Hà Nội: Đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới

14/04/2022 17:29

Kinhte&Xahoi UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về việc triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông

 Theo đó, “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm nay có mục tiêu tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các trường

Đặc biệt, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông. lâm, thủy sản; Kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; Vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần được nêu cao; Giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước, xuất khẩu.

Hà Nội tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” sẽ diễn ra từ ngày 15/4/2022 đến 15/5/2022.

Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" năm 2022 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Từ đó, giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngô độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Thành phố gắn trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; Nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; Phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cụ thể, thành phố sẽ tổ chức hội nghị Lễ phát động triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" năm 2022. Các địa phương quận, huyện, thị xã... căn cứ vào thực tế, tình hình dịch bệnh trên địa bản, tổ chức Hội nghị Lễ phát động hoặc hình thức khác để phổ biến công tác triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022 phù hợp trong thời gian từ ngày 15/4/2022 đến 20/4/2022.

Công khai tên các cơ sở cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn

Điểm đặc biệt của chiến dịch năm nay là tăng cường triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm như huy động các cơ quan báo, đài của thành phố và Trung ương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó công khai tên các cơ sở cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn và biểu dương các cơ sở cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn.

Tăng cường thanh kiểm tra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Do đó, Hà Nội sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã và xã, phưởng, thị trấn, trách nhiệm của cộng đồng đặc biệt tập trung đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn căn cứ vào Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" năm 2022 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội để xây dựng kế hoạch “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" năm 2022 phù hợp với yêu cầu và tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm của địa phương; Huy động hệ thống loa truyền thanh quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tham gia tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, các tăng cường tuyên truyền phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá khích lệ sản xuất thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương.

Các địa phương cũng công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.

Tổ chức 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành

 Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của thành phố trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của các Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, quy định trách nhiệm của chính quyền cơ sở cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý; Kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Cụ thể, Hà Nội sẽ tổ chức 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm thành phố kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và Sở, ngành kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bản được phân công.

Đoàn 1: Do lãnh đạo Sở Y tế làm trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Sóc Sơn, Thường Tín, Phú Xuyên, Long Biên, Gia Lâm.

Đoàn 2: Do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh.

Đoàn 3: Do lãnh đạo Sở Công thương làm trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã: Tây Hồ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sơn Tây.

Đoàn 4: Do lãnh đạo Cục quản lý Thị trường Hà Nội làm trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Đống Đa, Hà Đông, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Thanh Trì

Kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra nhận xét, đánh giá kết quả việc thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014, Chỉ thị số 10/CT-TU ngày 27/10/2016 của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Các quận, huyện, thị xã và xã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022 tại các xã, phường, thị trấn.

Các đơn vị tổ chức ký cam kết trách nhiệm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định; Yêu cầu công khai nguồn gốc và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm /Bản cam kết an toàn thực phẩm cho khách hàng tại từng cơ sở.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội đã huy động trên 30.820 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới

Ngày 13/4, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, giai đoạn 2021-2025" họp đánh giá kết quả quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng còn lại của năm 2022. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-dam-bao-an-toan-thuc-pham-trong-tinh-hinh-moi-194033.html