Ghi chép ở một cung đèo bình yên

03/09/2019 15:37

Kinhte&Xahoi Con đèo ấy không hiểm trở mà như một sợi dây khổng lồ kết nối 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Có lẽ, đó là con đèo độc đáo nhất ở xứ Nam Tây Nguyên. Độc đáo chẳng phải vì nó ẩn chứa nhiều điều kỳ bí mà độc đáo bởi những ân tình, những đổi thay, nếp sống của bao phận người. Đó là đèo Đắk Nuê (nối liền hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng).

Không còn ai đói nữa rồi

Những tộc người Mông, M’nông Gar, M’nông và Êđê ở đây có đời sống hết sức phong phú. Xưa, cả vùng đất còn chìm trong nghèo nàn, lạc hậu. Cuộc sống du canh, du cư của hàng ngàn hộ dân sống trên cung đèo triền miên qua ngày này tháng nọ.

Lúa rẫy, hoa màu đã phủ xanh dọc cung đèo và Cuộc “cách mạng” nuôi bò theo kỹ thuật mới hiện hữu ở đèo Đắk Nuê

Gần trọn đời sống trên lưng chừng đèo Đắk Nuê, già làng Sùng A Lanh chiêm nghiệm: Phận người cũng như phận đèo vậy, cứ đổi thay theo nhau. Trước đây, phần lớn là rừng rậm và đường mòn, nhiều vách núi còn hiểm trở. Việc sống nhờ đi rừng kiếm những chiếc lá, cái quả và thậm chỉ cả những thân cây dại. Nước uống thì múc ngay dưới những con sống tự nhiên. Rồi, tiếp nữa, để phong phú thêm cho nguồn sống họ đi hái những thứ hoang dại, bẫy con nhím, bắt con sóc, con heo rừng nơi mặt đất. Tất cả mọi thứ đều có từ tự nhiên, sinh ra và mọc lên từ tự nhiên.

Những sản vật tự nhiên ấy chẳng thể trường tồn được mãi khi thủy điện ồ ạt phát triển, rừng thu hẹp dần. Những người dân trên cung đèo này vật lộn với cuộc “cách mạng” mới đó là trồng lúa rẫy.

Già O’Manh sống ở chân đèo Đắk Nuê (phía Lâm Đồng) kể: Mới cách đây độ 12 năm, lần đầu tiên học cách trồng lúa rẫy, ngượng lắm. Tất cả công nghệ đều khác, từ lúc sinh ra đến giờ không ai nghĩ đến có ngày tự tay mình trồng lên cây lúa, để lấy hạt gạo ăn như những người miền xuôi. Niềm bỡ ngỡ ấy từng bước được hóa giải cho tất thảy người dân sống dọc con đèo.

Đèo Đắk Nuê đẹp như tranh dọc 2 bên là cuộc sống vui vẻ, đoàn kết, thanh bình của nhiều dân tộc anh em khác nhau.

Nhà nhà trồng lúa rẫy, tập tành gieo hạt, bón phân, vạch con mương lấy nước… Chẳng mấy chốc một màu xanh bạt ngàn trải ra, niềm khát khao và hy vọng trỗi dậy. O’Manh tâm sự: Hai bên đèo các cộng đồng dân tộc ít người của Đắk Lắk sang Lâm Đồng trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau phát triển. Bây giờ không còn ai đói nữa rồi.

Không chỉ có lúa rẫy mà người dân trên cung đèo này còn biết nuôi bò nhốt chuồng, nuôi bò kiểu trang trại.

“Bây giờ mình cũng biết phòng bệnh cho bò, biết nuôi chuyên nghiệp như người Kinh rồi, thích lắm, bò ít bệnh. Trước đây cứ nghĩ phải bám vào thiên nhiên để lấy những sản vật tự nhiên mới có thể sống được. Giờ, nhìn đâu cũng thấy bò, từ phía xa xa cho đến ngay trước mặt, từ buôn này qua buôn kia nên ấm no, sung túc luôn hiện hữu", O’Manh chia sẻ thêm.

Xóa bỏ mọi hiềm khích

Ngoài những người bản địa thì trên cung đèo Đắk Nuê còn có nhiều người từ phía Bắc “nhập cư” vào. Cuộc di cư của những tộc người Mông, M’Nông…vào vùng đất này cũng thật nhọc nhằn.

Ban đầu có một tốp người vào trước. Tiếp sau đó lại có thêm một tốp nữa. Họ bắt đầu xảy ra mâu thuẫn từ hai phía đầu đèo, một phía là cộng đồng các buôn của xã Đắk Nuê (huyện Lắk, Đắk Lắk), một phía đèo là cộng đồng các buôn của xã Krông Nô (huyện Đam Rông, Lâm Đồng).

Có lúc, cuộc sống của cả hai bên liên tục căng thẳng cho đến ngày Sùng A Tin, vượt qua những quy định này dẫn A Ning từ Krông Nô về Đắk Nuê giới thiệu với gia đình mình và anh tuyên bố sẽ cưới A Ning làm vợ. Tất cả ngỡ ngàng và sửng sốt.

Ngày đó O’Minh Tuyên là một trong những già làng uy tín ở Đắk Nuê, lời nói của ông nặng tựa ngàn cân. Ông ngăn cản và lùa đuổi đánh nhưng sự kiên trì cũng như lòng thương mến của hai thanh niên này cứ lớn dần theo những đêm trăng khiến cho một ngày cả hai bên đều không ngăn cản được.

Các thiếu nữ của các dân tộc anh em cùng nhau múa hát, tập diễn văn nghệ phục vụ đời sống văn hóa ở cơ sở.

Cũng từ đó những cuộc qua lại giữa hai đầu đèo bắt đầu xích lại gần nhau hơn. Những người bảo thủ như ông Tuyên cuối cùng cũng đành bấm bụng mà thốt lên: “Có lẽ mình đã sai”.

Văn hóa như có chất kết dính đồng bào mình lại với nhau. Những cuộc giao lưu văn nghệ quần chúng, những lần trao đổi dụng cụ âm nhạc tự chế tác của cộng đồng dân tộc đã làm cho các buôn dọc cung đèo như đang sống chung trong một ngôi nhà lớn vậy.

Theo cộng đồng các dân tộc nơi đây thì hai dụng cụ âm nhạc được họ yêu thích nhất đó là kèn và chiêng. Mà, thanh âm từ tiếng chiêng và tiếng kèn là thứ âm thanh "thiêng". Do đó, nó chỉ vang lên, có ý nghĩa, đọng lại, khi được đánh giữa không gian thiêng - đó là không gian buôn làng. Khi mà ngọn lửa đã thổi bùng lên trước sân nhà cộng đồng, những chén rượu lên men nồng nàn. Những bàn tay siết chặt cùng nhau hòa theo những điệu múa.

Cung đèo ý nghĩa

Những ngày tháng 8 này về thăm lại cung đèo Đắk Nuê, đâu đâu cũng sôi nổi không khí tăng cường lao động sản xuất. Họ tất bật làm việc để mong sớm hiện thực hóa giấc mơ làm giàu. Anh Y Ban ở xã Krông Nô kể: Năm nào cũng vậy, cứ đến các ngày lễ lớn, chúng tôi lại quần tụ các buôn ở hai bên đèo để giao lưu.

Đó là những dịp để tỏ tường nhau hơn, cùng hứa hẹn thi đua làm giàu với nhau. Phía xã Đắk Nuê những ngày này, Hội Phụ nữ xã cũng đang tích cực với phong trào “5 không 3 sạch”; Đoàn Thanh niên với phong trào “thanh niên xung kích đi đầu trong việc bảo vệ môi trường”, hay phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tất cả các phong trào “phủ sóng” đến tận các buôn sâu.

Theo UBND xã Đắk Nuê cho biết: Tính đến thời điểm này, xã Đắk Nuê đã hoàn thành được gần một nửa tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bao gồm: Tiêu chí số 1 về quy hoạch; tiêu chí số 3 về thủy lợi; số 8 về bưu điện; số 15 về y tế; số 18 về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; số 19 về an ninh trật tự xã hội... Phong trào cùng nhau bảo vệ an ninh cũng được những người dân trong các buôn phối hợp thực hiện tốt.

Ông Y Hùng ở Krông Nô bảo: Bây giờ, người dân hai bên cung đèo này đoàn kết lắm. Thỉnh thoảng, nhiều kẻ xấu lợi dụng cái bụng của đồng bào mình cả tin nên hay len lỏi vào làm việc xấu lắm nên chúng tôi từ khi kết chặt lại thành một khối đã ngầm thỏa ước với nhau: Nếu ai thấy kẻ xấu vào rủ rê mà không bắt lại hoặc báo ngay cho dân buôn biết thì sẽ bị phạt. Ai đó mà theo kẻ xấu để hại những người trong buôn cũng bị phạt. Người bên kia đèo thấy kẻ xấu bên này đèo chạy qua cũng phải bắt lại. Những nét riêng này càng khiến cho cuộc sống trên cung đèo trở nên ý  nghĩa hơn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhức nhối vi phạm trật tự đô thị xung quanh khu vực hồ Tây

Sau nhiều tháng hoàn thành việc cải tạo, lát mới vỉa hè theo tiêu chuẩn quy định thiết kế mẫu vỉa hè đường phố đô thị của UBND thành phố Hà Nội, khu vực đường đi dạo, vườn cây xung quang hồ Tây đã bị chiếm dụng trở lại làm nơi để xe, kinh doanh, buôn bán trái quy định.

Hà Nội: Tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm thực diện Di chúc của Bác Hồ

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019), UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật mang tựa đề “Hồ Chí Minh sáng mãi tên Người” sẽ được diễn ra vào lúc 9h ngày 30/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Nguồn: Pháp luật Plus