Hà Nội cần nỗ lực bảo vệ thành quả chống dịch

20/08/2021 07:38

Kinhte&Xahoi Mức độ dịch bệnh tại Hà Nội được giữ ổn định và có xu hướng giảm trong tuần qua, số ca mắc mới ghi nhận chủ yếu là các trường hợp đã được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa. Song vẫn còn quá sớm để Hà Nội có thể yên tâm trong lúc này.

TP Hà Nội đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2.

Đây là đánh giá của GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, sau 3 tuần Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.

Theo ông Nguyễn Anh Trí, nói Hà Nội còn quá sớm để yên tâm là bởi: Thứ nhất, F0 phát hiện trong cộng đồng còn khá nhiều sau 3 tuần giãn cách cho thấy TP vẫn chưa tìm hết để cách ly triệt để. Thứ hai, các ổ dịch rải rác ở rất nhiều nơi, gần như quận, huyện nào cũng có ca nhiễm. Thứ ba, dịch bệnh thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa, siêu thị, đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển khiến nguy cơ tái bùng phát trong thời gian tới vẫn rất cao.

Hiện TP Hà Nội đang tiến hành kế hoạch đợt 2 lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR 13 nhóm đối tượng nguy cơ cao với số lượng 1 triệu mẫu trong vòng 3 ngày từ 18/8. Từ thực tế cho thấy, rất nhiều ổ dịch phức tạp bắt nguồn từ người trong 13 nhóm này. Như ổ dịch Công ty thực phẩm Thanh Nga, Nhà thuốc Đức Tâm, nhân viên giao hàng Viettel Post… Những nhóm đối tượng lao động này đang đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội. Họ vẫn làm việc, phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân.

Do vậy, không chỉ cần được xét nghiệm mà cần ưu tiên tiêm vaccine, để giữ an toàn chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nhu yếu phẩm thiết yếu, dược phẩm, thiết bị y tế để chống dịch.

Với khả năng kết thúc giãn cách xã hội vào ngày 23/8 tới, tuy nhiên còn sớm để nói về việc này. Kết quả chống dịch chưa thực sự bền vững, số F0 ngoài cộng đồng còn nhiều, có thể chưa tìm được hết. “Nếu chúng ta hài lòng với kết quả này và tự thỏa mãn thì vô cùng nguy hiểm. Chỉ cần một chút lơ là lúc này, thành quả Hà Nội đạt được trong 3 tuần qua có nguy cơ bị xóa sổ”, ông Nguyễn Anh Trí nói.

Vị chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại, nếu Hà Nội dừng giãn cách vào ngày 23/8 tới bởi chỉ sau một tuần, người dân Thủ đô sẽ đón đợt nghỉ lễ 2/9. Với tâm lý chung là muốn giải tỏa sau một tháng giãn cách, có thể người dân sẽ đổ ra đường, tụ tập đông người ở các điểm vui chơi, đẩy nguy cơ bùng phát dịch lên cao. “Bài học từ đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua đã rất rõ ràng. Hà Nội sẽ có biện pháp, kế hoạch gì để đối phó với khả năng dịch bệnh lây lan trong dịp 2/9 nếu dừng giãn cách?”, ông Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng, Hà Nội không nên quyết định vội vàng việc dừng giãn cách. Theo đó, cần đánh giá rất cẩn trọng từng yếu tố, nhất là kết quả của công tác truy vết, bóc tách F0 và việc xét nghiệm sàng lọc trong tuần này.

“Trước mắt cần làm chặt việc giãn cách trong những ngày còn lại, tranh thủ thời gian xác định nguồn dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Trong 1 triệu xét nghiệm mà TP sắp làm, nếu số liệu không đột biến, số F0 cộng đồng thấp thì tình hình cơ bản đã ổn định, có thể nghĩ đến dừng giãn cách xã hội”, chuyên gia Trần Đắc Phu nêu rõ.

Ngoài việc xét nghiệm và tiêm vaccine phòng Covid-19, việc bảo đảm an sinh xã hội cũng là nhiệm vụ quan trọng của TP Hà Nội. Theo đó, TP tiếp tục rà soát kỹ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là người dân trong khu vực phong tỏa, công nhân trên các công trường, người lao động và sinh viên các tỉnh kẹt lại tại các khu nhà trọ và các ký túc xá trên địa bàn... triển khai thủ tục thuận tiện để chi trả chế độ hỗ trợ nhanh nhất cho người dân.

Mới đây, Hà Nội có văn bản về việc cho phép người nhập cảnh đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế 7 ngày. Cụ thể, người nhập cảnh được phép nhập cảnh trên địa bàn Hà Nội sẽ thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo nếu bảo đảm đủ một số điều kiện, gồm giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.

Ngoài ra, người nhập cảnh phải có giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều vaccine phòng COVID-19; Giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh; Có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp.

UBND TP cũng giao Sở Y tế chỉ đạo thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 tính từ ngày nhập cảnh (ngày thứ nhất có thể sử dụng test kháng nguyên nhanh hoặc bằng phương pháp RT-PCR; ngày thứ 7 bắt buộc phải sử dụng phương pháp RT-PCR mẫu đơn). Trường hợp có kết quả dương tính thì xử trí theo quy định...

 

Diệu Thảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-can-no-luc-bao-ve-thanh-qua-chong-dich-d163959.html