Hà Nội: Hơn 100.000 người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19

04/01/2022 20:54

Kinhte&Xahoi Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính tới hết ngày 3/1, Hà Nội đã tiêm gần 172.000 mũi 3 vắc xin COVID-19 liều bổ sung và 441.000 mũi 3 liều nhắc lại.

Chú trọng tiêm vắc xin cho người từ 50 tuổi trở lên

 Trong công điện do UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm chủng mũi 1, 2 và tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vắc xin COVID-19 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế là nội dung được nhấn mạnh.

Lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo tiếp tục rà soát người từ 50 tuổi trở lên, tăng cường, kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục tiêm vắc xin.

Tổng cộng, ngành Y tế Hà Nội đã tiêm mũi 3 cho hơn 610.000 người từ 18 tuổi trở lên ở thành phố, số liệu này chưa tính lượng người tiêm mũi 3 tại các bệnh viện, đơn vị, ngành Trung ương trên địa bàn.

Ảnh minh họa

Trong số này, có hơn 100.000 người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3. Theo chỉ đạo của chính quyền Hà Nội, việc tiêm mũi bổ sung cần hoàn thành trước ngày 31/1/2022. Vài ngày gần đây, trung bình mỗi ngày ngành Y tế Hà Nội tiêm khoảng 70.000 liều là mũi 3 cho người dân.

Sau khi bao phủ 2 mũi vắc xin cho gần 99% người từ 18 tuổi, hiện nay Hà Nội là địa phương tiêm mũi 3 nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau TP HCM (với khoảng hơn 1,1 triệu mũi nhắc lại và hơn 320.000 mũi bổ sung).

Người già an tâm khi được tiêm 3 mũi vắc xin COVID-19

 Ở độ tuổi từ 50 trở lên, cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu đi xuống về sức khỏe và đây cũng là những đối tượng chính mắc các bệnh mạn tính.

Vốn đã có bệnh lí nền, mắc thêm COVID khiến “bệnh chồng bệnh”, nguy cơ diễn biến nặng và tử vong là rất cao. Vì vậy, vắc xin được coi là điều kiện cần để người cao tuổi có thể chung sống an toàn với đại dịch.

Do đó, khá nhiều người lớn tuổi đã chủ động tìm hiểu các thông tin về vắc xin COVID-19 và đăng ký tiêm đủ 3 mũi vắc xin.

Người cao tuổi được đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin

Có tiền sử bệnh tiểu đường, bà Nguyễn Thị Lợi (ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Giữa năm ngoái khi nghe tin về việc tiêm vắc xin COVID-19 tôi khá lo lắng sợ cơ thể của mình không đáp ứng được với việc tiêm vắc xin.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, các ca tử vong của người cao tuổi mắc COVID-19 tăng cao, tôi đã quyết định tiêm đủ 2 mũi vắc xin và đầu năm nay tôi đã tiêm đủ mũi thứ 3 để phòng chống biến thể mới của virus SARS-CoV-2".

Người có bệnh lí nền và người cao tuổi được coi là đối tượng dễ bị tổn thương khi nhiễm COVID-19. Người bình thường khi mắc bệnh vẫn có khả năng bệnh nặng hay nhập viện, thậm chí là tử vong.

Tuy nhiên, những người cao tuổi và bệnh lý nền có hệ miễn dịch suy giảm theo tuổi; cùng với đó, việc điều trị bằng thuốc trong thời gian dài khiến hệ miễn dịch của họ suy yếu hơn, sẽ tiềm ẩn những biến chứng cao nếu mắc COVID-19. Do đó, người từ 50 tuổi trở lên và người có bệnh lí nền là đối tượng rất cần thiết tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Bác sĩ Đoàn Thị Khánh Châm, Trung tâm tiêm chủng VNVC Nguyễn Thái Học, Hà Nội: "Đối với người lớn, người cao tuổi và đặc biệt là những người mắc bệnh nền như huyết áp, tiểu đường, thì việc tiêm phòng vắc xin rất quan trọng để tạo miễn dịch cho họ cũng như phòng bệnh một cách chủ động".

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 có ý nghĩa rất lớn trong việc chủ động phòng lây bệnh và hạn chế diễn biến nặng khi mắc bệnh. Tiêm vắc xin đủ mũi vẫn có khả năng mắc COVID-19 nhưng biến chứng nặng sẽ được giảm đi rất nhiều và tỉ lệ tử vong gần như không có.

Với đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh nền thì việc tiêm vắc xin là vô cùng cần thiết. Đối tượng này sẽ được chỉ định tiêm tại cơ sở y tế, đảm bảo được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình tiêm chủng và bệnh lí nền của mình.

Khuyến cáo sau khi tiêm chủng, người cao tuổi nên có người nhà chăm sóc thường xuyên, liên tục trong khoảng 3 ngày sau tiêm, khi có bất cứ triệu chứng gì bất thường, cần báo ngay cho cán bộ y tế để được hướng dẫn xử trí và đưa đến cơ sở y tế nếu cần thiết.

Với phản ứng sau tiêm, dù là điểm tiêm ngoài hay trong bệnh viện thì tất cả những phản ứng sau tiêm từ nghiêm trọng như phản vệ, thuyên tắc mạch, viêm cơ tim, viêm ngoài tim… hay những phản ứng thường gặp như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi… đều sẽ được tư vấn và theo dõi như nhau.

Theo các chuyên gia, vắc xin là điều kiện cần để người cao tuổi và người có bệnh lí nền chung sống an toàn với đại dịch; tuy nhiên những đối tượng này cũng được khuyến cáo cần phải tuân thủ tuyệt đối 5K, hạn chế tối đa việc ra ngoài và tiếp xúc chỗ đông người để phòng lây nhiễm bệnh.

Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trường học ở Hà Nội dạy học linh hoạt, ứng phó với cấp độ dịch Covid-19

Ngày 3-1-2022, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở đã gửi thông báo tới các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã; các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch Covid-19 tại địa bàn.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hon-100000-nguoi-tu-50-tuoi-tro-len-da-tiem-mui-3-vac-xin-phong-covid-19-187259.html