Ảnh minh họa. (Nguồn: CTC)
Hiện tại, giá vàng trong nước đang được giao dịch ở ngưỡng sau:
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,65 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá trên giảm 50.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 55,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,64 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá trên giảm 50.000 đồng/lượng theo chiều mua vào so với phiên giao dịch gần nhất.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức 55,31 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,68 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá trên tăng 10.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Tại thị trường thế giới, giá vàng đang được giao dịch với mức giá 1.778,0 USD/ounce (Theo Kitco News).
Hiện giá vàng thế giới tương đương khoảng 49,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do.
Giá vàng giảm còn do đánh giá bất ngờ đến từ Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, cựu Chủ tịch FED Janet Yellen, khi bà này cho rằng lãi suất đồng USD cần phải tăng lên.
Cụ thể, phát biểu trong một hội thảo trực tuyến do The Atlantic tổ chức, bà Yellen cảnh báo rằng lãi suất có thể phải tăng để ngăn nền kinh tế Mỹ phát triển quá nóng. Vì vậy, một số nhà đầu tư lại trú ẩn nguồn tài sản vào đồng USD giúp đồng tiền này tăng giá trở lại.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm phục hồi và đạt khoảng 1,62%. Điều này đã giúp đồng USD tăng giá trở lại, đẩy vàng giảm giá khá sâu.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ ghi nhận kỷ lục ấn tượng trong 4 thập kỷ. Theo đó, một đại diện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng, nền kinh tế Mỹ trong năm nay có khả năng tăng trưởng 7%, mức nhanh nhất trong gần 40 năm qua.
Về dài hạn, vàng tiếp tục được dự báo sẽ tăng giá. Tuy nhiên, đà tăng có thể bị kìm hãm bởi sự tăng điểm khó lường của thị trường cổ phiếu và thị trường tiền kỹ thuật số.
Lê Hải - Pháp luật Plus