UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND về thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
Ảnh minh họa
Kế hoạch nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của Chính phủ với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ cấp thành phố tới cơ sở; Tích cực, chủ động triển khai 38 nhiệm vụ của thành phố trong năm 2023 bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thành sớm nhiệm vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện có hiệu quả Đề án 06 với tinh thần năm 2023 là “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.
Thành phố xác định việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm phương châm dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Các cấp, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện; Đẩy mạnh các tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tăng cường nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân gắn chip, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố giao các sở, ngành chủ trì, phối hợp thực hiện gồm 7 nhóm với 23 nhiệm vụ cụ thể. Đáng chú ý, trong năm 2023, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố Hà Nội có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.
Bên cạnh đó, thành phố đề ra nhiệm vụ trong năm 2023 nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của thành phố, bảo đảm 100% người dân có tài khoản trên Cổng dịch vụ công và tối thiểu 50% hồ sơ phát sinh được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến; 100% công dân được cấp chữ ký số miễn phí phục vụ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch trên môi trường điện tử; Tối thiểu 20% thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư được cắt giảm, đơn giản hóa so với thời điểm ban hành Đề án 06; 100% hồ sơ về dân cư được tạo, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; 80% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Diệu Linh - TTTĐ