Đây là nội dung trong Báo cáo số 146-BC/TU ngày 19-10-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Chuyển biến rõ nét
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 72-KH/TU ngày 25-1-2018 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Cụ thể hóa kế hoạch trên, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố.
Đến nay, thành phố đã sắp xếp giảm 267 đơn vị sự nghiệp so với tổng số 2.787 đơn vị sự nghiệp năm 2015, đạt tỷ lệ giảm 9,5%. Trong đó, lĩnh vực y tế - dân số giảm 41 đơn vị; lĩnh vực giáo dục và giáo dục nghề nghiệp giảm 37 đơn vị; lĩnh vực văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông giảm 60 đơn vị; lĩnh vực xây dựng cơ bản giảm 48 đơn vị; còn lại 81 đơn vị thuộc các lĩnh vực khác.
Dự kiến trong năm 2021, Hà Nội sẽ sắp xếp giảm thêm 13 đơn vị gồm 6 đơn vị thuộc khối sở, ngành; 6 đơn vị thuộc khối quận, huyện và 1 đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố. Do đó, tổng số đơn vị sẽ giảm là 280 đơn vị, đạt tỷ lệ hơn 10%.
Thành phố cũng đã hoàn thành chỉ tiêu giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp. Cụ thể, biên chế viên chức của UBND thành phố được Bộ Nội vụ giao năm 2015 là 128.897 biên chế. Đến năm 2021, thành phố đã giảm 12.890 biên chế (giao năm 2021 là 116.007 biên chế), tương đương tỷ lệ giảm 10%. Biên chế viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy (gồm 2 đơn vị: Báo Hànộimới và Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong) giảm 16,3%.
Hà Nội còn là địa phương đầu tiên hoàn thành xong toàn bộ vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, được Trung ương đánh giá cao và triển khai nhân rộng tại Hội nghị toàn quốc. Ngay sau khi rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế, Hà Nội đã tập trung thực hiện việc này. Đến tháng 5-2017, thành phố đã phê duyệt xong vị trí việc làm cơ quan hành chính; đến tháng 9-2017 phê duyệt xong vị trí việc làm đơn vị sự nghiệp công lập.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đánh giá công tác tinh giản biên chế đã có sự chuyển biến rõ nét. Đến tháng 5-2021, thành phố đã giải quyết nghỉ tinh giản biên chế được 1.441 trường hợp, trong đó 266 trường hợp nghỉ do sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại theo vị trí việc làm; 698 trường hợp nghỉ do phân loại, đánh giá.
Chưa tăng theo định mức, vẫn giảm cơ học 10%
Ngoài kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ còn một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, Hà Nội không được tăng biên chế viên chức, ngoài ra còn phải giảm tỷ lệ cơ học bao gồm cả lĩnh vực giáo dục dẫn đến khó khăn trong việc bố trí giáo viên theo tốc độ đô thị hóa, tăng trường, tăng lớp, tăng học sinh. Năm 2021, thành phố dự kiến tăng 4.597 biên chế viên chức giáo dục và đã có Văn bản số 2815/UBND-SNV ngày 3-7-2020 báo cáo Bộ Nội vụ theo đúng tinh thần Thông báo số 9028-CV/VPTƯ ngày 11-3-2019 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương về Kết luận của Bộ Chính trị bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế để đảm bảo “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, “có bệnh nhân thì phải có nhân viên y tế”. Tuy nhiên, hiện nay thành phố vẫn chưa được bố trí giao bổ sung.
Từ thực tế đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo các cấp, các ngành sớm tham mưu triển khai có hiệu quả Thông báo số 9028-CV/VPTƯ nêu trên. Tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là rất rõ ràng. Chính phủ và các bộ, ngành đều đã có các chỉ đạo triển khai. Nhưng việc giao biên chế năm 2020, 2021 cho Hà Nội không những không được tăng theo định mức để bảo đảm giáo viên đứng lớp (Hà Nội còn thiếu 7.134 biên chế giáo viên theo định mức) mà còn giảm cơ học theo tỷ lệ 10%, dẫn đến chất lượng giáo dục Thủ đô bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, giao bổ sung 7.134 biên chế viên chức giáo viên theo định mức cho Hà Nội để có thể bố trí kịp thời giáo viên đứng lớp. Khi các giải pháp chưa được triển khai, trước mắt năm 2022 và các năm tiếp theo không tinh giản biên chế lĩnh vực giáo dục theo chỉ tiêu giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Cũng theo Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ cho phép đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên có thể ký hợp đồng từ nguồn thu sự nghiệp (mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng). Tuy nhiên thực tiễn nguồn thu của các trường mầm non, trung học cơ sở là rất thấp, trường tiểu học không thu học phí. Hà Nội có 1/3 tổng số trường công lập từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở thuộc UBND cấp huyện (703 trường) có tỷ lệ tự chủ dưới 10% (phân loại là đơn vị ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên), 7/30 quận, huyện không có trường công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Do vậy, việc triển khai trên thực tế còn rất nhiều bất cập, chưa tháo gỡ được triệt để.
Hà Nội cũng đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hướng dẫn sắp xếp các trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông cấp huyện thành trung tâm nông nghiệp cấp huyện theo Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24-1-2018 của Chính phủ. Hiện nay, mô hình tổ chức bộ máy các trạm đang chưa rõ là tổ chức hành chính hay đơn vị sự nghiệp, nên thực tiễn các tỉnh đều đang bố trí cả công chức, viên chức tại cùng 1 đơn vị, phát sinh nhiều bất cập về chế độ chính sách, cũng như thực thi công vụ.
Về cải cách chế độ công vụ, công chức, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Bộ Nội vụ, bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện trong việc nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Đáng chú ý, thành phố đề nghị đưa các yếu tố liên quan đến điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ra khỏi quy định; thực hiện đánh giá năng lực, trình độ qua sát hạch thực tế gắn với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Hà Vũ - Hà Nội mới