Đừng đợi Vu Lan mới báo hiếu, hãy làm việc đó mỗi ngày

20/08/2021 14:44

Kinhte&Xahoi Đối với mỗi người con của Phật, tháng Bảy Âm lịch là mùa Vu Lan báo hiếu.

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam như gặp được mảnh đất màu mỡ để ươm mầm phát triển, bởi hiếu thuận là giá trị văn hóa ngàn đời của người Việt Nam. Tuy nhiên, hiếu đạo phải được thực hiện thường xuyên, hàng ngày, từ những việc nhỏ nhặt nhất. Hãy thể hiện tình yêu thương với bậc sinh thành mỗi ngày mà không cần chờ bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan.

“Cha Mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để Mẹ vui, để Cha vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng muộn quá”, đó là lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về ngày lễ Vu Lan, về hai chữ báo hiếu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người khởi nguồn cho lễ “Bông Hồng cài áo” được tổ chức thường xuyên vào mỗi mùa Vu Lan từ năm 1962 đến nay.

Sự tích ngày lễ Vu Lan

Xuất phát từ sự tích về Đại Đức Mục Kiền Liên, một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung), cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Theo kinh Vu Lan thì Tôn giả Mục Kiền Liên được Đức Phật giao trọng trách Thống Lĩnh Tăng Đoàn sau khi Ngài chứng A La Hán, quả vị cuối cùng trong Tứ Thánh Quả. Đến Mục Kiền Liên, ngài cũng đắc quả A La Hán và trở nên nổi tiếng là bậc “Thần thông đệ nhất” trong hành Thanh văn đệ tử của Đức Phật.

Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Khi ấy mẹ ngài là bà Thanh Đề đã qua đời nên ngài tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ của mình như thế nào. Mục Kiền Liên dùng phép thần thông nhìn thấu suốt đất trời và ngài thấy mẹ của mình bị đọa làm ngạ quỷ vô cùng đói khát khổ sở. Đó là báo ứng của việc khi còn sống mẹ ngài vốn gây nhiều ác nghiệp nên khi chết đi đã phải chịu những đau khổ đó. Thấy mẹ đói khát khổ sở, ngài đã dùng thần thông đem cơm xuống tận địa ngục dâng cho mẹ mình. Vì lửa tham nổi lên thiêu đốt, bà Thanh Đề, mỗi khi đưa thức ăn gần tới miệng thì thức ăn ấy liền biến thành lửa đỏ.

Không đành lòng nhìn mẹ chịu đau khổ, Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ của mình, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Câu chuyện cảm động về người con hiếu hạnh Mục Kiền Liên đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận suốt mấy nghìn năm qua. Phật giáo truyền đến đâu, thì cùng với tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha, những người con của Đức Phật noi theo tấm gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên.

Rằm tháng Bảy, những ngôi chùa theo Phật giáo Bắc tông tổ chức lễ Vu Lan có nghi thức bông hồng cài áo. Nghi thức này bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1962 và Thiền sư Thích Nhất Hạnh được biết đến là người khởi xướng. Tuy nhiên, chia sẻ về điều này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói rằng, ông không hề có ý định phát động phong trào cài hoa hồng để tưởng niệm về công ơn cha mẹ. Phong trào ấy khởi phát một cách tự nhiên mà thôi.

Nghi thức bông hồng cài áo đã trở thành biểu tượng trong ngày lễ Vu Lan

Cụ thể, vào năm 1962, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết đoản văn “Bông hồng cài áo” trong một căn lều gỗ bên đất Mỹ. Viết xong ông đã gửi cho các vị đệ tử của mình trong đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn do ông hướng dẫn. Sau khi đọc xong, các Phật Tử của Thiền sư đã rất cảm động nên quyết định đem chia sẻ cho mọi người. Họ bàn nhau chép tay 300 bản làm quà tặng cho những bạn bè của họ trong các phân khoa Đại Học Sài Gòn. Mỗi bản chép tay đều có gắn thêm một bông hoa màu hồng cho người còn mẹ hay màu trắng cho người mất mẹ, hay mất cha.

Và vào Rằm tháng bảy năm ấy họ họp nhau lại tại Chùa Xá Lợi, làm lễ “Bông hồng cài áo” lần đầu tiên. Sau đó đoản văn “Bông hồng cài áo” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được in ra nhiều lần, được dịch và xuất bản tại nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan… Cũng từ đó một số các chùa tại Việt Nam bắt đầu tổ chức lễ “Bông hồng cào áo”. Sau này, nghi lễ “Bông hồng cài áo” đã trở thành một truyền thống, một phong trào lan rộng trong Phật giáo Việt Nam.

Khác với truyền thống của Nhật Bản, lễ này tại Việt Nam không những để vinh danh người mẹ mà cũng để tưởng nhớ và vinh danh người cha. Theo đó, những ai may mắn còn cả cha cả mẹ sẽ sung sướng được cài lên ngực áo bông hồng màu đỏ. Những ai mất cha còn mẹ thì cài hoa hồng đỏ có một lá xanh. Những ai không may mất mẹ còn cha thì cài hoa hồng trắng có một lá xanh. Còn, những ai mất cả cha và mẹ thì cài hoa hồng trắng không có lá.

Bên cạnh đó, vào mùa Vu Lan nhiều nơi còn tổ chức Lễ hội thả hoa đăng mang ý nghĩa cầu siêu cho người đã khuất. Hàng trăm ngọn hoa đăng được thắp lên đỏ rực, lấp lánh dưới mặt nước mang theo ước nguyện, cầu bình an, an lành và lòng thành kính của mỗi người gửi đến người thân đã qua đời.

Hãy báo hiếu cha mẹ mỗi ngày

Bởi vậy, những ai may mắn còn cả cha mẹ sẽ tự hào nhìn vào bông hồng màu đỏ ở ngực để rồi yêu cha mẹ mình nhiều hơn. Giống như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết rằng: “Ðóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.!”. Quả thật, niềm sung sướng đó chẳng phải ai cũng may mắn có được vào mỗi mùa lễ Vu Lan. Và, nếu tôi có được cài lên ngực mình một bông hồng trong ngày lễ Vu Lan thì đó sẽ là một bông hồng đỏ có một lá xanh.

Có lẽ, những người đã chịu mất mát người thân sẽ càng hiểu rõ hơn việc may mắn dường nào khi còn đủ đầy cha mẹ, để yêu thương, quan tâm và chăm sóc. Chẳng cần tới ngày lễ Vu Lan, hãy chăm sóc cha mẹ hàng ngày, đó mới là món quà hạnh phúc nhất mà họ ước ao. Nếu cha mẹ còn sống thì đừng đợi tới mùa Vu Lan mới lên chùa cầu bình an cho đấng sinh thành, vì bình an của họ là do những đứa con hiếu thảo mang tới.

Có những điều thật đơn giản chúng ta có thể làm hàng ngày để thể hiện tình yêu thương với bậc sinh thành mà không cần chờ bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan. Đó đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình, khoảnh khắc các thành viên xum vầy quây quần. Những mỏi mệt, lo âu, bộn bề ngoài xã hội khi đó dường như tan biến. Hãy cố gắng về nhà, cùng cha mẹ ăn một bữa cơm, gắp cho cha, cho mẹ một miếng ngon. Mỗi bữa cơm gia đình là thứ gắn bó tình cảm, khi xa nhà, bạn mới biết nó quý giá nhường nào.

Đừng đợi đến Vu Lan mới báo hiếu, hãy làm điều đó hàng ngày từ những việc nhỏ nhất

Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ có thể thoải mái tán gẫu, chia sẻ với bạn bè, thậm chí cả người lạ, nhưng khi về nhà lại… im lặng, khó mở lời. Tôi cũng đã từng có quãng thời gian như vậy cho đến năm 18 tuổi, khi bước chân rời xa mẹ, xa nhà để lên Thủ đô học Đại học, theo đuổi giấc mơ của mình. Tôi giữ thói quen hàng ngày gọi điện về cho mẹ, những câu hỏi lặp đi lặp lại chỉ đại loại như “Con ăn cơm chưa?”, “Mẹ ăn cơm chưa, mẹ ăn cơm với gì?”, “Mẹ nay làm gì?” …. Hoặc những câu chuyện vô thưởng, vô phạt.

Nhiều người bạn của tôi khá bất ngờ khi thấy thói quen đó, nhưng chính nó khiến mẹ và bản thân tôi yên tâm khi thấy người thân của mình vẫn ổn mỗi ngày. Nhiều người có thể tiếp xúc với máy tính, điện thoại hàng chục tiếng đồng hồ, nhưng chẳng thể nói chuyện với bố mẹ 10 phút, có phải quá có lỗi không? Với tôi việc trò chuyện với cha mẹ hàng ngày là cách thể hiện rõ ràng nhất tình yêu, sự quan tâm với đấng sinh thành.

Trong những cuộc chuyện trò đó, tôi không cảm thấy khó chịu khi mẹ hỏi đi hỏi lại một câu chuyện. Tôi sẽ kiên nhẫn trả lời vì đơn giản tôi hiểu rằng, mẹ đã ở cái tuổi lúc quên lúc nhớ. Nhiều người có thói quen khi ở ngoài xã hội luôn khéo léo, mềm mỏng… song lại dễ dàng bực tức với cha mẹ ngay cả khi được quan tâm. Đó có lẽ là thói quen nhiều người nên sửa, bởi cha mẹ không có trách nhiệm phải gách chịu những buồn vui thất thường của chúng ta. Hãy luôn cố gắng vui vẻ với cha mẹ.

Khi về già, những bậc cha mẹ “giống như một đứa trẻ”. Họ sợ cô đơn, sợ bị con cái bỏ quên, sợ sự chậm chạp của mình làm phiền con. Bởi vậy, họ cũng có nhiều nỗi lòng, đôi khi không biết kể cùng ai. Lúc này con cái chính là nơi để họ tin tưởng tâm sự. Hãy dành thời gian lắng nghe, an ủi và chia sẻ với cha mẹ mình. Dù cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn và gấp gáp, những lần nói chuyện với các thành viên trong gia đình đều thưa dần, nhưng hãy cố gắng lắng nghe và thấu hiểu cha mẹ mình.

Bạn có biết lúc nào đấng sinh thành cần ta nhất? Câu trả lời đó chính là khi cha mẹ bị ốm. Họ cũng có lúc trở bệnh, vì vậy hãy dành thời gian đưa cha mẹ đi khám, chăm sóc chu đáo. Chỉ cần một bát cháo, một chiếc khăn đắp đầu hay giúp cha mẹ uống thuốc cũng khiến cha mẹ hạnh phúc. Đừng đợi đến khi mọi việc quá muộn, khi mất đi cha mẹ rồi, khi chưa có một ngày chăm sóc chu đáo ta mới hối hận và dằn vặt.

Ngày nay, đối với nhiều người mạng xã hội là nơi, là phương tiện để bày tỏ cảm xúc và lòng yêu thương, nhưng đừng phụ thuộc hoàn toàn vào nó. Vì mạng xã hội cũng chỉ là thế giới ảo, mọi cảm xúc, mọi điều thể hiện trên đó chưa chắc đã là thật. Và chẳng có ai lựa chọn việc được ôm con vào lòng thay vì nhìn con qua một chiếc màn hình nhỏ. Bởi vậy, hãy trực tiếp thể hiện tình yêu thương bố mẹ bằng những hành động nhỏ hàng ngày. Sẽ chẳng thể kể hết được mọi việc làm thể hiện sự hiếu thảo, tuy nhiên, hãy làm hết những gì bạn có thể và làm điều đó một cách thường xuyên.

Và, “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không...”. Một mùa Vu Lan nữa lại về, xin cầu chúc cho tất cả mỗi người có một mùa Vu Lan an lành và hạnh phúc.

 Vũ Lành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dung-doi-vu-lan-moi-bao-hieu-hay-lam-viec-do-moi-ngay-d163985.html