Dạy và học trực tuyến: Từ giải pháp tình thế đến chiến lược mang tầm vóc quốc gia

08/09/2021 16:00

Kinhte&Xahoi Năm học mới đã bắt đầu, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, rất nhiều tỉnh thành, địa phương phải áp dụng biện pháp dạy và học online. Đối với phần đa phụ huynh và học sinh, đây là giải pháp tình huống trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát phức tạp. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, sử dụng công nghệ số chính là bước đột phá của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm bắt kịp xu hướng thời đại, chủ động ứng phó với các tình huống bất trắc có thể xảy ra... Làm sao để sử dụng công nghệ số trong lĩnh vực giáo dục có kết quả tốt, vừa truyền đạt kiến thức cho học sinh vừa đảm đương nhiệm vụ thiêng liêng dạy và rèn nhân cách cho thế hệ trẻ… đang được nhiều nhà giáo dục và đông đảo phụ huynh học sinh quan tâm.

Bài 1: Con đường mới của ngành giáo dục

 Dịch bệnh Covid-19 mang đến cho chúng ta rất nhiều thiệt hại và bất tiện. Nhìn góc độ tích cực “trong rủi, có may”, dịch bệnh đã thúc đẩy việc chuyển đổi số giáo dục. Nói cách khác, đại dịch Covid-19 bắt buộc giáo dục phải hòa vào đường ray “công nghệ số” và “lăn bánh”.

Dù còn nhiều vấn đề liên quan cần phải bàn nhưng rõ ràng việc dạy và học trực tuyến được phụ huynh, xã hội và học sinh quan tâm. Mỗi một khâu tốt sẽ tạo ra cả dây chuyền tốt. Mỗi khâu đột phá sẽ tạo nên cả “dây chuyền” dạy và học thăng hoa.

Học trực tuyến trong dịch bệnh mở ra hướng đi mới cho ngành Giáo dục và Đào tạo

Động lực thúc đẩy chuyển đổi số

 Nhân dịp học sinh cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới 2021-2022, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có bài viết về chuyển đổi số giáo dục. Trong đó, ông phân tích: “Phát triển số có thể coi là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ XXI. Quốc gia nào, ngành nào muốn bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng thì phải tận dụng cơ hội này nhưng phải đi trước người khác, đi trước quốc gia khác.

Nếu phải chọn một khâu để đột phá trong giai đoạn 5 năm tới thì ngành Giáo dục và Đào tạo rất nên cân nhắc chọn chuyển đổi số. Ngành cần coi đây là giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược chứ không phải là giải pháp tình huống ứng phó với Covid-19. Công nghệ số và chuyển đổi số có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề kéo dài của ngành Giáo dục và Đào tạo”.

Như vậy, dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp có tính thời điểm trong mùa dịch Covid-19 này mà còn là hướng đi bắt buộc. Hay nói cách khác, dạy và học trực tuyến trong thời dịch bệnh này chính là một “hướng tiên phong” để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số được thực hiện thực chất, mạnh mẽ hơn.

Bởi lẽ, chúng ta không còn lựa chọn nào khác. Thời 4.0 có văn phòng không giới hạn thì cũng có lớp học không giới hạn trong 4 bức tường, tập trung tại một điểm mà có thể là bất cứ đâu. Nhất là trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, khái niệm tựu trường không chỉ dừng ở buổi khai giảng rợp trời cờ và hoa; Khái niệm giờ học không chỉ là ngồi đúng chỗ, đúng lớp nữa.

Chuyển đổi số trong đó có dạy học trực tuyến là giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược chứ không phải giải pháp tình huống

Tựu trường thời 4.0 là khai giảng online, gặp mặt online. Nói như Lỗ Tấn: “Trên mặt đất làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Con đường dạy và học trực tiếp truyền thống chúng ta đã đi quá lâu, lớp sau tiếp bước lớp trước, con đường ấy đã thành thói quen, thành nếp với bao kỉ niệm về thầy cô và mái trường.

Trước sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trước dịch bệnh đe dọa lây lan, cướp đi sức khỏe và tính mạng của nhiều người, nhịp sống vẫn phải tiếp diễn, ngừng đến trường nhưng không ngừng học. Chỉ có duy nhất hình thức học trực tuyến và học qua truyền hình là đảm bảo được việc truyền thụ kiến thức, đều đặn lên lớp của học sinh, sinh viên.

Con đường ấy, chúng ta đã đi được những bước đầu tiên, dần dần hình thành một thói quen mới, nếp học tập mới. Rồi mai kia, con đường này sẽ được mở rộng bởi nhiều dấu chân người. “Vạn sự khởi đầu nan”, nhanh chóng thích nghi với hình thức học tập mới này, chúng ta biến thách thức thành cơ hội để nhanh chóng hòa nhập và kéo theo nhiều biến chuyển mới trên chuyến tàu chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo của đất nước.

Khắc phục khó khăn

Nói là vậy nhưng để thực hiện được thì còn rất nhiều điều phải bàn. Trong đó, tùy vào tình hình dịch bệnh và trang thiết bị của từng địa phương mới có thể tiến hành đồng bộ và hiệu quả được.

Những giờ học trực tuyến sáng tạo

Như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích: “Chuyển đổi số giáo dục thì đầu tiên là cần một hạ tầng số băng thông rộng đến từng người dân và từng hộ gia đình. Hiện nay còn gần 2.000 điểm lõm sóng trên toàn quốc, Bộ TT&TT đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ không còn điểm lõm sóng. Cuối năm nay, các tỉnh cũng đang phấn đấu mỗi hộ gia đình ít nhất một điện thoại thông minh, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Sang đầu năm 2023 thì 100% người dân sẽ chuyển sang dùng điện thoại thông minh.

Trước năm 2025, cơ bản mỗi hộ gia một đường Internet cáp quang siêu băng thông. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam luôn có giá ưu đãi đặc biệt cho giáo dục từ nhiều năm qua. Chiến lược Hạ tầng số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành năm nay đặt mục tiêu Việt Nam lọt vào top 30 thế giới trước năm 2025. Đây là một nỗ lực vô cùng to lớn của ngành Thông tin và Truyền thông đóng góp cho sự phát triển của đất nước, trong đó có ngành Giáo dục và Đào tạo”.

Học trực tuyến với lứa học sinh, sinh viên đã “kinh qua” những kì học trước máy tính, điện thoại từ gần 2 năm nay thì không nhiều vấn đề nhưng với lứa tuổi học sinh tiểu học thì khiến phần đông cha mẹ học sinh quan tâm. Được biết, năm học 2021-2022, ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường quán triệt thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới giáo dục tiểu học và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa bảo đảm an toàn về phòng chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Theo đó, căn cứ tình hình thực tế, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng phương án, kịch bản tổ chức dạy học cụ thể, hình thức linh hoạt phù hợp khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học, đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch.

Từng bước khắc phục khó khăn, đó là câu “khẩu quyết” để phụ huynh và học sinh cùng toàn thể xã hội “sống chung với lũ”; Đồng thời tạo nên “con đường mới” cho ngành Giáo dục và Đào tạo trong hành trình đi đến tương lai.

(Còn nữa)

 Mai Khôi - Hương Thị - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/day-va-hoc-truc-tuyen-tu-giai-phap-tinh-the-den-chien-luoc-mang-tam-voc-quoc-gia-176172.html