Hà Nội: Di tích, danh thắng mở cửa sau cách ly, thiết lập trạng thái "bình thường mới"

13/05/2020 16:16

Kinhte&Xahoi Từ ngày 14/5, các di tích lớn ở Hà Nội như: Văn Miếu – Quốc Tử giám, đền Ngọc Sơn, di tích nhà tù Hỏa Lò, 48 Hàng Ngang… sẽ mở cửa trở lại sau một thời gian tạm đóng phòng chống dịch Covid 19. Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cũng đã mở cửa trở lại đồng thời thiết lập trạng thái “bình thường mới”

Theo thông tin từ Trung tâm VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, bắt đầu từ 8 giờ ngày 14/5, di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ mở cửa đón khách tham quan tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của di tích này vẫn là đảm bảo phòng chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Trong ngày mở cửa, Trung tâm bố trí máy đo thân nhiệt và nước rửa tay diệt khuẩn, đảm bảo vệ sinh phòng dịch trước khi vào di tích. Cùng với Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn cũng sẽ mở cửa vào ngày 14/5 sau gần 2 tháng tạm đóng cửa. Trong thời gian đóng cửa, đền Ngọc Sơn vẫn được vệ sinh khử khuẩn định kỳ.

Di tích Văn Miếu Quốc Tử giám sẽ mở cửa đón khách tham quan vào ngày 14/5 tới

Ngay trong ngày đầu mở cửa, di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ khai trương trưng bày chuyên đề “Khát vọng tự do”. Trưng bày giới thiệu đến du khách câu chuyện về những chiến sĩ cộng sản kiên trung, không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân, đế quốc, quyết tâm vượt ngục để trở về với cách mạng, với nhân dân. 3 nội dung trưng bày gồm: Xiềng xích; Tung cánh giữa màn đêm và Khúc ca hòa bình.

Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, TP và chùa, cơ sở tự viện cả nước thực hiện các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo trở lại bình thường.

Văn bản cũng nêu rõ, căn cứ vào chương trình hoạt động Phật sự năm 2020, xây dựng kế hoạch điều chỉnh thúc đẩy các hoạt động Phật sự một cách hiệu quả trong những tháng cuối năm 2020. Bên cạnh đó, tiếp tục coi trọng các biện pháp trong phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh như thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, thực hiện các biện pháp phun khử khuẩn tại các chùa, cơ sở tự viện khi tổ chức các sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người.

Các hoạt động vệ sinh phòng dịch được thực hiện thường xuyên tại di tích đền Ngọc Sơn

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đề nghị Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, TP và chùa, cơ sở tự viện tạm thời chưa thực hiện việc đón tiếp các đoàn khách quốc tế, các đoàn Phật tử Việt kiều, đặc biệt là các Việt kiều trở về từ các nơi được coi là vùng dịch. Các chùa tại vùng biên giới phải thực hiện thường xuyên việc kiểm tra và khai báo y tế với cơ sở y tế địa phương.

Các chùa, cơ sở tự viện đang quản lý, vận hành các Tuệ Tĩnh đường, phòng thuốc nam, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế Đông - Tây y, cơ sở bảo trợ xã hội tiếp tục hoạt động bình thường; phối hợp với cơ quan y tế địa phương làm tốt hơn nữa các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho Nhân dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Các chùa, cơ sở tự viện là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tăng cường sinh hoạt Phật sự, thúc đẩy hoạt động du lịch, góp phần phục hồi kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân. Tăng, ni, Phật tử trong cả nước tiếp tục chung tay cùng toàn xã hội trong công cuộc phục hồi, phát triển đất nước.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội thực hiện chống dịch trong tình hình mới đồng thời với khôi phục kinh tế

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã các cơ quan, đơn vị thuộc TP thực hiện phòng dịch Covid-19 trong giai đoạn mới, chống dịch bệnh đồng thời với khôi phục phát triển kinh tế.

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng trực tuyến

Dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Thay vì tiếp xúc trực tiếp, chúng ta có thể ứng dụng công nghệ để hình thành cuộc sống số.

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/giai-tri/ha-noi-di-tich-danh-thang-mo-cua-sau-cach-ly-thiet-lap-trang-thai-binh-thuong-moi/853752.antd