Giá vải thiều sớm tại Bắc Giang đạt ngưỡng 35.000đ - 40.000đ/kg

15/05/2020 11:00

Kinhte&Xahoi Năm 2020, sản lượng quả vải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 160.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm trước.

Sản lượng, chất lượng vải thiều đều tăng

Do thời tiết thuận lợi, áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt nên chất lượng quả vải cũng cao hơn so với trước. Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, năm 2020, diện tích vải toàn tỉnh là 28.126ha, sản lượng ước đạt 160.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm 2019.

Thời gian thu hoạch vải chín sớm từ ngày 10/5 đến ngày 10/6/2020. Vải chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 20/7/2020. Tính đến ngày 11/5/2020, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 5 tấn vải chín sớm tại các huyện Tân Yên, Lục Nam, Yên Thế.

Trái vải thiều tại Lục Ngạn hiện đang phớt hồng, vào chính vụ sẽ có giá tốt. Ảnh minh hoạ.

Được biết, giá bán vải sớm tại vườn ở Bắc Giang đang dao động từ 35.000đ - 40.000đ/kg. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam, toàn  huyện có hơn 1,5 nghìn ha vải sớm, tập trung tại các xã Đông Hưng, Bình Sơn, Bảo Đài. Lục Nam là huyện đầu tiên của Bắc Giang có vải thiều sớm bán ra thị trường.

Giống vải sớm chủ yếu là U hồng. Do được chăm sóc tốt cộng với thời tiết thuận lợi nên sản lượng vải sớm ước đạt trên 8,7 nghìn tấn, cao hơn năm ngoái gần 800 tấn. Được biết, ngoài vải sớm, toàn huyện có hơn 4,4 nghìn ha vải chính vụ đang giai đoạn phát triển quả, ước tính sản lượng trà vải này đạt hơn 20 nghìn tấn.

Để phục vụ tiêu thụ vải thiều năm 2020, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang chủ động, tích cực bám sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 để xây dựng các giải pháp, kịch bản xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Đồng thời, Sở đã liên hệ với các tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, các doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ nông sản trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.

Đến nay, các đối tác là đại diện Tập đoàn Aeon, Central Group, Mega Market, Big C đã cử đại diện thu mua làm việc với một số doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang chuẩn bị sản lượng, vùng nguyên liệu… tiến tới ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Hiện nay, huyện đã tiếp nhận gần 300 thương nhân đăng ký đến Lục Ngạn để thu mua vải thiều.

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn ông La Văn Nam cho biết, vải chín sớm đã chuyển sang màu hồng nhạt, dự kiến đến ngày 25/5, nhiều địa phương trên địa bàn huyện sẽ thu hoạch vải sớm. Đến thời điểm hiện tại đã có nhiều thương nhân đến Lục Ngạn đặt mua vải thiều. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất các phụ kiện, phụ trợ cho xuất khẩu vải thiều tại địa phương cũng đã đi vào hoạt động.

Các doanh nghiệp trong nước đã liên hệ với thương lái Trung Quốc để sang Việt Nam đăng ký thu mua vải thiều. Một số thương nhân không sang được vẫn tổ chức kết nối, tìm cách thu mua đưa hàng về Trung Quốc. Huyện Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch, dự trù các phương án tiêu thụ vải thiều và đã sẵn sàng kích hoạt ngay khi vải thiều được thu hoạch.

Một vườn vải tại huyện Lục Ngạn đang bước vào vào giai đoạn nước rút năm 2020. Ảnh Củ Cải.

Về thương nhân xin nhập cảnh vào thu mua vải thiều, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ông Lê Ánh Dương cho biết, hiện tại Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép nhập cảnh. Do đó, Sở Công Thương phải tham mưu xin chủ trương của Thủ tướng cho số lượng thương nhân nhập cảnh vào Bắc Giang để thực hiện thu mua vải thiều. Bắc Giang sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly theo quy định. Việc này phải làm hỏa tốc để kịp thời nhập cảnh cho các thương nhân sang cách ly, thu mua vải thiều, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu huyện Lục Ngạn phối hợp với Sở Công Thương lập danh sách chi tiết các thương nhân có nhu cầu sang thu mua vải thiều và phải thông tin lại cho các thương nhân biết những việc cần làm khi nhập cảnh vào Bắc Giang, thông tin chi tiết cụ thể về các biện pháp cách ly để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bàn về nội dung này, ông Phạm Công Toản - Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin: Hiện Sở đã xây dựng các phương án để cách ly các thương nhân người nước ngoài đến thu mua vải thiều. Sở sẽ phối hợp với Sở Y tế và các địa phương tổ chức các phương tiện đón các thương nhân ngay tại cửa khẩu; đồng thời tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và 2 điểm cầu ở Trung Quốc để tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, tiêu thụ vải thiều.

Một vườn vải tại huyện Tân Yên bắt đầu chín.

Nhiều kịch bản ứng phó

Trả lời về công tác chuẩn bị cho vụ vải thiều năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ông Dương Văn Thái cho biết: Hiện nay, Bắc Giang vẫn đang chủ động chỉ đạo công tác chăm sóc vải thiều, đặc biệt là diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Tỉnh đã chỉ đạo, áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, chất lượng quả vải năm nay sẽ cao hơn các năm trước. Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho diện tích vải sớm, cho nên năng suất cũng cao hơn, chất lượng cũng tốt hơn.

Có thể khẳng định, quả vải thiều của Bắc Giang năm nay có chất lượng tốt nhất so với các năm trước. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, tỉnh rất phấn khởi và tin tưởng vì trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ, Nhà nước, đặc biệt là các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã quan tâm đến xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung.

Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP/Hải Huyền

Đặc biệt đối với quả vải Bắc Giang đã có những bài học kinh nghiệm từ các năm trước. Cùng với sản xuất, Bắc Giang sẽ tập trung đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ, trước tiên là thị trường truyền thống. Tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đổi mới nội dung xúc tiến tiêu thụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, các tập đoàn, các nhà phân phối, các hợp tác xã, các doanh nghiệp và các tổ hợp tác ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh sẽ mở rộng sang các thị trường, đặc biệt là thị trường mới. Năm nay, Nhật Bản đã cho xuất khẩu chính ngạch quả vải thiều của Việt Nam vào thị trường này. Do vậy, được sự hỗ trợ giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương, đến nay, Bắc Giang đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đưa quả vải thiều chất lượng tốt nhất sang thị trường Nhật Bản.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang cũng đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa, vải thiều có chất lượng tốt nhất cũng sẽ được tiêu thụ tại Việt Nam nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân trong nước. Hiện nay, một số các tập đoàn phân phối lớn đã đến Bắc Giang để ký kết.

Đến thời điểm này, tỉnh đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ các điều kiện sẵn sàng cho việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều trên địa bàn diễn ra được thuận lợi. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, trước bối cảnh chung của cả nước về tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, tỉnh sẽ lường trước những khó khăn.

Trước mắt, tỉnh sẽ chủ động cập nhật, tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương để có những phương án phù hợp, kịp thời, hiệu quả nhất.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội không còn ổ dịch: Vẫn phải giữ tâm thế cảnh giác

Kể từ 0h00 ngày 14-5, xóm Trên, thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) kết thúc cách ly y tế sau 28 ngày phòng, chống dịch Covid-19. Như vậy, Hà Nội đã không còn bất kỳ ổ dịch nào. Trước kết quả này, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cho rằng, dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đang được kiểm soát tốt, nhưng nguy cơ dịch xâm nhập còn rất cao, người dân vẫn phải giữ vững tâm thế cảnh giác.

Hà Nội thực hiện chống dịch trong tình hình mới đồng thời với khôi phục kinh tế

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã các cơ quan, đơn vị thuộc TP thực hiện phòng dịch Covid-19 trong giai đoạn mới, chống dịch bệnh đồng thời với khôi phục phát triển kinh tế.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/gia-vai-thieu-som-tai-bac-giang-dat-nguong-35000d--40000d-kg-d124523.html