Hà Nội chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết khoảng 39.000 tỷ đồng

23/10/2021 16:43

Kinhte&Xahoi Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ dịp Tết năm 2022 trên địa bàn TP Hà Nội đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với kế hoạch phục vụ Tết năm ngoái.

Sở Công thương Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn thành phố nhằm nắm bắt, cung cấp thông tin để doanh nghiệp triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của Nhân dân trong dịp Tết sắp tới.

Theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nội, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh góp phần thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch”

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết năm 2022 trên địa bàn TP Hà Nội đạt khoảng 39.000 tỷ đồng

Đồng thời, công tác chỉ đạo, thực hiện phòng chống dịch Covid-19 tại hệ thống các cơ sở công nghiệp, thương mại được triển khai nghiêm túc, đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên, người lao động cũng như khách hàng đến mua sắm, góp phần cho các hoạt động kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố được duy trì an toàn, ổn định, đảm bảo an sinh xã hội.

Sở Công thương Hà Nội dự báo trong quý IV/2021 đến hết quý I/2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh có những thuận lợi và khó khăn tác động đến thị trường hàng hóa phục vụ Tết.

Theo đó, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố và các tỉnh trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Bắc dẫn đến sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, lưu thông, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng.

Một số mặt hàng thiết yếu như rau củ quả phụ thuộc vào thời tiết, đàn gia súc gia cầm bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên dễ ảnh hưởng đến nguồn cung; Bên cạnh đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá nguyên vật liệu đầu vào tăng (giá thức ăn chăn nuôi, con giống) trong khi giá thành sản phẩm giảm, ảnh hưởng đến quyết định tái đàn, trồng trọt của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (người dân bỏ đàn, bỏ ruộng khi giá thực phẩm xuống thấp…) gây thiếu hụt nguồn cung hàng hóa phục vụ Nhân dân.

Mặt khác, tình hình thiếu hụt nguồn cung lao động trong sản xuất (công nghiệp, nông nghiệp…) và kinh doanh, đặc biệt là trong sản xuất khiến sản lượng không đáp ứng được nhu cầu, thiếu hụt nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu.

Mặc dù vậy, theo Sở Công thương Hà Nội, hiện tình hình dịch bệnh đang được khống chế, tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin cao nên hoạt động sản xuất, kinh doanh được thuận lợi hơn, năng suất lao động tăng giúp tăng sản lượng đáp ứng được nguồn cung hàng hóa phục vụ Nhân dân.

Các cơ chế, chính sách về phục hồi, phát triển kinh tế được ban hành sẽ tháo gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các cơ chế chính sách cho sản xuất nông nghiệp đã được HĐND thành phố thông qua giúp người nông dân chủ động trong sản xuất, chăn nuôi tái đàn trở lại (diện tích gieo trồng tăng trên 4%, chăn nuôi tăng trên 5,3%, thủy sản tăng trên 3%).

Cùng với đó, kinh tế được phục hồi, thu nhập tăng, các hoạt động thương mại dịch vụ trở lại bình thương, các sự kiện xúc tiến thương mại, chương trình khuyến mại, kết nối cung cầu được tăng cường, kích cầu được tiêu dùng nên sức mua hàng hóa tăng...

Trong bối cảnh đó, Sở Công thương Hà Nội xác định nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu trong dịp Tết gắn với công tác phòng, chống dịch gồm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, trứng vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi; Các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy; Khẩu trang kháng khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn...

Trong một tháng Tết, dự kiến nhu cầu sử dụng rượu, bia và nước giải khát khoảng 67 triệu lít

Theo dự kiến của Sở Công thương Hà Nội, trong một tháng Tết, nhu cầu tiêu thụ gạo khoảng 92.970 tấn (khả năng cung ứng 56.338 tấn, tương ứng tỷ lệ đáp ứng 60,60%); thịt lợn hơi 19.260 tấn (khả năng cung ứng 19.000 tấn); thịt gà 6.198 tấn (khả năng cung ứng 13.500 tấn); thịt bò nhu cầu khoảng 5.350 tấn (cung ứng được 1.052 tấn); trứng gia cầm 123,9 triệu quả (cung ứng được 200 triệu quả); rau củ 103.300 tấn (khả năng cung ứng 60.000 tấn); thủy sản 19.250 tấn (khả năng đáp ứng 10.150 tấn); bánh mứt kẹo 500 tấn (khả năng cung ứng 3.000 tấn); rượu, bia và nước giải khát 67 triệu lít (cung ứng được 100%)...

Sở Công thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết năm 2022 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021).

Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 28 trung tâm thương mại, 123 hệ thống siêu thị; 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Mặt khác, các kênh bán hàng đa phương tiện gồm bán hàng qua website, hotline, app… với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.

Đặc biệt, trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch, bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; Các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; Chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Để thực hiện kế hoạch phục vụ hàng hóa dịp Tết năm 2022, Sở Công thương Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan có phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý, đảm bảo đầy đủ, thường xuyên nguồn cung hàng hóa phục vụ trước, trong và sau các ngày lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Đồng thời, các đơn vị, chuỗi phân phối phải có phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho người lao động và khách đến mua sắm. Hàng hóa đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, giá cả phải niêm yết công khai, bán theo giá niêm yết.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối đăng ký tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá đảm bảo dự trữ đầy đủ lượng hàng hóa đã đăng ký, thực hiện treo biển nhận diện tại các điểm bán hàng; Đồng thời có kế hoạch dự trữ các mặt hàng khác phục vụ tết, đảm bảo ổn định giá cả, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sẵn sàng đưa ra tiêu thụ trong dịp Tết năm 2022.

Các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và sau Tết Nguyên đán, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao; Liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông để đảm bảo nguồn hàng phong phú, đa dạng, giá cả ổn định phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân...

Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phụ nữ Thủ đô nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP

Hà Nội hiện là địa phương đi đầu của cả nước trong triển khai chương trình OCOP với 1.054 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp sao trong giai đoạn 2018-2020. Đáng nói, trong số đó có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển tốt, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-chuan-bi-hang-hoa-phuc-vu-tet-khoang-39000-ty-dong-181093.html?fbclid=IwAR0hT5uYZykTz35H2HqfMSIWNpJ52iU7cFzkugxnoGj7xi7AAXFYKIxHGAQ