Dự án "ma" ở Hòa Bình xuất hiện tràn lan, cần xem xét trách nhiệm cơ quan quản lý

14/03/2022 16:02

Kinhte&Xahoi Đã đến lúc cần giải pháp mạnh tay hơn, cũng như xem xét trách nhiệm quản lý đối với cơ quan quản lý khi để tồn tại tràn lan dự án “ma.

Dự án “ma” – quảng cáo thật

Trong vài năm trở lại đây, tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước… đã xuất hiện rất nhiều dự án “ma” dưới nhiều hình thức, từ đất nền cho một quần thể nghỉ dưỡng quy mô lớn, nằm xen kẽ trong các khu dân cư….

Mới đây, mạng xã hội liên tiếp xôn xao trước clip ghi lại cảnh nhộn nhịp liên quan đến giao dịch đất nền, chốt cọc chỉ trong vòng vài phút tại một góc đồi thuộc xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Ngay sau khi clip được đăng tải, dư luận đã nghi vấn đây chỉ là cảnh diễn trò tạo sốt đất ảo.

Và thực tế, đây chỉ là dự án “ma,” bởi trên địa bàn này không có bất kỳ dự án khu dân cư nào được cấp phép 

Sau đó, UBND huyện Lộc Ninh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 100 triệu đồng đối với Công ty TNHH địa ốc Nam Khương (trụ sở tại Bình Dương) do có hành vi vi phạm tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Cảnh môi giới bán đất tại Bình Phước. Ảnh cắt từ clip

Hay Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình mới đây cũng vừa cảnh báo 8 dự án “ma” do không có trên địa bàn, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản.

Các dự án bao gồm Green Oasis Hòa Bình, Beverly Hill, Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp, Moutain Villa (huyện Lương Sơn), Sun Legend Villas – Đà Bắc Ecolodge (huyện Đà Bắc), Kai Village Resort, Ohara Villas & Resort, The Moon Village (TP Hòa Bình).

Trên thực tế, đa số các dự án “ma” tại Hòa Bình nói trên thường có chung công thức là nguồn gốc các khu đất ở vùng nông thôn được một số cá nhân mua gom, rồi biến thành các “khu quần thể biệt thự, nghỉ dưỡng”.

Các căn biệt thự nghỉ dưỡng sau đó được rao bán ra thị trường lại được gắn mác tên dự án hoành tráng, được quảng bá rầm rồ trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website về bất động sản…

Vị trí Dự án có tên gọi "The Moon Village" nằm sát Quốc lộ 6 là một Dự án "ma".

Điển hình như tại Dự án "ma" The Moon Village (TP Hòa Bình) mọc lên với hứa hẹn có quy mô 57 căn biệt thự trên. Tất cả các căn biệt thự đều được quảng cáo được cấp “sổ đỏ” vĩnh viễn, cùng hàng loạt những lời chào mời hấp dẫn.

“The Moon Village nằm trên thửa đất rộng 6,7ha trong đó có 1,3ha đất ở sổ đỏ đất ở lâu dài chia làm 31 sổ đã được cấp từ 2011 được các hộ gia đình ở Hà Nội mua lại và cùng nhau quy hoạch đóng góp xây dựng hạ tầng chung để phục vụ nhu cầu nhà ở của mỗi cá nhân nhưng vẫn đảm bảo nét đẹp của sự thống nhất và chuyên nghiệp”, một nội dung quảng cáo về Dự án có tên gọi The Moon Village được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Những hình ảnh về buổi lễ ra mắt rầm rộ của Dự án Kai Village Resort từng được nhiều đơn vị truyền thông quảng bá.

Hay như tại Dự án "ma" Kai Village Resort, Chủ đầu tư có quảng cáo cam kết ưu đãi hấp dẫn khi thanh toán, như được hỗ trợ vay vốn lên tới 70%, cam kết lợi nhuận cao, 15 ngày nghỉ miễn phí/năm, trao đổi kỳ nghỉ miễn phí. Ngoài ra giảm 15% dịch vụ khác, giảm 30% khi mua thực phẩm sạch…

“Chủ đầu tư cam kết lãi suất đến 12,5% một năm cho khách hàng. Dự án được ngân hàng TPBank bảo trợ với nhiều mức hỗ trợ. Người mua chỉ cần trả gần 800 triệu đồng có thể sở hữu ngay một căn biệt thự tại Kai Resort”, một đoạn giới thiệu từng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về Kai Village Resort.

Những căn biệt thự đang "thành hình" tại Dự án "ma" Ohara Villas & Resort

Hay ở Dự án "ma" Ohara Villas&Resort tại xã Mông Hóa (TP Hòa Bình), theo thông tin từ các website bất động sản như: Oharavilla.vn, oharavillas.com, ancu.me,… đều giới thiệu, Dự án Khu nghỉ dưỡng Ohara Villas & Resort do Công ty CP đầu tư nghỉ dưỡng Việt Nhật đầu tư và khai thác. Các website này còn rao bán các căn biệt thự công khai, rầm rộ với giá từ 2 đến 5 tỷ đồng mỗi căn, tùy từng vị trí, diện tích…

Dự án “ma” phát hiện sớm, sai phạm không được chặn kịp thời?

Thực trạng trên một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng gom đất, phân lô làm dự án “ma” đã và đang xuất hiện tràn lan tại nhiều địa phương.  Trong khi đó, việc ngăn chặn, xử lý các dự án vi phạm vẫn còn nhiều "độ trễ" đáng suy ngẫm.

Văn bản của huyện Kỳ Sơn gửi Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình vào năm 2019. (Ảnh: Báo Xây dựng)

Đơn cử như tại Hòa Bình, các dự án ma vừa được công bố hồi tháng 2/2022 không phải đến bây giờ mới "bất ngờ" xuất hiện và bị cơ quan chức năng công khai cảnh báo.

Ngay từ năm 2019, trong một báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn gửi lên Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cho thấy, trên địa bàn huyện này hiện nay có nhiều dự án không có thật, mà các dự án đó chủ yếu do cá nhân tự "dựng lên".

Theo đó, tại dự án The Moon Village, khu đất được đề cập là đất các hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã được UBND huyện Kỳ Sơn chấp thuận. Hiện, các hộ gia đình cá nhân đã tiến hành san gạt, tạo cảnh quan và xây dựng một số ngôi nhà.

Hình ảnh về Dự án The Moon Village từng bị nhiều phương tiện thông tin đại chúng, báo chí... phản ánh vào năm 2019. (Ảnh: Đời sống Pháp luật)
Hình ảnh về Dự án The Moon Village do phóng viên ghi nhận vào tháng 2/2022.

Tuy nhiên, trong quá trình đó, các hộ gia đình, các cá nhân tiến hành san gạt, cải tạo không đảm bảo vệ sinh môi trường… Do đó, UBND huyện Kỳ Sơn đã thu hồi giấy phép, không cho tiếp tục tiến hành san gạt, cải tạo mặt bằng.

Hay ở dự án được gọi là Kai Village Resort, tại vị trí Đông Bắc của hồ Cầu Mè, có một số hộ gia đình, cá nhân tiến hành xây dựng nhà ở trên đất của các hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc xây nhà ở, san gạt, tạo cảnh quan đã được các phòng chuyên môn của UBND huyện tiến hành kiểm tra, làm rõ.

Nhưng đã 3 năm kể từ sau những phản ánh bằng văn bản trên của UBND huyện Kỳ Sơn thì đến nay, những công trình tại dự án ma nói trên vẫn đang tồn tại, chưa bị tháo dỡ, thậm chí không ít trong số đó đã được hoàn thiện.

Những căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Dự án "ma" Kai Village Resort.

Cụ thể, ở Dự án “ma” Kai Village Resort, Phóng viên đã trực tiếp đến lô đất được giới thiệu dự án, hiện có một số căn biệt thự nghỉ dưỡng kiên cố mọc lên và hoàn thiện để có thể sử dụng. Cùng với đó là hệ thống đường đi được san ủi để người dân có thể đi lại. Tuy nhiên, có khá nhiều hạng mục công trình đang thi công dang dở, khá nham nhở.

Tại Dự án “ma” The Moon Village, có thể dễ dàng quan sát thấy những căn biệt thự có kiến trúc khác biệt nằm “trơ trọi” trên một quả đồi, xung quanh có nhiều rừng cây nằm sát gần Quốc lộ số 6 (TP Hòa Bình). Nhìn vào phía trong dự án, hiện có một số căn biệt thự đã được xây dựng hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, một con đường chạy từ dưới chân đồi vào dự án cũng được thi công khá bằng phẳng.

Ohara Villas & Resort tại xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) là một trong những dự án vừa bị Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cảnh báo. (Ảnh: Báo Dân Trí)

Hay tại Dự án "ma" Ohara Villas & Resort, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình trong năm 2020 cũng từng tổ chức kiểm tra và khẳng định trên địa bàn xã Mông Hóa không có dự án nào tên là Ohara Villas & Resort được phép triển khai thực hiện. Do đó, việc một số website quảng bá giới thiệu dự án là không đúng sự thật.

Tại thời điểm kiểm tra trên, hiện trạng khu đất có 37 ngôi nhà xây 1 tầng, diện tích mỗi ngôi nhà khoảng 50 m2, được xây dựng bằng bê tông, cốt thép, trong đó có 8 căn nhà đã hoàn thiện, 29 nhà đang xây dựng.

Có thể thấy, dự án kể trên đã được chính các cơ quan chức năng cảnh báo nhưng hoạt động xây dựng biệt thự, công trình hay quảng cáo vẫn diễn ra trong suốt nhiều năm nay mà chưa được ngăn chặn kịp thời.

Dự án ma tồn tại, cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý

Trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, Luật sư Quách Thành Lực – Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ: Hiện nay, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng có hiệu lực ngày từ ngày 28/1/2022, chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản huy động vốn không đúng quy định bị phạt đến 1 tỷ đồng.

Mức xử phạt hành chính Nghị định số 16/2022/NĐ-CP mới có hiệu lực, số tiền phạt lên tới 1 tỷ đồng. Thế nhưng, có thể nói mức phạt trên chưa đủ sức răn đe và không đáng kể gì với nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Số tiền phạt này chưa bằng giá trị một lô đất hay một căn nhà nếu bán thành công, do đó các doanh nghiệp làm ăn bất chính sẵn sàng “hy sinh” nộp phạt để kiếm lợi từ người mua nhà.

Việc “dự án ma” hoành hành, một phần còn nằm ở trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng. Trên thực tế, từ xã, phường đến quận, huyện và thành phố đều có lực lượng thanh tra nhưng công tác giám sát, xử lý không phải ở đâu cũng phát huy hiệu quả.

Vì thế, tồn tại của các dự án “ma” là trái pháp luật và cần được xử lý mạnh tay với bản thân các dự án cũng như cần truy cứu, xử lý triệt để trách nhiệm của cơ quản quản lý các cấp tại các địa phương trong việc để dự án “ma” lan rộng.

"Dù biện pháp nào đi chăng nữa thì một trong những giải pháp quan trọng là nhà đầu tư, khách hàng phải tự nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia vào thị trường, đầu tư bất động sản. Vì vậy, để ngăn chặn rủi ro từ các dự án “ma”, cơ quan chức năng cần công khai minh bạch thông tin dự án bất động sản rộng rãi là hết sức cần thiết, để khách mua nắm bắt thông tin, tránh sập bẫy những “dự án ma", - Luật sư Quách Thành Lực chia sẻ.

Mới đây, đăng tải trên báo Dân Trí, liên quan đến loạt dự án “ma” ở Hòa Bình, hôm 24/2/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Lương Sơn đã tiến hành kiểm tra thực tế địa điểm xây dựng có "dự án ma" Beverly Hill.

Những công trình biệt thự sang chảnh nằm trong khuôn viên "dự án ma" Beverly Hill (Ảnh: Quân Đỗ).

Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Lương Sơn do ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì.

Qua buổi kiểm tra đối với "dự án ma" Beverly Hill, bước đầu đã xác định trong khoảng thời gian 12 năm trước đây ông Đào Anh Tuấn là người trung gian đứng ra mua đất ở, đất vườn của nhiều hộ dân và định hướng cho họ xây dựng các căn nhà ở riêng lẻ theo mẫu thiết kế giống nhau trong khu dân cư nông thôn xóm Gừa và xóm Gò Đẻ, xã Cư Yên. 

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện giao UBND xã Cư Yên tiến hành rà soát, kiểm tra thực trạng tất cả các thửa đất, việc xây dựng theo hạn mức đất ở và các vấn đề khác có liên quan, báo cáo UBND huyện. Đồng thời, giao các ngành chức năng cùng phối hợp với UBND xã tiến hành rà soát hồ sơ pháp lý về đất đai và xây dựng nhà ở trên các thửa đất, tổng hợp tham mưu cho UBND huyện báo cáo Tỉnh.

Đoàn kiểm tra yêu cầu ông Đào Anh Tuấn tháo dỡ các biển chỉ dẫn vào “khu dự án ma Beverly Hill” trên các tuyến đường vào khu dân cư; tháo dỡ biển quảng cáo dự án tự đặt tên “Beverly Hill” và không quảng cáo về dự án không có thật trên các trang mạng Internet.

Tại xã Cư Yên, Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu tạm dừng tất cả hoạt động xây dựng tại khu vực đang để tên "dự án ma" Beverly Hill 2 để kiểm tra và làm rõ các thông tin liên quan tới việc xây dựng và thửa đất. 

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin

 Lê Hải - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tăng tốc thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

Những ngày này, các nhà thầu thi công Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang tập trung máy móc, nhân lực để tăng tốc thi công các hạng mục như: Móng thân trụ dưới lòng sông, đường dẫn lên cầu…, bảo đảm hoàn thành công trình theo dự kiến vào quý II-2023. Dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần tăng cường lưu thông hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm thành phố với khu vực phía Bắc và Đông Bắc, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông Thủ đô.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/du-an-ma-o-hoa-binh-xuat-hien-tran-lan-can-xem-xet-trach-nhiem-co-quan-quan-ly-d178146.html