Hà Nội họp bàn về quản lý vỉa hè và đầu tư chợ, công viên

31/03/2023 14:00

Kinhte&Xahoi Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá về 3 nội dung: Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường ; Đẩy mạnh công tác quản lý, đầu tư chợ; Công tác quản lý, khai thác, sử dụng và đầu tư công viên trên địa bàn TP.

Sáng 31/3, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý I/2023.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy.

Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá về 3 nội dung: Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường ; Đẩy mạnh công tác quản lý, đầu tư chợ; Công tác quản lý, khai thác, sử dụng và đầu tư công viên trên địa bàn TP.

Quang cảnh hội nghị

Tình hình trật tự đô thị ở 12 quận nội thành có nhiều chuyển biến

 Trình bày báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, ngày 15/2/2023, Ban Chỉ đạo 197 TP đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về “Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023”; Trong đó tổ chức thực hiện theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng (từ ngày 15/2/2023 đến 28/2/2023); Giai đoạn 2: Ra quân Tổng kiểm tra, xử lý vi phạm (từ 01/3/2023 đến 31/3/2023); Giai đoạn 3: Giai đoạn kiểm tra, duy trì (từ 1/4/2023 đến 1/11/2023).

Sau khi kết thúc 14 ngày giai đoạn 1 (từ ngày 15/2/2023 đến 28/2/2023) với các biện pháp tuyên truyền bài bản, tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không vi phạm, từ 1/3/2023, toàn lực lượng đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm.

Kết quả cụ thể (tính đến hết ngày 25/3/2023), đã kiểm tra, xử lý 24.300 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) (tăng 5.553 trường hợp so với cùng thời gian liền kề trước đó), phạt thành tiền 50,5 tỷ đồng; Đã kiểm tra, xử lý 7.492 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị (TTĐT) (tăng 3.498 trường hợp so với cùng thời gian liền kề trước đó), phạt thành tiền 9,2 tỷ đồng. Một số đơn vị có kết quả kiểm tra, xử lý cao là: Hoàng Mai (1.554 trường hợp), Đống Đa (1.129 trường hợp), Hoàn Kiếm (653 trường hợp), Sơn Tây (140 trường hợp).

Các đồng chí Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị

Sau gần 1 tháng ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm, với sự quyết tâm, quyết liệt của các lực lượng chức năng (xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông tăng 29,6%, xử lý vi phạm về trật tự đô thị tăng 87,6% so với cùng thời gian liền kề), tình hình TTATGT, TTĐT trên địa bàn TP, nhất là tại 12 quận nội thành đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã từng bước được giảm dần. Việc sắp xếp phương tiện đã cơ bản gọn gàng đúng quy định. Các bục bệ, mái che, mái vảy vi phạm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và các lực lượng chức năng dỡ, phá dỡ, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường được đảm bảo tạo nên bộ mặt đô thị văn minh, trật tự hơn.

Nghiên cứu tổ chức khu vực bán hàng rong

 Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện tuyên truyền tại một số địa bàn còn chưa đảm bảo yêu cầu, còn xảy ra tình trạng một số hộ dân vẫn không chấp hành, chưa chủ động sắp xếp gọn gàng hàng quán, để phương tiện tràn lan trên hè phố, dưới lòng đường, gây mất trật tự an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị. Mặc dù tình hình TTATGT, TTĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực, song kết quả chưa bền vững, nhiều điểm đã xử lý nhưng không duy trì được, để tái lấn chiếm. Tình trạng các bãi trông giữ phương tiện không phép, thu phí sai quy định trên các khu đất trống tại các dự án còn nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, gây phức tạp về ANTT....

Khó khăn, vướng mắc hiện nay đó là hệ thống hạ tầng giao thông (đặc biệt là giao thông tĩnh) chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến một số hành vi vi phạm không được giải quyết triệt để (dừng, đỗ xe ô tô, trông giữ phương tiện không phép…). Tại địa bàn các quận có mật độ dân cư cao, lưu lượng phương tiện lớn, điểm trông giữ phương tiện ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân dẫn đến tình trạng dừng, đỗ phương tiện không đúng nơi quy định, đồng thời, làm nảy sinh những điểm trông giữ phương tiện không phép hoặc có phép nhưng vượt phạm vi, loại hình được cấp phép trông giữ.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn báo cáo tại hội nghị

Bên cạnh đó, số người dân kinh doanh buôn bán dựa vào lòng đường vỉa hè để mưu sinh với số lượng đông, có nhiều trường hợp không có mặt bằng kinh doanh chỉ kinh doanh trên hè phố và tồn tại từ lâu nên việc kiểm tra xử lý giải tỏa còn gặp sự phản ứng của người dân. Tình trạng các Dự án khu đô thị đã đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư chưa tiến hành bàn giao hạ tầng giao thông nên việc tổ chức sắp xếp phương tiện còn lộn xộn, khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Công tác xử lý vi phạm về lĩnh vực giao thông đường bộ tại các Dự án khu đô thị trên xử lý gặp khó khăn do Luật giao thông chưa điều chỉnh…

Trong thời gian tới, UBND TP sẽ chỉ đạo các Sở, ngành tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình TTATGT tại các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn TP, nhất là khu vực các quận nội thành nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao… để thống nhất danh mục các tuyến phố cấm đỗ, để xe dưới lòng đường, trên hè phố. Đồng thời, TP nghiên cứu đưa ra các tiêu chí cụ thể về việc cho phép đỗ, để phương tiện dưới lòng đường, trên hè phố như: Bề rộng của hè phố, tuyến phố không thuộc tuyến hành lang dẫn và bảo vệ đoàn, khu vực tổ chức sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn; Các tuyến không thuộc tuyến đường vành đai, trục chính xuyên tâm phục vụ công tác điều tiết, phân luồng giao thông…

TP cũng sẽ có quy định cụ thể về quản lý phương tiện ô tô dừng, đỗ trên hè phố. Sửa đổi Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 3/5/2018 của UBND TP ban hành Quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP, trong đó, bổ sung quy định hè phố chỉ được phép sử dụng một phần để sắp xếp xe đạp, xe máy, không sắp xếp ô tô; không sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện xe ô tô.

Đối với Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, sẽ nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án sắp xếp cho các hộ kinh doanh trên hè phố, các điểm trông giữ phương tiện, các chợ tự phát, chợ cóc (sau khi giải tỏa) để vừa đảm bảo trật tự đô thị, vừa đảm bảo cho cuộc sống của người dân. Nghiên cứu tổ chức khu vực bán hàng rong hoặc định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có nguồn thu nhập chính từ việc chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các Dự án bãi đỗ xe ngầm, nổi trên địa bàn để đảm bảo công tác TTĐT, TTATGT. Tổ chức rà soát, báo cáo về tất cả các bến, bãi, điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn (có phép, không phép) trên địa bàn để quản lý, kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

 Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-hop-ban-ve-quan-ly-via-he-va-dau-tu-cho-cong-vien-220760.html