Giấy đi đường có mã QR-Code: Lực lượng chức năng không chậm trễ, người dân đặt quyết tâm "thắng giặc Covid-19"

05/09/2021 18:00

Kinhte&Xahoi Bắt đầu từ 6/9, Hà Nội sẽ chuyển sang phương án phòng chống dịch mới phân theo ba vùng (đỏ, vàng, xanh). Để thực hiện hiệu quả phương án này, góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, Công an TP Hà Nội với chức năng là cơ quan chuyên môn đã nhanh chóng triển khai việc cấp giấy đi đường có mã QR-Code nhận diện. Ghi nhận ngay sau khi có chỉ đạo từ Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội đã nhanh chóng tạo mọi điều kiện để cấp giấy đi đường có nhận diện cho doanh nghiệp, cá nhân theo đúng quy trình hướng dẫn; Đa số người dân đều đồng tình với phương án phòng dịch mới, đặt niềm tin vào lực lượng chức năng.

 Sáng 5/9, Công an thành phố Hà Nội đã đăng tải các hệ thống biểu mẫu tại địa chỉ congan.hanoi.gov.vn. Cá nhân sau khi được cấp giấy đi đường và thẻ đi mua hàng thiết yếu cần chủ động khai báo y tế qua website suckhoe.dancuquocgia.gov.vn trước khi ra đường.

Công an thành phố Hà Nội cũng lập đường dây nóng 0692194299 để giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc cấp giấy đi đường… tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại làm việc trong thời gian cách ly, đúng đối tượng, đúng công việc.

Ghi nhận cùng tổ công tác đặc biệt của Công an thành phố Hà Nội được triển khai trên đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhiều trường hợp trong diện được ra đường chăm lo người ốm, mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ… đều được cán bộ tuyên truyền về chủ trương mới.

Thiếu tá Tạ Xuân Hậu, Đội Cảnh sát giao thông số 1, Tổ trưởng tổ công tác cho biết, qua kiểm tra thực tế phát hiện nhiều hành vi gian dối như đóng giả vợ của lái xe Grad để đi qua chốt, sử dụng giấy đi đường giả… đều bị xử lý nghiêm. “Có trường hợp chị Nguyễn Thị Phương Oanh ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội) trình ra đơn của bác T năm nay 81 tuổi ở phố Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bị liệt cần người chăm sóc. Sau khi xác minh qua cảnh sát khu vực, chị Phương Oanh được tổ công tác tạo điều kiện nhưng khuyến cáo phải ở yên một chỗ không ra đường thời gian tới”, Thiếu tá Tạ Xuân Hậu thông tin.

Người dân lưu thông trên tuyến nội đô đều được kiểm tra kỹ giấy tờ

Còn Thiếu tá Nguyễn Đăng Tiến, Đội phó Đội Cảnh sát tuần tra dẫn đoàn, Tổ trưởng tổ công tác trực chốt tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, nhiều trường hợp cán bộ, công chức bị phát hiện sử dụng giấy đi đường từ Hà Nội về Hưng Yên khi quay trở lại đều yêu cầu quay đầu về nơi xuất phát. Tất cả người dân đi qua chốt đều được tuyên truyền về chủ trương cấp giấy đi đường vào vùng 1 theo hướng dẫn của Công an TP. “Theo hướng dẫn mới, từ ngày mai những trường hợp trong nhóm được hướng dẫn sử dụng giấy đi đường do thủ trưởng cơ quan cấp được lưu thông qua chốt, còn lại phải có giấy đi đường theo đúng mẫu của Công an thành phố triển khai”, Thiếu tá Tiến thông tin.

Chị Nguyễn Thị Huyền, ở huyện Chương Mỹ, kinh doanh hải sải tại chợ đầu mối La Khê, quận Hà Đông, chia sẻ, qua nắm bắt chủ trương mới cấp giấy đi giữa "vùng đỏ" và "vùng xanh", tiểu thương chúng tôi hiểu như việc cấp giấy đi đường từ huyện Chương Mỹ và nội đô, Công an xã sẽ tạo điều kiện, khi quay về không được nên chúng tôi xác định tìm thuê nhà trọ quanh chợ ăn nghỉ tạm thời. “Những trường hợp đầu mối hàng từ các tỉnh miền Trung chở ra cũng được khuyến cáo ở lại đợi chủ trương mới. Việc làm này là cần thiết trong thời điểm chống dịch của thành phố”, chị Huyền nói.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Hương, ở phường Văn Quán, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, sau khi nắm tình hình, chị biết được cơ quan kinh doanh bất động sản nơi làm việc nằm trên phố Thái Hà không trong diện ưu tiên cấp giấy. Chị Hương đã chủ động liên hệ lãnh đạo đơn vị và được yêu cầu làm việc tại chỗ.

Từ ngày 6/9, những trường hợp không có giấy đi đường gắn mã nhận diện QR-Code sẽ bị xử lý nghiêm

Theo quy định mới, người đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu sẽ được UBND xã, phường, thị trấn cấp thẻ mua hàng thiết yếu. Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội chỉ cấp giấy đi đường đối với nhóm cán bộ, công chức, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu.

Chiều 5/9, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội thông tin, đang tiếp nhận hồ sơ qua email điện tử, từ đầu mối các sở, ban, ngành và các cơ quan trong diện được giao cấp giấy đi đường. Hiện tại, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang sàng lọc và in kết quả trả lời tất cả những yêu cầu được gửi đến. Đơn vị đã cấp được nhiều giấy đi đường cho người dân sau khi kiểm tra, sàng lọc đủ điều kiện được cấp.

Mẫu giấy cấp cho cá nhân được Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP cấp chiều 5/9

Phó trưởng Công an phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Đại uý Hoàng Minh Tuấn cho biết, sau khi Công an thành phố có thông báo về việc cấp giấy đi đường có mã QR nhận diện, đơn vị đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ người dân và các tổ chức hỏi về việc cấp giấy. “Cảnh sát khu vực đang khẩn trương rà soát các cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn để gửi UBND phường thẩm định rồi sẽ cấp giấy này. Sau khi cấp xong, cảnh sát khu vực sẽ trực tiếp chuyển đến các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị", Đại uý Tuấn nói.

Ông Tống Xuân Duy, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội), từ sáng 5/9, phường đã tiếp nhận nhiều yêu cầu cấp giấy đi đường, tuy nhiên vẫn còn nhiều mẫu kê khai chưa đúng hướng dẫn. Hiện tại UBND phường vẫn đang cùng công an rà soát diện đối tượng được cấp giấy, yêu cầu người dân kê khai đúng hướng dẫn của biểu mẫu đã được Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn để nhanh chóng trả lời yêu cầu của công dân.

Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy cũng nhấn mạnh, quan điểm là sẽ rà soát kỹ lưỡng, cấp đúng người, đúng đối tượng, ưu tiên các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Với những doanh nghiệp không kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, đơn vị sẽ chỉ cấp cho một số người đủ để doanh nghiệp duy trì hoạt động chứ không cấp tràn lan. Như vậy sẽ hạn chế được số người ra đường không cần thiết trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội, cũng nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cảnh sát khu vực 18 phường trên địa bàn đã được tập huấn chi tiêt về nhiệm vụ mới này.

 Việc cấp giấy đi đường có mã nhận diện là biện pháp phòng, chống dịch của TP trong tình hình dịch diễn biến rất phức tạp. Đa số người dân cho rằng đây là việc làm cần thiết khi thời gian qua, có nhiều trường hợp giấy đi đường "giả", tẩy xoá, không đúng tuyến, không rõ lý do... khiến việc ra đường vẫn đông và khó kiểm soát dịch

Việc thực hiện cấp và kiểm tra giấy đi đường có mã QR-Code nhận diện nhằm kiểm soát người và phương tiện lưu thông giữa "vùng đỏ" (vùng 1 gồm 10 quận nội thành Hà Nội) và "vùng xanh". Đây được xem là giải pháp cấp thiết khi Hà Nội đã trải qua 3 đợt giãn cách xã hội. Việc thực hiện cấp giấy đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực ở mức cao nhất của cấp uỷ, chính quyền, lực lượng chức năng.

Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, đa số người dân đã hiểu đúng "giá trị" của tờ giấy đi đường, đồng lòng cùng lực lượng chức năng đẩy mạnh biện pháp phòng, chống dịch, coi đây là giải pháp quan trọng để Hà Nội sớm chiến thắng "giặc Covid-19". 

 Hoa Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/luc-luong-chuc-nang-khong-cham-tre-nguoi-dan-dat-quyet-tam-thang-giac-covid-19-176268.html