Thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, từ 10h sáng nay 5/12, hệ thống đường sắt đô thị (metro) Nhổn – ga Hà Nội bắt đầu được nhà thầu dự án đưa vào vận hành thử trong môi trường hạn chế.
Theo đó, việc vận hành thử nhằm dánh giá sự hoạt động của hệ thống và các đoàn tàu chạy trên đoạn 8,5km trên cao từ Nhổn – Cầu Giấy.
Việc vận hành thử nhằm dánh giá sự hoạt động của hệ thống và các đoàn tàu chạy trên đoạn 8,5km trên cao từ Nhổn – Cầu Giấy.
Nội dung vận hành thử sẽ bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ vận hành hệ thống trong thời gian tối thiểu là 5 ngày để đo lường hiệu suất RAMs và thời gian này có thể kéo dài tới 6 tuần. Các đoàn tàu chạy từ 9 giờ đến 19 giờ, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần với tối thiểu là 4 đoàn tàu và tối đa là 8 đoàn tàu. Hiệu suất hoạt động của hệ thống được tóm tắt, báo cáo trong cuộc họp sau 19 giờ mỗi ngày chạy tàu.
Trường hợp mục tiêu hiệu suất chạy thử trong 5 ngày liên tiếp không đạt được (nếu tính khả dụng của hệ thống đạt dưới 98%), việc chạy thử sẽ được kéo dài đến khi đạt kết quả.
Ở giai đoạn 2 sẽ diễn ra ngay sau khi đánh giá hiệu suất RAMs, với 5 kịch bản vận hành đoàn tàu hạn chế ở các chế độ: Mất điện kéo trên toàn tuyến, mất điện kéo ở một đoạn trên tuyến, mất nguồn cấp điện phụ trợ, phát hiện cháy tại một ga và tàu cứu hộ trên tuyến chính.
Việc chạy thử hệ thống đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội trong môi trường hạn chế sẽ được xem là kết thúc khi tất cả các thử nghiệm đều đạt.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội là biểu tượng của quan hệ Việt - Pháp, đồng thời là dự án tiêu biểu trong chiến lược hỗ trợ giảm khí thải, ứng phó với biến đổi khí hậu của AFD tại các nước đang phát triển.
Dự án metro Nhổn – ga Hà Nội đang được xây dựng với chiều dài 12,5km, trong đó đoạn trên cao 8,5km từ Nhổn – Cầu Giấy đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn 4km đoạn ngầm dự kiến hoàn thành năm 2027.
Dự án có tổng mức đầu tư 32.910 tỷ đồng (khoảng 1.176 triệu Euro) từ nguồn vay ODA của Tổng cục Kho bạc của Chính phủ Pháp; Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển Châu Á và 218 triệu Euro vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố Hà Nội.Mục tiêu gần nhất mà UBND Thành phố Hà Nội đặt ra là hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn 8,5km trên cao vào cuối năm 2022.
Tính đến cuối tháng 10, tiến độ đoạn trên cao đạt 97%, đoạn ngầm đạt 42%. Thành phố cùng chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, dự kiến đưa vào sử dụng đoạn trên cao dài 8,5 km phục vụ người dân Thủ đô vào cuối năm 2022; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện đoạn đi ngầm dài 4 km theo kế hoạch. |
Linh Nhi - Pháp luật Plus