng đo nồng độ cồn lái xe có dấu hiệu vi phạm

Cũng lý do trên, anh Lê Thanh T (ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) vi phạm mức 0,221 miligam/1 lít khí thở khi điều khiẻn ô tô đã thanh minh, sau giãn cách xã hội đưa vợ con đi chơi nhà bạn bè. Do vui vẻ nên anh đã uống vài ly với bạn và mong được linh động bỏ qua vi phạm, không tạm giữ xe để có phương tiện đưa vợ và con nhỏ trở về nhà.

Đại úy Nghiêm Đình Cẩn, Tổ trưởng Tổ công tác Đội CSGT số 10 thông tin, tổ công tác đã tuyên truyền với anh Lê Thanh T về việc sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là rất nguy hiểm, yêu cầu anh kí vào biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện. Anh T đành chấp hành, lấy các đồ cá nhân trên xe xuống và anh được tổ công tác gọi xe taxi để đưa vợ con về…

Cảnh bảo nguy cơ tiềm ẩn

 Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư Hà Nội cảnh báo, ngay sau khi Hà Nội cho phép các hàng quán hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn đã có xu hướng gia tăng.

Nhiều người dân sau vài tháng “đóng cửa” ở nhà thì nay được gặp gỡ bạn bè, liên hoan, tổ chức sinh nhật hay đơn giản là “ngoại giao” nên đã uống bia rượu rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường.

Còn anh Nguyễn Trung Dũng ở phường La Khê, quận Hà Đông cho biết, chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm do bia rượu gây ra nên kể cả khi nhà có việc cỗ bàn, hay tụ tập bạn bè tôi cũng nhất quyết nói không với bia rượu. Khi đã uống rượu bia rồi thì ở nhà.

Nhiều lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông sau giãn cách

Nhận định tình hình sau giãn cách, không chỉ nội thành khu vực ngoại thành và các tuyến quốc lộ giáp ranh với tỉnh bạn, vi phạm nồng độ cồn gia tăng, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) đã chủ động giao các đội cảnh sát giao thông bám sát địa bàn các huyện tăng cường kiểm tra giám sát vi phạm nồng độ cồn xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Thiếu tá Tạ Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội Cánh sát giao thông số 5, Phòng CSGT thông tin, trong khi thực hiện giãn cách xã hội, tại các chốt kiểm soát Covid-19, các tổ 141, các đội CSGT địa bàn việc kiểm tra vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn ra bình thường.

Mức độ vi phạm giảm do lượng phương tiện ít lưu thông trên đường không có nghĩa là công tác xử lý nồng nồng độ cồn không được quan tâm. Trong đợt giãn cách xã hội vừa qua ghi nhận nhiều tổ công tác đã xử lý các lỗi vi phạm nồng độ cồn cao ở mức kịch khung từ 35 đến 40 triệu đồng.

Người vi phạm bị lập biên bản vì sử dụng cồn khi tham gia giao thông

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) khẳng định, trong quá trình xử lý vi phạm xuất hiện nhiều trường hợp đo nồng độ cồn vượt mức kịch khung là 0,4 miligam/1 lít khí thở, chứng tỏ tâm lý chủ quan, cả nể với bạn bè dẫn đến coi thường pháp luật của lái xe xuất hiện sau giãn cách kéo dài.

Từ nay đến cuối năm 2021, nhận định tình hình nhiều người điều khiển phương tiện chủ quan sử dụng bia rượu do tâm lý cả nể khi gặp mặt bạn bè, giao lưu trong tiệc cưới, cỗ bàn gặp mặt… nên các Đội CSGT phụ trách địa bàn, một mặt tăng cường xử lý nghiêm, một mặt chủ động tuyên truyền tác hại bia rượu; Kịp thời phát hiện và biểu dương những tấm gương chủ động thông báo tình hình vi phạm cho lực lượng chức năng.

Theo Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), trong quá trình làm nhiệm vụ, nhiều tổ xử lý vi phạm nồng độ cồn đã được chính người dân chủ động thông báo về tình trạng lái xe vi phạm để xử lý ngay tại chỗ. Ngoài ra, các tổ công tác đều bám sát địa bàn xử lý nghiêm “ma men”, khép kín các khung giờ. Hy vọng với việc vừa xử lý nghiêm, vừa tuyên truyền tác hại của việc sử dụng bia rượu dưới nhiều hình thức, từ nay đến cuối năm 2021 sẽ chấm dứt tình trạng lái xe sử dụng rượu bia tham gia giao thông.

 Hoa Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: 4,65 triệu lượt đối tượng khó khăn đã được hỗ trợ an sinh

Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến ngày 6/11, các sở, ngành, tổ chức chính trị và các quận, huyện, thị xã đã quyết định hỗ trợ cho 4,65 triệu lượt đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng kinh phí hơn 4.928 tỷ đồng từ chính sách của Trung ương, đặc thù của Thành phố và huy động xã hội hoá.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/csgt-tap-trung-xu-ly-nong-do-con-sau-noi-long-gian-cach-182374.html