“Đào bới” góc khuất nghệ sĩ: Đâu là điểm dừng?

17/06/2021 07:29

Kinhte&Xahoi Hơn một tháng nay, nhiều nghệ sĩ đứng trước luồng phản ứng mạnh của dư luận. Một bộ phận cư dân mạng tự coi mình là “hiệp sĩ”, đòi đưa những góc khuất của giới giải trí ra ánh sáng.

Ca sĩ Phi Nhung và ekip đang dính “lùm xùm” liên quan đến quản lý tiền của con nuôi Hồ Văn Cường.

Những góc khuất buồn

Đầu tiên, một nghệ sĩ được coi là “gạo cội” của làng hài bị đặt nghi vấn không minh bạch trong giải ngân số tiền hơn 14 tỉ từ thiện. Sự thật phơi bày là số tiền đáng ra phải đến tay người dân vùng lũ từ 6 tháng trước nhưng đến thời điểm bị nêu nghi vấn vẫn “nằm im tại chỗ”.

Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, cuối cùng, khoản tiền hơn 14 tỉ bấy lâu cũng được đưa đến tay người cần. Một MC, nghệ sĩ hài khác, sau khi bị “gọi tên” cũng đã phải ra trước công luận giải trình rõ ràng số tiền quyên góp từ thiện trước giờ vẫn là ẩn số gây tranh cãi.

Một nghệ sĩ khác, vốn là giảng viên một trường dạy nghệ thuật, bị cư dân mạng phát hiện có phát ngôn thiếu văn hóa trên mạng xã hội, sau khi đưa ra nhiều lời giải thích không nhận được sự đồng tình đã phải nhận biện pháp xử lý từ đơn vị công tác.

Câu chuyện đang râm ran hiện nay là một nữ ca sĩ hải ngoại, vốn được tiếng là nhân hậu, có nhiều hoạt động thiện nguyện cho cộng đồng, nhận nuôi nhiều trẻ em bất hạnh, nay lại bị tố về việc “nói một đằng làm một nẻo”, có khả năng “trục lợi” tiền từ cậu con nuôi là ca sĩ nhỏ tuổi. Những bằng chứng đưa ra về gia cảnh cậu bé cùng với lời giải thích của ekip nữ ca sĩ khiến nhiều người đặt câu hỏi, đây có còn là câu chuyện về đạo đức - tình người nữa hay liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật?

Trong “cơn lốc” những đả kích đang diễn ra thời gian này, nhiều nghệ sĩ cũng khiến công chúng thất vọng vì những hành vi thiếu chuẩn mực được đưa ra ánh sáng: Quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, quảng cáo quá sự thật, bán hàng nhập lậu giá cao, phát ngôn miệt thị khán giả, tỏ thái độ coi thường nghề nghiệp chính mình, coi thường khán giả… Nhiều góc khuất đáng buồn trong làng giải trí bị phơi bày.

Đâu là điểm dừng?

Tuy nhiên, trong quá trình đi tìm sự thật, dường như một bộ phận dư luận đang có chiều hướng quá khích, vội vàng kết tội người khác dù nhiiều sự việc chưa có bằng chứng.

Một số nghệ sĩ bị tấn công trang cá nhân, hack Facebook, hack tài khoản để lộ những thông tin riêng tư. Nhiều nghệ sĩ khác chỉ vì “lỡ” thân thiết, có mối quan hệ với những nghệ sĩ đang bị “đấu tố” mà bị tẩy chay “vạ lây”...

Cuộc tấn công ấy không chỉ nhằm vào một số nghệ sĩ “có vấn đề” mà dường như lan sang cả làng giải trí. Những từ ngữ miệt thị người làm nghệ thuật xuất hiện. Không ít người phủ nhận cả giá trị hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ.

Mới đây, một nhà biên kịch có tiếng ở phía Bắc đã có bài đăng trên trang cá nhân của mình, phân tích sự khác biệt giữa nghệ thuật và giải trí. Từ đó, nhà biên kịch cho rằng, cần phân biệt giữa “người làm nghề giải trí” và nghệ sĩ. Nghệ sĩ là những người hoạt động nghệ thuật chân chính, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật hướng đến chân - thiện - mỹ. Một “hotgirl” khoe thân trên mạng, một youtuber hay tiktoker chuyên làm trò, “câu view” trên mạng chỉ có thể gọi là những người hoạt động trong ngành giải trí, chứ không phải nghệ sĩ. Tất nhiên, vẫn có những nghệ sĩ lựa chọn cho mình con đường giải trí, phục vụ thị hiếu của khán giả, nhưng cần phân biệt rõ để làng nghệ thuật không bị “chửi oan”.

Vì một vài nhân vật “có nghi vấn”, một bộ phận người dùng mạng tấn công “ồ ạt” vào giới nghệ sĩ, phủ nhận giá trị của nghệ thuật và những cống hiến của nghệ sĩ chân chính không chỉ hủy hoại những giá trị tốt đẹp mà còn đối diện ranh giới vi phạm pháp luật khi một số người không tiếc lời “ném đá”, moi móc đời tư, có dấu hiệu vu khống nghệ sĩ. Những hành vi ấy cần lên án, thậm chí xử lý mạnh tay để “dẹp loạn”.

 Trân Trân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội được mùa lúa Xuân

Thời điểm này, Hà Nội đã cơ bản thu hoạch xong 100% diện tích lúa Xuân. Năng suất lúa trung bình của toàn TP cán mốc 61,2 tạ/ha, nhiều huyện đạt tới 66 tạ/ha - cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Hà Nội: Dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, chỉ cho phép bán hàng mang về

Từ 12h00 ngày 25/5/2021: Tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới của Thành phố, cụ thể: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/dao-boi-goc-khuat-nghe-si-dau-la-diem-dung-d158422.html