Hà Nội: Các huyện vùng xanh bắt tay phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh

08/09/2021 19:28

Kinhte&Xahoi Nhiều huyện thuộc vùng xanh trên địa bàn TP Hà Nội đã bắt tay phục hồi sản xuất ngay sau những ngày giãn cách nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19, người dân vùng xanh được bán hàng ăn mang về, sản xuất nông nghiệp được khuyến khích...

Đan Phượng cho phép các công trình xây dựng hoạt động

Trên địa bàn huyện Đan Phượng, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến ngày 8/9, huyện đã phê duyệt phương án tái sản xuất tại gần 500 cơ sở, làng nghề, cụm công nghiệp.

“Như vậy số lượng cơ sở sản xuất, cụm công nghiệp, làng nghề được hoạt động trở lại trên địa bàn huyện gần bằng khi bình thường, ngoại trừ xã Tân Lập đang thuộc vùng đỏ, còn lại các xã, thị trấn đều đã phê duyệt phương án để tái sản xuất”- ông Hoàng cho hay.

Một hàng phở bán mang về trên phố Ngô Xuân Quảng- Gia Lâm

Ngoài ra, từ 400 chốt kiểm soát ra vào, đến nay huyện chỉ còn duy trì 90 chốt để bảo vệ vùng xanh, cơ bản để đo thân nhiệt, kiểm tra giấy tờ người dân đi lại từ vùng khác vào.

Cũng từ ngày 7/9, huyện này đã cho phép người dân ở các xã vùng xanh (trừ Tân Lập, Tân Hội, Trung Châu và Thọ An) được bán hàng ăn mang về.

Đối với các cơ sở xây dựng, huyện đã cho phép hoạt động trở lại với tất cả các cơ sở xây dựng, từ xây dựng tư nhân, đến công trình công của xã, huyện và các dự án tư nhân.

“Tuy nhiên, tất cả các dự án xây dựng phải đảm bảo các phương án phòng dịch như đã được phê duyệt, nếu đoàn kiểm tra bất ngờ phát hiện vi phạm sẽ xử phạt theo quy định”- ông Hoàng cho hay.

Theo đó, huyện Đan Phượng yêu cầu với các công trình xây dựng được sử dụng lao động ở tất cả các điểm vùng xanh trên địa bàn TP Hà Nội, nhưng phải đảm bảo tuân thủ phòng chống dịch.

Về sản xuất nông nghiệp, ngoại từ xã Tân Lập còn lại người dân ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được ra đồng sản xuất bình thường, không giới hạn hay kiểm soát, nhưng phải đảm bảo phòng dịch, không tập trung quá 10 người.

Riêng với địa bàn xã Tân Lập do đang là vùng đỏ của huyện nên người dân muốn đi sản xuất nông nghiệp phải có sự xác nhận của chính quyền sở tại.

Phó Chủ tịch huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn kiểm tra hoạt động sản xuất tại KCN

Gia Lâm nhanh chóng phê duyệt phương án cho KCN, cơ sở sản xuất hoạt động

Còn trên địa bàn huyện Gia Lâm, từ ngày 6/9, tất cả các hàng quán bán đồ ăn mang về được hoạt động trở lại và phải đảm bảo phòng chống dịch theo phương án.

Ông Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, tiếp thu Chỉ thị Chỉ thị 20/CT/UBND của UBND TP Hà Nội, huyện đã ngay lập tức có kế hoạch phục hồi sản xuất nhằm mục đích vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện duy trì và đẩy mạnh sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người nông dân đang rất cần hỗ trợ khâu lưu thông, thu mua nông sản

Huyện đã quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo từng phân khu phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch. Trên cơ sở đó sẽ tổ chức sản xuất, sinh hoạt, truy vết, xét nghiệm… cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài việc áp dụng Chỉ thị 15 tại vùng xanh, UBND huyện Gia Lâm đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống) ở 19/22 xã, thị trấn được mở cửa hoạt động nhưng chỉ được bán hàng mang về.

Ông Lê Anh Quân thông tin, đối với các KCN trên địa bàn huyện, trong ngày 8/9, nếu có phương án đảm bảo phòng chống dịch thì huyện sẽ phê duyệt cho hoạt động trở lại hết. Song, các cơ sở sản xuất này phải đáp ứng 3 tại chỗ, với lao động trên địa bàn huyện thì được phép đi-về trong ngày, nhưng nếu sử dụng lao động trên địa bàn quận, huyện khác thì phải ăn- ở tại chỗ.

Với các công trình nhà ở của người dân, các công trình đầu tư công của xã, huyện cũng được phép hoạt động trở lại từ 7/9. Còn các công trình tư nhân trên địa bàn huyện trong ngày hôm nay, 8/9, huyện sẽ căn cứ trên phương án phòng chống dịch để phê duyệt cho tái hoạt động.

62/92 cơ sở sản xuất công nghiệp ở Quốc Oai đã được phê duyệt phương án sản xuất trở lại

Huyện vùng xanh thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

Tương tự, ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai thông tin, địa bàn huyện có Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai và 2 cụm công nghiệp Ngọc Liệp, Yên Sơn với tổng số 92 doanh nghiệp. Huyện đã phê duyệt các phương án sản xuất an toàn, cho phép 62 doanh nghiệp trở lại hoạt động với tổng số 6.00 lao động.

Các huyện vùng xanh khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp

“Chiếm đến 80% lao động ở các KCN là người trên địa bàn huyện áp dụng “một cung đường hai điểm đến, với số lượng lao động còn lại huyện khuyến nghị các doanh nghiệp bố trí “3 tại chỗ” để đảm bảo phòng dịch. Với các cơ sở sản xuất trong khu dân cư lên phương án gửi UBND các xã phê duyệt”- ông Tuấn cho biết.

Trong lĩnh vực trồng trọt, cần tập trung việc sản xuất cây ràu màu để cung ứng cho người dân trên địa bàn thành phố

Đối với sản xuất nông nghiệp, ông Tuấn cho hay, huyện cũng đã chỉ đạo các xã phối hợp với lực lượng khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y-chăn nuôi xây dựng phương án phục hồi trồng trọt, chăn nuôi.

 Hội nông dân huyện Chương Mỹ cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản trên địa bàn, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch Covid-19, Hội nông dân huyện đã thường xuyên phối hợp với Liên đoàn lao động huyện, Hội liên hiệp phụ nữ huyện kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện nhằm tăng số lượng nông sản tiêu thụ giúp nông dân.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay một số sản phẩm nông nghiệp của hội viên nông dân trên địa bàn huyện đến kỳ cho thu hoạch, do ảnh hưởng của dịch bệnh tiêu thụ rất khó khăn, đó là: Sản phẩm Gà ta lai xã Đông Sơn cần tiêu thụ gần 50 tấn giá 56.000đ/kg; Sản phẩm Gà xã Thanh Bình cần tiêu thụ gần 100 tấn, gà ta lai đã sơ chế, đóng túi giá 75.000đ/kg, gà ta 130.000đ/kg. Sản phẩm cam Vinh tại xã Thủy Xuân Tiên cần tiêu thụ khoảng 20 tấn với giá 20.000đ/kg...

Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 200ha nhãn muộn của xã Đại Thành với sản lượng 3.000 tấn, đến nay huyện đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ được hơn 2.000 tấn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, huyện Quốc Oai cũng đang tập trung ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch cho công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Theo đó, đã có gần 80% số công nhân lao động được tiêm mũi 1, gần 30% lao động được tiêm mũi 2…

Tại huyện Chương Mỹ, thông tin về tình hình khôi phục sản xuất trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết, sau khi UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND, huyện Chương Mỹ đã xây dựng kế hoạch cho phép doanh nghiệp sản xuất trở lại, trong đó chú trọng tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch an toàn.

“Tinh thần là huyện Chương Mỹ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để đảm bảo sản xuất an toàn, doanh nghiệp cũng sẽ phải ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh xảy ra ở cơ sở” - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết thêm.

Nhóm PVKT- XH - ANTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

link bài gốc https://anninhthudo.vn/ha-noi-cac-huyen-vung-xanh-bat-tay-phuc-hoi-nhanh-san-xuat-kinh-doanh-post479692.antd