Đại biểu Quốc hội tiếc nuối khi không thể xây cao tốc theo hình thức PPP

10/01/2022 21:16

Kinhte&Xahoi Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, việc đầu tư công toàn bộ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là “cực chẳng đã”

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 10/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, thời gian qua dù chúng ta nỗ lực nhưng năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao và một trong những điểm nghẽn chính là yếu kém kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh thì nâng cao hạ tầng giao thông là đột phá quan trọng cần ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ nguồn lực quốc gia.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lộc, việc đầu tư công toàn bộ dự án là “cực chẳng đã”. “Tôi và cử tri hụt hẫng và tiếc nuối. Tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm là hợp nhẽ. Tuy nhiên, với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam nên là biểu tượng của ý Đảng lòng dân, Chính phủ dẫn dắt với sự chung tay của tư nhân. Đầu tư theo đối tác công tư (PPP) thì Đảng có chủ trương, Quốc hội ban hành luật nhưng ngay sau khi có luật thì 2 lần Quốc hội phải điều chỉnh dự án PPP quay lại đầu tư công, như vậy là không thành công chính sách”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Đại biểu cũng cho rằng, lỗi không phải do PPP mà do cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn, chưa tìm được điểm “hòa” trong chính sách nên chưa thành công thu hút nhà đầu tư tư nhân. Do vậy, các dự án khác hay các dự án thành phần khác của dự án này cần có đề suất sửa đổi quy định chính sách để thu hút tư nhân tham gia. Chính phủ có thể “tiếp sức” qua việc lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho vay xây dựng giao thông thay vì Nhà nước tự mình đầu tư.

Chính phủ có tính phương án sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước (đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng). Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, chất lượng công trình sẽ quyết định có hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân nhận nhượng quyền hay không, do đó phải đặc biệt quan tâm chất lượng dự án.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, phần tiền dành cho dự án này có thể chuyển cho Ngân hàng Đầu tư Phát triển để cho nhà đầu tư tư nhân vay, thực hiện theo phương thức PPP.

“Để các nhà đầu tư tư nhân đầu tư, rồi vận hành sẽ hiệu quả hơn cách Nhà nước đầu tư rồi chuyển quyền thu phí”, ông Cường nói.

Ông cũng đề nghị đánh giá lại suất đầu tư của dự án đang là 201 tỷ đồng/km, gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng, vì đang cao hơn so với nhiều dự án tương tự khác. Hơn thế, dự án đã được thay đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công, được giảm trừ chi phí lãi vay nhưng giá trị tổng mức đầu tư vẫn cao.

“Nên cân nhắc lại, nhất là khi trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự án này được đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù, cho phép chỉ định đầu tư, nên cần thiết kế lại suất đầu tư, thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch để đảm bảo công tác chỉ định thầu hiệu quả”, ông Cường đề nghị.

Cũng trong phiên thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 chiều 10/1/2022, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ tiến độ thực hiện dự án.

"Cần phải làm rõ vì có thể các khoản đầu tư cho dự án sử dụng từ nguồn tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế, cần được giải ngân trong 2 năm 2022, 2023, nếu không đảm bảo yêu cầu này, sẽ không đạt được hiệu của của gói kích thích, phục hồi kinh tế", đại biểu Cường phân tích.

 Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tiec-nuoi-khi-khong-the-xay-cao-toc-theo-hinh-thuc-ppp-187697.html