Gần 1 vạn “tai giả” dành tặng các Y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19

27/04/2020 15:14

Kinhte&Xahoi Hình ảnh những y, bác sĩ tuyến đầu phải gồng mình với dịch bệnh, lại phải chịu bất tiện, khó chịu khi đeo khẩu trang nhiều giờ liền đã thôi thúc nhóm thiện nguyện Anti Covid-19 tại Hà Nội lên kế hoạch, ý tưởng làm ra sản phẩm hỗ trợ để giúp các nhân viên y tế hạn chế đau vành tai khi phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc.

Tấm lòng đáng quý giữa tâm dịch Covid-19

Đeo những chiếc khẩu trang y tế hàng chục tiếng mỗi ngày khiến cho đôi tai của những y bác sĩ trở nên đau nhức và tạo những vết hằn sâu. Xuất phát từ việc muốn chia sẻ với những khó khăn đó của các y bác sĩ, một nhóm thiện nguyện tại Hà Nội đã quyết định làm những chiếc "tai giả" giúp các bác sĩ không bị đau tai, phần nào đó bớt căng thẳng sau nhiều ngày căng sức làm việc chống lại dịch Covid-19.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, người lên ý tưởng chiếc tai giả, chia sẻ: "Tôi vô tình biết đến bác sĩ Hưng công tác tại Viện Huyết học - Truyền máu TW có chia sẻ về việc các bác sĩ đang cần một sản phẩm để giúp họ không còn bị đau tai khi đeo khẩu trang quá lâu. Lúc đầu một số người cho ý kiến làm về da, nhưng do da dễ bám và lưu lại vi khuẩn nên tôi đã quyết định dùng silicon để làm nguyên liệu. Sau những phiên bản đầu tiên chỉ trong vài ngày chỉnh sửa chúng tôi đã có một mẫu chuẩn để sản xuất hàng loạt".

 Nhóm thiện nguyện Anti Covid sản xuất những chiếc tai giả, giúp giảm áp lực lên tai khi đeo khẩu trang.

Trong thời gian đầu tiên, nhóm thiện nguyện Anti Covid-19 đã thử sản xuất 400 chiếc "tai giả", gửi đến 2 bệnh viện lớn là Bạch Mai và Viện Huyết học- Truyền máu TW để các bác sĩ dùng thử và nhanh chóng cả nhóm nhận được những phản hồi tích cực. "Khi dùng sản phẩm này, mọi người chia sẻ, việc đeo khẩu trang đã thoải mái như không đeo cái gì trên mặt cả, đôi tai được giảm áp lực rất nhiều. Trong thời gian vừa qua, hàng nghìn chiếc "tai giả" đã được gửi đến các bệnh viện tuyến đầu chống dịch như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh) và bệnh viện các tỉnh thành phố trên cả nước.

Anh Phan Mạnh Hà, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, đồng tác giả của chiếc tai giả silicon, chia sẻ: "Ngay từ khi biết ý tưởng của Trang tôi đã mong muốn được hợp tác, sản xuất hàng loạt. Khi nhà có sẵn máy móc hàng ngày có thể sản xuất hàng nghìn chiếc "tai giả" thì cả nhóm lại gặp vấn đề lớn nhất là giá mua nguyên liệu còn cao. Khi đi tìm nguồn silicon, ban đầu chúng tôi phải thuê vận chuyển từ trong thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội với số lượng ít, tính ra giá cả cuộn silicon cũng cả chục triệu đồng. Nhưng được những mạnh thường quân giúp đỡ chi phí và tìm được nguồn mua giá rẻ hơn nên công suất đã được tăng cường hơn trong thời gian qua”.

''Tai giả'' dù chỉ là một dụng cụ hỗ trợ đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa, nhất là đối với lực lượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Từ ý tưởng nhỏ đến thành phẩm ý nghĩa

Ý tưởng ban đầu của sản phẩm “tai giả” này là từ một thiếu niên người Canada nhằm giúp cho việc đeo khẩu trang hàng giờ trở nên thoải mái hơn. Trong thời điểm cả nước cùng đồng lòng, chung sức phòng chống dịch Covid-19, mọi ý tưởng dù nhỏ nhất, chỉ cần có tính ứng dụng cao cũng có thể được hiện thực hoá dưới bàn tay và cái tâm của những con người Việt Nam.

Nguyên liệu chiếc tai giả được làm từ silicon có thể tái sử dụng nhiều lần.

Anh Phan Mạnh Hà cho biết, một người thợ thủ công nên những việc làm nên những vật dụng như sản phẩm này cũng không quá khó khăn. “Thiết kế của cậu bé người Canada được làm từ nhựa đúc, cần máy in 3D với chi phí cao, khó thực hiện, khó đáp ứng được về mặt thời gian và số lượng. Chúng tôi có nghĩ tới chất liệu da những cũng gặp một số nhược điểm. Cuối cùng thì chúng tôi thống nhất lựa chọn chất liệu silicon, chất liệu hợp lí nhất, có thể làm được số lượng lớn trong thời gian ngắn” – anh Hà chia sẻ thêm.

Khó khăn lớn nhất của nhóm tình nguyện lúc này là kinh phí để duy trì sản xuất, cùng với nguồn nguyên liệu để làm. Tuy nhiên, phần nguyên liệu đã được giải quyết một phần với sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Theo anh Hà, những tấm silicon được mua từ các nguồn trong nước, trước đây phải mua và vận chuyển từ trong miền Nam ra nên gặp bất lợi về thời gian. Giờ đây, cơ sở của anh đã có thể mua được nguyên liệu tại Hà Nội với giá thành hợp lí, tiết kiệm được thời gian vận chuyển.

Đây là món quà ý nghĩa dành tặng các y bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu tại tuyến đầu phòng dịch Covid-19

Từ một tấm silicon lớn, các kỹ thuật viên sẽ lau cồn rửa cẩn thận rồi cắt thành từng miếng vừa kích thước khuôn ép. “Khuôn để làm tai giả cũng là một vấn đề khá đau đầu. Khuôn ở đây là khuôn gỗ tự thiết kế, chỉ sau khi làm khoảng 1000 chiếc tai là đã không sử dụng được nữa, nhóm lại phải thiết kế khuôn khác” - ảnh Hà cho biết thêm.

Những tấm silicon sau khi cắt sẽ được dập khuôn tạo hình bằng máy ép thuỷ lực để làm “tai giả”. Chất liệu silicon mềm, dai, nhưng rất dễ rách, chính vì vậy nhóm đã điều chỉnh thiết kế, làm điểm tròn tại các rãnh để hạn chế tối đa điều này. Ngoài ra, sản phẩm còn được phủ bột Talc để chống dị ứng và tránh bụi bẩn bám trên bề mặt.

Sản phẩm có 6 khấc nhỏ, dễ dàng điều chỉnh để vừa vặn với nhiều kích thuớc đầu. Sau khi móc dây vào một bên của "tai giả", người dùng đặt chiếc quai này sau đầu, quàng khẩu trang ra phía trước mặt và cài nốt bên móc còn lại. Đặc điểm của sản phẩm này rất nhẹ, dễ sử dụng, thân thiện với da và dễ dàng tái sử dụng sau khi được sát khuẩn.

Hiện nay, nhóm đã điều chỉnh kích thước phù hợp nhất và làm bộ khuôn sản xuất hàng loạt (12 cái/lần dập) với công suất khoảng 5.000 “tai giả” mỗi ngày. Tai giả được gói 10 chiếc một cuộn, gửi kèm thư ngỏ và hướng dẫn sử dụng chi tiết khi gửi đi. Đến nay, gần 10.000 "tai giả" đã được nhóm thiện nguyện sản xuất và được gửi đến các bệnh viện tuyến đầu chống dịch như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và bệnh viện các tỉnh, thành phố trên cả nước. Khó khăn lớn nhất của nhóm tình nguyện lúc này là kinh phí để duy trì sản xuất. Nếu nguyên liệu tiếp tục được các nhà hảo tâm tài trợ, nhiều chiếc "tai giả" sẽ được gửi đến các y bác sĩ đang từng ngày chiến đấu với Covid-19.

“Hiện nay, tôi có một xưởng sản xuất đồ da thủ công. Bên cạnh những khoản hỗ trợ của các mạnh thường quân, chúng tôi đang thực hiện chiến dịch song song. Đó là với mỗi một sản phẩm đồ da được bán ra, chúng tôi sẽ trích 40% vào quỹ để sản xuất tai giả dành tặng các y bác sĩ. Đây cũng là một cách để các bạn trẻ có thể ủng hộ và nhóm chúng tôi cũng phần nào có thêm kinh phí để tiếp tục duy trì làm tai giả trong giai đoạn này” – anh Phan Mạnh Hà chia sẻ thêm.

Những chiếc tai giả này thực sự là một món quà ý nghĩa dành tặng những y bác sĩ đang làm việc tại những đơn vị y tế, hàng ngày tiếp xúc với những bệnh nhân Covid-19 hay người nghi nhiễm, với mong ước những chiếc "tai giả" gánh nặng hộ cho đôi tai thật mỗi ngày.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về đấu giá tài sản

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 1415/UBND-NC gửi các ban, sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố về việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố.

Hà Nội: Hàng cây phong trơ cành, có dấu hiệu chết khô

Tuyến phố Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những con đường đẹp, lãng mạn nhất Hà Nội nhờ những hàng phong lá đỏ. Thế nhưng đến nay, những hàng cây phong này đang trong tình trạng trơ cành, có dấu hiệu chết khô.

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/gan-1-van-tai-gia-danh-tang-cac-y-bac-si-tuyen-dau-chong-dich-covid-19-190676.html