“Đề kháng” cho ngành du lịch

12/06/2021 10:05

Kinhte&Xahoi Ngành du lịch lại một lần nữa chao đảo do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Không ít công ty lữ hành, khách sạn phá sản, nhân sự ngành du lịch thất nghiệp phải tìm công việc tạm kiếm sống.

Cầm cự qua mùa dịch

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Việt Nam thất thu 23 tỉ USD, giảm 80% khách quốc tế, du lịch nội địa giảm 50%. Chưa kịp hồi phục lại thì đợt dịch cuối tháng 2 và cuối tháng 4 năm 2021 tiếp tục “hạ gục” ngành du lịch.

Gần đây, các hãng lữ hành như “ngồi trên chảo lửa”, hoạt động tê liệt. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đến nay chỉ còn 10% doanh nghiệp du lịch đang duy trì hoạt động (chủ yếu còn lại bộ khung với những nhân lực chủ chốt), còn tới 90% tạm ngừng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ông Lê Trung Thu - Giám đốc Viettourist Hà Nội cho biết doanh nghiệp đã bật chế độ “ngủ đông”. Vietravel cũng có động thái tương tự khi đóng cửa các chi nhánh và phòng giao dịch ở một số địa phương.

Ông Trần Văn Long - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 làm đảo lộn mọi thứ và du lịch là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Sau thời gian đầu cầm cự, hầu hết nhân sự Công ty Du lịch Việt đã nghỉ việc, nay chỉ còn khoảng 10%. Trong tình thế khó khăn, doanh nghiệp đã chuyển hướng bán khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn... thậm chí còn bán dưa hấu để cầm cự qua mùa dịch bệnh”.

Tại Việt Nam, có hàng nghìn công ty lữ hành rơi vào tình cảnh thê thảm như Viettourist, Vietravel, Du lịch Việt… Hướng dẫn viên du lịch, nhân viên lữ hành rơi vào tình trạng thất nghiệp. Trên các nhóm mạng xã hội dành cho hướng dẫn viên, nhiều người chia sẻ phải lựa chọn các công việc thời vụ như bán hàng online, giao hàng, chạy xe ôm công nghệ, bảo vệ... để có thể duy trì các khoản chi phí hàng ngày, chờ thời cơ quay lại với hoạt động lữ hành.

Do ảnh hưởng của dịch, lượng khách du lịch giảm mạnh nên nhiều khách sạn ở trung tâm Hà Nội cũng rơi vào tình trạng hiu hắt. Không ít cơ sở lưu trú phải đóng cửa, ồ ạt rao bán. Trên các trang rao bán nhà đất trên mạng, các khách sạn rao bán đều giảm giá bán từ 20 - 35% so với những năm trước nhưng vẫn khó tìm chủ mới…

Ủng hộ xã hội hóa vắc xin

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, tiêm vắc xin phòng dịch sẽ là con đường chính, quan trọng nhất hiện nay để đẩy lùi dịch Covid-19. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin để sớm miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống và công việc trở lại bình thường, các doanh nghiệp đã đăng ký số lượng người và địa điểm tiêm vắc xin. Đến nay đã gần 81.000 người đăng ký tham gia vào chương trình xã hội hóa vắc xin. Trên cơ sở số người đăng ký, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ và làm việc với Bộ Y tế đề nghị cho phép hệ thống doanh nghiệp du lịch được đóng góp kinh phí để tiêm phòng vắc xin cho các cán bộ, nhân viên trong đơn vị du lịch và gia đình họ.

Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh: “Việc các doanh nghiệp tham gia chương trình xã hội hóa vắc xin sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh và giảm tải gánh nặng ngân sách của Nhà nước dành để tiêm phòng dịch cho toàn dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kêu gọi, vận động các doanh nghiệp ngành Du lịch tích cực ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 của Chính phủ”.

Ông Đỗ Trọng Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên hưởng ứng việc Hiệp hội Du lịch Việt Nam có thư kêu gọi toàn thể các doanh nghiệp du lịch tham gia xã hội hóa tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đây là chủ trương rất đúng vì những người làm du lịch là lực lượng có ảnh hưởng trực tiếp và cũng là đối tượng có nguy cơ cao nhất do phải phục vụ mọi đối tượng.

Ông Hiệp chia sẻ: “Muốn ngành Du lịch sớm trở lại hoạt động thì bản thân mỗi người trong ngành phải được tiêm vắc xin, có sức đề kháng chống dịch, an toàn cho mình, cho người thân. Việc trả tiền cho mũi tiêm của mình sẽ góp phần vào việc giảm gánh nặng cho Chính phủ, phần nào thể hiện được hình ảnh rất đẹp của ngành Du lịch khi đang phải oằn mình bươn chải với cuộc sống, tìm mọi cách để tồn tại nhưng sẵn sàng chung tay với đất nước lúc khó khăn”.

 Thùy Dương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội được mùa lúa Xuân

Thời điểm này, Hà Nội đã cơ bản thu hoạch xong 100% diện tích lúa Xuân. Năng suất lúa trung bình của toàn TP cán mốc 61,2 tạ/ha, nhiều huyện đạt tới 66 tạ/ha - cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Hà Nội: Dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, chỉ cho phép bán hàng mang về

Từ 12h00 ngày 25/5/2021: Tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới của Thành phố, cụ thể: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/de-khang-cho-nganh-du-lich-d158042.html