Giá vàng tăng trở lại

17/03/2022 11:08

Kinhte&Xahoi Sau khi giảm mạnh vào ngày 16-3, sáng nay (17-3), giá vàng trong nước tăng 600.000 đồng/lượng trong bối cảnh giá kim loại quý thế giới đi lên.

Giá vàng tăng. Ảnh minh họa.

Kết thúc phiên giao dịch đêm qua, giá vàng thế giới dừng ở mức 1.926 USD/ounce. Trong phiên có thời điểm giá xuống dưới mốc 1.900 USD/ounce nhưng rồi nhanh chóng tăng trở lại. Đến sáng nay, giá "đội" hơn 6 USD/ounce, giao dịch là 1.933,5 USD/ounce, quy đổi thấp hơn giá vàng trong nước gần 15 triệu đồng/lượng.

Theo phân tích kỹ thuật, ngưỡng kháng cự trước mắt của giá vàng là 1.928,7 USD/ounce, tiếp đến là 1.950 USD/ounce. Ngưỡng hỗ trợ đầu tiên là 1.900 USD/ounce, kế đến là 1.882,5 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, lúc hơn 9h, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 67,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,6 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 400.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối ngày 1-3.

Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận giảm 200.000 đồng/lượng (chiều mua) và 300.000 đồng/lượng (chiều bán), để là 67,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,5 triệu đồng/lượng (bán ra).

Cùng xu hướng, Tập đoàn Phú Quý để giá ở mức 67,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,6 triệu đồng/lượng (bán ra), cao hơn cuối ngày hôm trước 400.000 đồng/lượng (chiều mua) và 600.000 đồng/lượng (chiều bán).

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu tăng 380.000 đồng/lượng (chiều mua) và 600.000 đồng/lượng (chiều bán), để là 67,21 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,58 triệu đồng/lượng (bán ra).

Trước đó, vào chiều 16-3, giá vàng trong nước giảm gần 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán, tuột khỏi mốc 68 triệu đồng/lượng. Sau đó giá hồi phục trở lại, lên mức bán ra 67,98-68,2 triệu đồng/lượng khi đóng cửa thị trường. Tính chung, giá giảm 200.000-500.000 đồng mỗi lượng.

 Hương Thủy - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hai dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội chậm tiến độ: Không để “gỡ khó” thành “khó gỡ”

Dù chủ đầu tư và các nhà thầu đã rất nỗ lực song ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cộng với điều kiện địa chất phức tạp và thủ tục, điều chỉnh hồ sơ thiết kế đã khiến cho hai dự án giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội là xây dựng cầu vòm sắt hồ Linh Đàm và mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm bị chậm tiến độ. Hiện chủ đầu tư và các bên liên quan đang tìm cách tháo gỡ khó khăn, không để thành "khó gỡ" nhằm sớm hoàn thành hai công trình này.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1027169/gia-vang-tang-tro-lai