Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân đi tàu Cát Linh - Hà Đông

09/11/2021 11:04

Kinhte&Xahoi Sau 3 ngày khai chính thức đi vận hành, tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản vào guồng hoạt động. Hành khách không còn quá đông đúc, tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của nhân viên tại nhà ga và trên tàu. Một số vấn đề phát sinh cũng được Sở Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với đơn vị vận hành là Metro Hà Nội xử lý nhanh chóng, không để ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dân Thủ đô.

Người dân yên tâm trải nghiệm

 Chiều 8/11, tàu Cát Linh - Hà Đông tiếp tục đón nhận người dân Thủ đô đến tham quan, trải nghiệm. Ngay từ dưới sảnh tầng 1, người dân đã được giám sát chặt chẽ các quy định phòng dịch, từ quét mã QR, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Dù khoảng đầu giờ chiều, người dân tới trải nghiệm không đông, xếp hàng chỉ không quá 10 người nhưng nhân viên nhà ga liên tục dùng loa nhắc nhở hành khách đứng giãn cách, đảm bảo quy định.

Trên chuyến tàu từ ga Cát Linh xuôi về Hà Đông, hai hàng ghế đều kín chỗ. Do phần lớn là người dân đi trải nghiệm nên tại các ga tàu dừng chỉ bổ sung thêm khách lên mà ít có khách xuống tàu. Dù vậy, người dân đều rất ý thức phòng chống dịch khi đi tàu, nghiêm túc đeo khẩu trang, không trò chuyện và rửa tay khử khuẩn khi lên, xuống tàu.

Ông Lê Văn Vĩnh (nhà ở Nguyễn Thái Học, phường Văn Miếu, quận Đống Đa) đánh giá rất cao tính ưu việt của phương tiện công cộng mới này. Qua lần đầu đi thử, ông thấy tàu chạy khá nhanh, không bị mệt mỏi bởi cảm giác xe cộ ùn tắc. Hành khách được nhân viên nhà ga hướng dẫn rất nhiệt tình, ngay cả những người tuổi cao như ông cũng rất tự tin khi lên tàu.

“Theo tôi tàu đường sắt trên cao chắc chắn sẽ được nhiều người ủng hộ bởi vừa tiện lợi, sạch sẽ lại nhanh chóng. Đây là một phương tiện thông minh và tham gia giao thông bằng phương tiện này cũng là sự lựa chọn thông thái”, ông Vĩnh chia sẻ.

Đưa các con đi trải nghiệm lần đầu, chị Bùi Thu Thảo (trú tại phường Văn Quán, Hà Đông) cho biết, cuối tuần, muốn đưa các con lên Văn Miếu chơi hay lên phố đi bộ Hoàn Kiếm chị cũng rất ngại bởi đoạn đường từ Hà Đông lên Văn Miếu - Quốc Tử Giám rất đông đúc, nhất là vào giờ cao điểm. Từ nay, chị có thể nhàn nhã cùng các con đi tàu điện trên cao, rồi sau đó bắt taxi lên các địa điểm vui chơi cuối tuần mà không bị cảm giác kẹt xe, tắc đường ngáng chân.

Các quy định phòng, chống dịch được người dân thực hiện nghiêm ngặt

“Phương tiện này phù hợp với nhiều đối tượng, trong đó có những gia đình đông con như nhà mình. Giao thông không ùn tắc, là mong mỏi của nhiều người dân Thủ đô và cuối cùng cũng có phương tiện đáp ứng được điều đó”, chị Thảo vui mừng.

Nhân viên nhà ga đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào khu vực mua vé

Tại các khu vực nhà ga, công tác an ninh trật tự và vệ sinh môi trường rất sạch sẽ. Bà Đỗ Thị Bình (nhà ở La Thành, Đống Đa) cho biết: "Điều khiến tôi yên tâm phần nào khi trải nghiệm tàu chạy trong thời điểm dịch bệnh là nhân viên nhà ga luôn nhắc nhở kiểm soát chặt chẽ việc quét mã QR, giữ khoảng cách giữa hành khách. Chúng tôi cũng rất ý thức giữ gìn để đảm bảo sức khỏe bản thân, không để ảnh hưởng tới cộng đồng".

Xử lý ngay các vấn đề nóng, không để diễn biến phức tạp

 Thống kê sơ bộ từ Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội), trong 2 ngày đầu (6 và 7/11) tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông lăn bánh đã có xấp xỉ 80.000 lượt người dân đi trải nghiệm.

Người dân giữ khoảng cách an toàn khi mua vé

Liên quan đến tình trạng người dân đổ về ga Cát Linh (Đống Đa) quá đông vào sáng 7/11, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (54.121 lượt khách, gấp đôi so với ngày đầu tiên), ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước khi vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông, đơn vị đã xây dựng phương án phòng chống dịch theo yêu cầu như khử khuẩn, quét mã QR đối với khách đi/đến, khuyến cáo 5K và gửi Sở Y tế Hà Nội. Công ty cũng đã thực hiện mỗi tàu chở không quá 50% sức chứa và đã được Bộ GTVT chấp thuận, UBND TP Hà Nội thông qua.

“Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thì ngày 7/11, vào lúc 9h30 đến hơn 11h sáng có hiện tượng khách đến sảnh tầng 1 ga Cát Linh quá đông, ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch bệnh Covid-19”, ông Hải thông tin.

Dù là hình thức giao thông mới nhưng nhiều người dân thực hiện bước ra vào ga khá thuần thục

Ông Hải cho rằng, việc nhà ga tập trung đông khách tới tham quan, trải nghiệm là dấu hiệu lạc quan trong khai thác tuyến tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông, song trước tình hình dịch bệnh phức tạp thì yêu cầu phòng, chống dịch cũng đặt ra nghiêm ngặt.

Vì vậy, ngay sau khi nắm bắt tình hình, đơn vị vận hành là Metro Hà Nội đã tổ chức điều hành, phân luồng khách. Theo đó, khi nào lượng khách ở ga tầng 3 lên hết tàu thì mới để khách ở tầng 2 tiếp tục lên và khi nào giải tỏa hết khách ở tầng 2 thì mới tiếp tục để khách ở tầng 1 lên. Đồng thời, khách đi lên theo một luồng và đi xuống theo một luồng để tránh xung đột.

Trong bối cảnh lượng khách tập trung ở tầng 1 quá đông, đơn vị vận hành đã phải điều động thêm bảo vệ, nhân viên các phòng ban ra hiện trường để điều tiết, nhắc nhở người dân xếp hàng, giữ khoảng cách. Lực lượng nhân viên tăng cường trong ngày hôm qua tại ga Cát Linh đã gấp 5-6 lần định biên yêu cầu. Đến sáng nay, 8/11, lượng khách đi tàu vẫn đông nhưng đã giảm hơn và ổn định hơn.

Người dân trải nghiệm tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong chiều 8/11

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT, trong quy trình khai thác vận hành đã đưa ra tình huống lượng khách đông quá, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao thì sẽ tạm đóng cửa nhà ga để giảm tải. Thực tế, trong sáng nay đơn vị đã quyết định kích hoạt phương án, đồng thời kích hoạt tổ công tác điều tiết lượng xe buýt tăng cường bổ sung (ngoài các tuyến đã có ở mỗi ga) để chuyển hành khách tới ga tiếp theo, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

“Tuy nhiên qua camera giám sát, chúng tôi nhận thấy lượng hành khách đã giảm đáng kể so với ngày 7/11 nên vẫn quyết định mở cửa. Đến nay, có thể khẳng định, các phương án xây dựng rất kỹ càng nhưng tới thời điểm hiện tại chưa phải dùng đến”, ông Hải cho hay.

“Quan điểm là giải quyết ngay các vấn đề nóng một cách nhanh chóng, tức thì”, lãnh đạo Sở GTVT khẳng định và mong người dân ủng hộ phương tiện giao thông mới để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển hơn nữa hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội. Tuy nhiên để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, Sở khuyến cáo người dân với những trường hợp đi làm thì đi đúng khung giờ, trường hợp đi trải nghiệm thì cố gắng tránh khung giờ cao điểm để hạn chế tập trung đông người.Cũng theo ông Đỗ Việt Hải, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương Thanh Xuân, Đống Đa, Hà Đông để đảm bảo sự trải nghiệm tuyệt đối an toàn cho người dân. Cụ thể chiều qua, sau khi nắm bắt thông tin đối tượng thu vé xe máy phát sinh (10-20 nghìn đồng) Sở đã phối hợp với Metro Hà Nội để tổ chức ngay bãi đỗ xe miễn phí, giải tỏa các đối tượng chiếm dụng lòng đường không phép.

Tú Linh; Ảnh Hồng Mạnh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: 4,65 triệu lượt đối tượng khó khăn đã được hỗ trợ an sinh

Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến ngày 6/11, các sở, ngành, tổ chức chính trị và các quận, huyện, thị xã đã quyết định hỗ trợ cho 4,65 triệu lượt đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng kinh phí hơn 4.928 tỷ đồng từ chính sách của Trung ương, đặc thù của Thành phố và huy động xã hội hoá.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dam-bao-tuyet-doi-an-toan-cho-nguoi-dan-di-tau-cat-linh-ha-dong-182432.html