Đề nghị làm rõ vấn đề chậm giải ngân đầu tư công

12/11/2021 06:37

Kinhte&Xahoi Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, giải ngân đầu tư công chậm phần lớn ở khâu thực hiện tại địa phương. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cho rằng "nói vậy thì tội địa phương quá".

Vấn đề hiện nay là nằm ở địa phương

Chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại Quốc hội chiều 11/11, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) đặt vấn đề, theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối tháng 10/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công như việc giải ngân ODA còn thấp so với kế hoạch. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp gì để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những năm tiếp theo cũng như để thúc đẩy giải ngân vốn ODA?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng liệt kê hàng loạt nguyên nhân, cả chủ quan, khách quan như: Công tác chuẩn bị dự án kém, mang tính hình thức nhiều, qua loa, sau khi được chấp thuận chủ trương mới thực hiện một cách thực tế, lúc đó lại mất thời gian làm lại, sửa đi sửa lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian.

Về giải phóng mặt bằng, các quy định về đất đai chưa giải quyết được triệt để, vì vẫn bị vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đền bù, tranh chấp, ý thức người dân... làm chậm tiến độ. Ngoài ra là công tác đấu thầu, không được bố trí vốn đối ứng...

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Riêng năm 2021, có những nguyên nhân là bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phải giãn cách xã hội ảnh hưởng đến nhiều vấn đề về nguyên vật liệu, nhân công thiếu, chi phí tăng cao, giá nguyên vật liệu tăng. Năm nay cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo ông Dũng, nguyên nhân ở khâu thực hiện vẫn là chính. Toàn bộ vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A, B, C đều đã phân cấp địa phương; Thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; Điều chỉnh chủ trương đầu tư đều đã phân cấp cho địa phương...

Bộ chỉ còn ba chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; Đảm bảo chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều hành hàng năm. Khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã giao vốn một lần, theo một khoản cho các địa phương ngay từ tháng 11 năm trước. Vì vậy, vấn đề hiện nay là nằm ở địa phương. Còn những vấn đề thuộc về trách nhiệm Trung ương và Bộ "thì chúng tôi cầu thị".

Giơ danh sách giải ngân vốn đầu tư công của 63 tỉnh, thành, ông Dũng bày tỏ muốn nói rõ vấn đề này "để xem vấn đề nằm ở đâu và trách nhiệm của ai". Đến hết tháng 10, có 30 tỉnh giải ngân dưới 60%.

Địa phương nói giải ngân chậm là do Trung ương

 Không đồng ý với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đưa ra thông tin, khi đi giám sát tại địa phương, đại biểu được nghe trách nhiệm đó thuộc về Trung ương song khi làm việc với Bộ chủ quản thì lại được nghe nguyên nhân đó thuộc về địa phương. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội)

Về nội dung trách nhiệm trong chuyển nguồn vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. “Dự án của địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm, dự án của Trung ương thì Trung ương phải chịu trách nhiệm. Còn dự án Trung ương có cấu phần liên quan đến địa phương và đã trao cho địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm”, ông nói.

Trong đề án tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công sắp tới sẽ trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình riêng phần giải phóng mặt bằng giao cho địa phương và địa phương có thể dùng cả ngân sách của Trung ương để thực hiện hoặc có thể dùng ngân sách địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng. Như vậy sẽ linh hoạt, chủ động và nhanh hơn. Bộ trưởng cho rằng nếu tách được và giao hẳn cho địa phương thì sẽ phân biệt rõ ràng trách nhiệm Trung ương hay địa phương đối với dự án của Trung ương trên địa bàn.

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu: “Nói chậm giải ngân vốn đầu tư công do địa phương thì tội địa phương quá”. Theo ông Hòa, các dự án nhóm A trọng điểm quốc gia do Bộ, ngành Trung ương thẩm định. "Nếu có địa phương chậm thì đó là nơi nào, phải chỉ rõ để xử lý. Bộ, ngành Trung ương thẩm định nhóm dự án A chậm thì ai chịu trách nhiệm cũng phải làm rõ", ông nói.

Theo ông Hòa, việc giao vốn và ghi dự án song song là bất cập. Dự án chưa phê duyệt xong, thậm chí mới thẩm định sơ bộ, chưa thẩm định chính thức thì đã kèm theo vốn. Dự án chưa xong thì không thể giải ngân, nên "bất cập cần điều chỉnh".

Trả lời sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các dự án nhóm A địa phương thẩm định. "Chúng tôi luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào. Còn quy trình thủ tục gồm nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan để tổng hợp lại có thể chậm, chúng tôi rút kinh nghiệm và cố gắng cao nhất", ông Dũng nói.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/de-nghi-lam-ro-van-de-cham-giai-ngan-dau-tu-cong-182745.html