Cuộc sống đô thị ngày càng khắc nghiệt vì… nóng

05/08/2019 09:40

Kinhte&Xahoi Mùa hè năm 2019, người dân Hà Nội phải trải qua những đợt nắng nóng gay gắt được coi là kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua. Cuối tháng 6, thời tiết nắng nóng gay gắt trên nền nhiệt hơn 40 độ C, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Hà Nội nắng nóng kỷ lục, người dân ra đường như “hành xác”.

Hà Nội như … “chảo lửa”

Đối với những người có công việc phải ra ngoài những ngày nắng nóng, khẩu trang, găng tay, mũ, áo chống nắng, kính râm, quạt tích điện … dường như là những vật bất ly thân để đảm bảo sức khoẻ. Một cuộc khảo sát kiểm tra nhiệt độ trên mặt đường vào giữa trưa (khoảng 11h) ngày 22/6 cho thấy nhiệt độ trung bình là 40 độ C, nhưng có lúc vượt ngưỡng tới 60 độ C do hiệu ứng đô thị.

Người tham gia giao thông trong những ngày nắng nóng kinh hoàng ví von như họ đang “di chuyển trên chảo lửa”. Bất cứ lúc nào chờ đèn đỏ, phần lớn xe cộ đều cố chen chúc vào nơi bóng râm ven đường, hoặc gầm cầu để tránh nóng.

Đặc biệt, tại một số tuyến đường ít bóng cây xanh như đại lộ Thăng Long. Đỗ Đức Dục, Phạm Hùng, Trần Duy Hưng... có phản ánh rằng “mặt đường như bốc hơi, xuất hiện cả ảo ảnh”. 

Nắng nóng cộng với nền nhiệt ngoài trời luôn ở mức cao khiến cuộc sống của người dân đô thị bị “đảo lộn”, đặc biệt không ít trường hợp ngất, tử vong ngoài đường vì nắng nóng, sốc nhiệt.

Đơn cử, trong 3 tuần đầu tháng 6, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện TƯ Quân đội 108 cho biết đã tiếp nhận 3 bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng, vào viện với các triệu chứng hôn mê sâu, sốt cao trên 40 độ C, trụy tim mạch, tổn thương chức năng gan, thận và rối loạn đông máu nặng; trong đó, có hai trường hợp tử vong dù đã được cấp cứu điều trị tích cực.

Các bệnh nhân đều có đặc điểm chung là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ. 

Theo các bác sĩ, với điều kiện thời tiết khắc nhiệt như nắng nóng kéo dài trên 40 độ C rất dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng... trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt. Nhóm có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là người già, trẻ em, người mắc bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư..., những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường...

Triệu chứng của sốc nhiệt bao gồm ra nhiều mồ hôi, đau cơ, yếu cơ, chuột rút, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn hoặc ngất. Nếu có biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, da khô, nóng, rối loạn ý thức như mê sảng, co giật, hôn mê, là biểu hiện tiến triển đến sốc nhiệt; thì cần được xử trí tại chỗ, đồng thời gọi ngay tới đơn vị cấp cứu để đưa đến các cơ sở y tế kịp thời vì đây là tình trạng đe dọa đến tính mạng. 

Sang đến tháng 7, nắng nóng vẫn gay gắt, kèm theo đó là mưa và bão có thể xuất hiện. Phổ biến ở mức 35 - 37 độ C, thời tiết Thủ đô vẫn khá oi bức, ngột ngạt. Chỉ cần bước chân ra đường là mồ hôi đầm đìa, khó chịu; nhiều người cảm thấy nôn nao, mệt mỏi, không thể tập trung vào công việc. Nhiều cư dân Thủ đô cho hay họ chưa bao giờ cảm thấy “mong chờ và biết ơn những cơn mưa giải nhiệt đến vậy”, để chấm dứt tình trạng nắng nóng kéo dài. 

Nóng thế này mà không có điều hòa thì…

Đến nay, nhiều người dân vẫn còn nghi ngờ những hiện tượng như “biến đổi khí hậu”, “trái đất đã nóng lên 2 độ C”, “hiệu ứng đô thị”, “băng hai cực đang tan, khiến mực nước biển dâng cao”… chỉ là những thuật ngữ của các nhà khoa học, vẫn còn xa vời với cuộc sống thực tế. Nếu vậy, họ có thể tham chiếu ngay tại chốn đô thị hiện đại, nơi họ đang sinh sống.

Trong khi người người đi làm trong những toà nhà cao tầng, ngồi trong ô tô, cafe, nhà hàng điều hoà, quạt gió, quạt nước chạy mát rượi hầu như không “thấm thía” hết được cái nóng kỷ lục của Thủ đô; thì tại những xóm nghèo, những người công nhân, lao động có thu nhập thấp trong xã hội mới phải “hứng đủ” cái nóng gay gắt, trong những căn phòng trọ nhỏ hẹp, mà… không có điều hoà.

Được biết, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm vào cuối tháng 6, một nhóm phóng viên đã tìm tới một số khu trọ cấp 4 và phòng trọ nhỏ giá rẻ tại thôn Phú Mỹ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Khoảng giữa trưa – thời điểm được cho là nóng nhất trong ngày, cũng là lúc người dân nơi đây về nhà nghỉ ngơi, sinh hoạt để chuẩn bị cho buổi chiều làm việc.

Dự báo thời tiết ngày hôm đó rơi vào khoảng 38 - 40 độ C, nhưng trong những căn phòng nhỏ hẹp, chật chội, cao chưa quá 3 mét, nhiệt nóng phả xuống từ các tấm ngói fibro xi măng, ngói tôn tích tụ, nhiệt độ có lúc lên trên 50 độ C. Nóng quá, lại không có điều hoà, người dân nơi đây thường phải đổ nước lên mái, dội nước ra nền nhà cho mát nhưng chỉ được một lúc là khô, dù bật quạt cũng chỉ phả ra hơi nóng, không giảm nhiệt hơn mấy.

Nắng nóng, nắng độc dẫn tới nguy cơ tử vong vì sốc nhiệt, ung thư da.

Cuộc sống người lao động nghèo vốn đã khó khăn, nay càng vất vả. Được biết, những phòng nhỏ trong các khu trọ cấp 4 thường có từ 2 - 3 người/phòng, có phòng chứa tới 6 - 7 người/phòng với giá cho thuê từ 1 triệu - 2 triệu/phòng/tháng.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, hầu như những người sống trong khu trọ này không lắp điều hoà. “Nhiều khi trong phòng nóng quá, đau đầu không chịu được thì phải chạy ra hàng 'nét' có điều hòa ngồi”, một cư dân chia sẻ.

Câu chuyện trên mới chỉ phản ánh một góc cạnh khắc nghiệt của cuộc sống đô thị hiện nay. Không chỉ mỗi khu nhà trọ giá rẻ trên mà rất nhiều khu sinh viên, khu nhà trọ rẻ tiền khác trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có chung hoàn cảnh.

Đối với người dân Thủ đô có mức sống tầm trung trở lên, sử dụng điều hoà là điều bình thường, thậm chí một nhà có thể 3 - 4 điều hoà, mỗi người một chiếc điều hoà; đối với những người dân nghèo, điều hoà là một thứ quá xa xỉ. 

Nông thôn hay đô thị, dễ sống hơn?

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với số lượng dân cư đông đúc, vẫn đang có chiều hướng tăng mạnh ở Thủ đô, nhu cầu dùng điều hoà tăng cao, cũng được coi là một nguyên do gây nên hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, còn gọi là hiệu ứng đô thị. Đây là hiện tượng một khu vực đô thị ấm hơn đáng kể so với các khu vực ngoại ô xung quanh.

Hiệu ứng này diễn ra rõ rệt nhất trong mùa hè và mùa đông. Nguyên nhân chính là do quá trình phát triển đô thị sử dụng nhiều loại vật liệu có tác dụng giữ nhiệt tốt, ví dụ: rải nhựa trên mặt đường; đồng thời cũng do lượng khí thải, lượng nhiệt thải ra do quá trình sử dụng năng lượng, bao gồm tất cả hoạt động xây dựng, sinh hoạt, di chuyển bằng phương tiện dùng xăng như xe máy, ô tô… 

Hè ở đô thị khắc nghiệt quá, người dân lại có xu hướng đi từ thành phố về làng quê, vùng núi để hưởng thụ thứ không khí trong lành, dễ thở hơn. Có thể thấy được sự khác nhau rõ rệt giữa nông thôn và thành thị.

Điều này đã được các nhà khoa học nghiên cứu và giải đáp, có thể tóm gọn như sau: Nhiệt độ không khí thành phố thường cao hơn ở nông thôn, còn độ ẩm lại thấp hơn. Vào mùa hè, nhiệt độ không khí thành phố có thể cao hơn các vùng nông thôn từ 2 - 6 độ C, nhiệt độ tại những bề mặt phủ gạch, bê tông cao hơn nhiệt độ không khí từ 5 - 8 độ C.

Thành phố ngày càng “ngộp thở” bởi nhà cao tầng.

Nguyên nhân chính là do ở thành phố không khí lưu thông kém, vướng nhiều khu nhà cao tầng, làm giảm sự phân tán nhiệt. Nhiều xe máy, ô tô đi lại, nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất dùng lò đốt, thải nhiều nhiệt vào không khí.

Gạch, bê tông, đường nhựa hấp thụ bức xạ mặt trời rất tốt, nóng lên và toả nhiệt vào không khí. Mặt nước ao hồ lại ít, đất bị phủ gạch, nhựa, bê tông không cho nước trong đất bốc hơi, vừa không tiêu hao được nhiệt, vừa làm không khí khô hơn. 

Ở nông thôn, ngược lại, không khí không bị che chắn nên lưu thông tốt hơn. Các nguồn thải nhiệt nhân tạo như ở thành phố ít hơn nhiều. Cây cối lại nhiều, tạo một lớp phủ tốt chắn không cho ánh sáng mặt trời trực tiếp đốt nóng đất và còn tiêu thụ một phần năng lượng mặt trời cho quang hợp. Mặt đất và mặt nước đều bốc hơi tốt hơn, tiêu thụ bớt năng lượng từ ánh nắng mặt trời.

Chưa kể tới, không khí thành phố còn chứa nhiều vi khuẩn, vi trùng gây bệnh, bụi bẩn trong không khí do mật độ dân cư cao; mật độ di chuyển của các phương tiện giao thông cao; tần suất trao đổi hàng hoá, sản xuất, xây dựng nhiều; lượng rác thải lớn, khu thu gom kịp thời, nhất là những vùng công nghiệp và giao thông phát triển, thường có chứa rất nhiều khí độc hại như ôxit của lưu huỳnh, nitơ, cacbon, chì... là các chất độc hại với sức khoẻ con người.

Thiết nghĩ, từ những thực tế nêu trên, phải chăng cuộc sống chốn đô thị sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn trước? Liệu “biến đổi khí hậu toàn cầu” có còn là khái niệm vĩ mô, xa vời như nhiều người vẫn lầm tưởng hay không? 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus