Hà Nội điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 4

31/10/2022 09:33

Kinhte&Xahoi UBND TP Hà Nội vừa quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ đường vành đai 4 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6, tỷ lệ 1/500 (đoạn qua khu vực Song Phương, huyện Hoài Đức liên quan đến đề sông Đáy) do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập.

Cụ thể, vị trí nghiên cứu điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 4 đoạn đi ngoài đê sông Đáy hiện trạng, điểm đầu (điểm A) cách nút giao với đại lộ Thăng Long khoảng 1200m, điểm cuối (điểm B) cách tuyến đê sông Đáy tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức khoảng 170m. Chiều dài đoạn tuyến nghiên cứu điều chỉnh khoảng 5,8km.

UBND TP Hà Nội yêu cầu nguyên tắc, mục tiêu điều chỉnh đảm bảo tuân thủ, cụ thể hóa định hướng quy hoạch mạng lưới đường bộ, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, Quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch phân khu đô thị S3, tỷ lệ 1/5000 đã được UBND Thành phố phê duyệt.

Theo đó, mục tiêu của việc điều chỉnh nhằm khớp nối thống nhất với Dự án tu bổ xung yếu hệ thống đê điều giai đoạn 2021-2025 (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện), đảm bảo không gian thoát lũ sông Đáy.

Quy mô mặt cắt ngang sẽ giữ nguyên quy mô mặt cắt ngang đường điển hình là 120m, điều chỉnh cấu tạo thành phần mặt cắt ngang đường gồm: 90m bố trí các thành phần đường bộ cao tốc, đường gom đô thị song hành và 30m dự trữ bố trí tuyến đường sắt quốc gia vành đai; không xác định thành phần đê sông Đáy mới.

Hành lang bảo vệ để tại đường gom song hành phía Tây tuyến đường như đã thể hiện trong hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 4 đoạn từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5456/QĐ-UBND ngày 26/11/2012.

Đối với đoạn đi trùng đê sông Đáy hiện trạng (khoảng từ Km14+700 đến Km16+600 lý trình), điều chỉnh quy mô mặt cắt ngang đường dao động từ 112,5m đến 152,5m, trong đó thành phần cao tốc, đường gom song hành phía Tây và dải đất dự trữ bố trí tuyến đường sắt quốc gia vành đai giữ nguyên, thống nhất với toàn tuyến; mở rộng mặt để kết hợp là đường gom song hành phía Đông tuyến đường.

Thành phần mặt cắt ngang cụ thể của tuyến đường sẽ được xác định chính xác theo dự án đầu tư xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Định vị tim đường quy hoạch và chỉ giới đường đỏ: Tim đường quy hoạch điều chỉnh được xác định thông qua các điểm cơ sở ký hiệu 1, 2, 3A, 3B, 3C, 3D, 4 có tọa độ và thông số kỹ thuật đường cong được ghi trực tiếp trên bản vẽ.

Chỉ giới đường đỏ điều chỉnh: được xác định trên cơ sở tim đường quy hoạch, mặt cắt ngang đường, các thông số kỹ thuật, kích thước, kết hợp với nội suy và các điều kiện khống chế cụ thể được xác định chi tiết trên bản vẽ.

Các tuyến hạ tầng kỹ thuật khác giao cắt với tuyến đường có các công trình hạ tầng kỹ thuật như: kênh, mương tưới tiêu thoát nước, các tuyến điện cao thế... Khi lập dự án đầu tư xây dựng cần có giải pháp di dời, xây dựng hoàn trả đảm bảo sự hoạt động bình thường của các công trình hạ tầng kỹ thuật nêu trên.

UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, xác nhận bản vẽ điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ tuyến đường theo quyết định phê duyệt của UBND Thành phố.

Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức công bố công khai hồ sơ điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ tuyến đường được duyệt và bàn giao hồ sơ cho UBND huyện Hoài Đức và các đơn vị liên quan để các tổ chức, cá nhân có liên quan được biết, thực hiện.

UBND TP giao UBND huyện Hoài Đức quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng hai bên tuyến đường theo quy hoạch và các quy định của pháp luật hiện hành.

 Thanh Bình - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-dieu-chinh-cuc-bo-chi-gioi-duong-do-duong-vanh-dai-4.html