Hà Nội đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái

14/11/2021 09:29

Kinhte&Xahoi Hà Nội là địa phương có nền sinh thái nông nghiệp từ lâu đời và được mệnh danh là “vùng đất trăm nghề”, nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã và đang tận dụng lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, hướng đến xây dựng Nông thôn mới bền vững, toàn diện.

Phát triển du lịch nông nghiệp gắn liền với xây dựng Nông thôn mới

Với điều kiện đa dạng về hệ sinh thái - tự nhiên, văn hóa và đặc biệt có vị trí thuận lợi kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp gắn liền với xây dựng Nông thôn mới.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng các điểm du lịch nông nghiệp, phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương, thu hút sự tham gia tích cực của người dân trong phát triển du lịch nông nghiệp. Đây được xem là điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của Hà Nội.

Theo đó, với lợi thế sẵn có, ngành du lịch Hà Nội chú trọng khai thác tiềm năng về sinh thái, văn hóa, làng nghề truyền thống nhằm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Nhiều mô hình được hình thành và phát triển, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Hà Nội đã xây dựng được 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm

Tính đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm, 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu, như công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), trang trại Đồng quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ)…

Một trong số những địa phương sớm hình thành mô hình du lịch nông nghiệp và có nhiều thành công chính là xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (Hà Nội). Đây là địa phương nằm trong quy hoạch xây dựng Nông thôn mới định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái.

Địa phương đã xây dựng mô hình trồng nho hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô và các vùng lân cận. Tận dụng các lợi thế về nông nghiệp, giao thông và du lịch, Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng nho gồm năm thành viên với quy mô gần 5ha. Du khách đến đây được trải nghiệm các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch nho với quy trình sản xuất an toàn.

Với hai vụ thu hoạch trong năm, ước tính sản lượng nho đạt từ 50 đến 60 tấn/năm, giá bán 200.000/kg sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân. Mô hình vừa tạo phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa tạo được không gian sinh thái giữa các đô thị.

Hà Nội đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái

Tương tự, xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) vốn là một xã nông nghiệp, đến nay đã phát triển theo hướng làng nghề sinh vật cảnh kết hợp với khai thác dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm. Với cách làm sáng tạo, mỗi năm xã Hồng Vân đón gần 6 vạn lượt khách đến du lịch trải nghiệm, thu nhập ước tính đạt trên 6 tỷ đồng/năm.

Năm 2018, xã Hồng Vân được thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh thái. Đây là dấu mốc quan trọng để chính quyền và nhân dân xã Hồng Vân tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái gắn liền với xây dựng Nông thôn mới. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hồng Vân lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định xây dựng xã trở thành xã “du lịch - sinh thái - làng nghề”, phấn đấu đến năm 2025 Hồng Vân trở thành một trung tâm kết nối vùng trọng điểm và là một điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.

Xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp sinh thái của Thủ đô

 Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”, Hà Nội xác định phát triển du lịch nông nghiệp hướng đến xây dựng nông thôn bền vững, đi vào chiều sâu là một nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: “Hà Nội sẽ ban hành kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025; Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; Xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa; Hỗ trợ đào tạo cho người dân làm du lịch...

Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp gắn liền với xây dựng Nông thôn mới

Qua đó, tạo điều kiện để du lịch nông thôn phát triển, trở thành sản phẩm OCOP (Mỗi xã, phường một sản phẩm) của thành phố”. Sở Du lịch Hà Nội cũng xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế du lịch nông nghiệp phát triển.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng xác định rõ việc xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch vùng, doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm du lịch; Bảo đảm tính liên kết chặt chẽ trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch; Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch nông nghiệp văn minh, thân thiện và hiện đại; Phát huy vai trò của hiệp hội du lịch và các tổ chức nghề nghiệp du lịch.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình Nông thôn mới Hà Nội, các làng, xã của Hà Nội cũng mong muốn được quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, cải tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp để phát triển du lịch nông thôn. Cùng với đó, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp lồng ghép với vùng du lịch để hình thành chuỗi sản phẩm và chợ đầu mối về nông sản thực phẩm xanh, sạch mang tính bản địa... Đây là cơ sở để Hà Nội tập trung đầu tư, hỗ trợ các sản phẩm phát triển du lịch ở nông thôn trên cơ sở đề xuất của ngành du lịch Thủ đô.

Từ các mô hình du lịch nông thôn cho thấy sự gắn kết sản phẩm nông nghiệp với du lịch còn tạo sự phát triển bền vững các vùng nông thôn Hà Nội, giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, OCOP tại địa phương, qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa khu vực nông thôn Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp thật sự khởi sắc cần sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các cơ quan chủ quản về văn hóa, du lịch và nông nghiệp cho đến mỗi người dân Thủ đô.

Khắc Nam - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Truyền thống tôn sư trọng đạo giúp văn hóa Thăng Long - Hà Nội tỏa sáng

Đạo học, tình thầy trò là một trong những gốc rễ bồi đắp nên tri thức, tính cách, tâm hồn con người. Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, chính vì thế truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn được chúng ta gìn giữ, trân trọng suốt thời gian qua. Trong thời đại ngày nay, dù có một vài biểu hiện, một thời gian rất ngắn nào đó đạo thầy - trò có bị ảnh hưởng nhưng sau đó sớm được chấn chỉnh, trở lại thành nét tự hào của người Hà Nội.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-day-manh-phat-trien-nong-nghiep-huu-co-gan-voi-du-lich-sinh-thai-182866.html