Đề nghị bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho ngân hàng Agribank

08/06/2020 16:27

Kinhte&Xahoi Để đáp ứng quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, Agribank vẫn cần được Nhà nước cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng ngay trong năm 2020.

Chính phủ trình Quốc hội (QH) đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV nội dung đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Trình bày Tờ trình về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tại phiên họp sáng nay, 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Agribank là Ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Trong nhiều năm qua, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm. Vốn điều lệ của Agribank hiện đạt 30.591 tỷ đồng.

Nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II (được hướng dẫn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016), thời điểm 31/3/2020, tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng này chỉ đạt 6,9% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định).

Triển khai chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh theo Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2016 – 2020 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở thực trạng vốn của Ngân hàng, Agribank đã xây dựng Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2019 – 2021.

Theo đó, mức vốn tự có  thiếu hụt của Agribank giai đoạn 2019 – 2021 để đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II là rất lớn. Do chưa đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II nên Agribank hiện đang được NHNN cho phép thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019.

Thời điểm 31/3/2020, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN chỉ đạt 9,2%, đã sát ngưỡng tối thiểu theo quy định (9%). Tuy nhiên, để đáp ứng quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, Agribank vẫn cần được Nhà nước cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng ngay trong năm 2020.

Chính phủ trình QH đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV nội dung đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Agribank.

Ủy ban này cho rằng việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, tăng cường vai trò và đóng góp của Agribank cho nền kinh tế, phù hợp với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, đáp ứng được tỷ lệ bảo đảm an toàn của Agribank nói riêng và an toàn hệ thống tài chính quốc gia nói chung, hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, qua đó đóng góp tích cực vào công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là hỗ trợ thực hiện các chính sách theo chương trình mục tiêu quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới” và “Giảm nghèo bền vững”.

Trường hợp được QH chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ ngân sách nhà nước, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước phải bảo đảm việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank theo đúng thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục quy định tại Luật số 69 và sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước một cách hiệu quả; đồng thời chỉ đạo Agribank tiếp tục thực hiện các giải pháp tích cực bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo quy định pháp luật.

Tuyết Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Định vị cho nông sản Thủ đô

Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vị trí, giá trị của nông sản trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Để định hình vị thế cho nông sản Thủ đô, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu phải trở thành chiến lược phát triển chung, từ đó nâng cao chuỗi giá trị và có thể đứng vững trên thị trường trong nước, quốc tế.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/de-nghi-bo-sung-3500-ty-dong-von-dieu-le-cho-ngan-hang-agribank-d126509.html