Hà Nội linh hoạt và quyết liệt trong đợt giãn cách thứ 4

06/09/2021 18:40

Kinhte&Xahoi Linh hoạt giữa 3 vùng chống dịch và quyết liệt ở “vùng đỏ” để thành công mục tiêu kép, Hà Nội đang đi đúng hướng trong cuộc chiến chống dịch đầy gian nan. Và trong cuộc chiến này, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân là một trong những yếu tố quyết định sự thành công.

Hà Nội đã qua 3 đợt giãn cách liên tiếp (45 ngày) nhưng mỗi ngày vẫn có vài chục ca mắc mới. Trên địa bàn Thành phố vẫn còn các ổ dịch phức tạp như Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân); Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa) và mới đây nhất là ổ dịch ở tòa nhà T1, chung cư Times City, phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng). Tuy chưa vét hết được F0 ra khỏi cộng đồng, nhưng 45 ngày qua Hà Nội đã ngăn được sự lây nhiễm dịch Covid-19 với chủng mới Delta như thác lũ mà một số nơi mắc phải, tạo sự yên tâm và tin tưởng của nhân dân trong cuộc chiến chống Covid.

Lực lượng chức năng phường Láng Thượng, quận Đống Đa kiểm tra giấy đi đường của người dân trong sáng 6/9.

Đã qua 45 ngày giãn cách liên tiếp, giờ tiếp tục giãn cách thêm 15 ngày là quyết định vô cùng khó khăn của lãnh đạo Thành phố, nhưng vì sự an toàn tính mạng của người dân Thủ đô, vì sứ mệnh là hậu phương vững chắc cùng các địa phương khác cung cấp người và thiết bị y tế giúp các tỉnh thành phía Nam chống dịch, Hà Nội buộc phải chọn phương án tiếp tục giãn cách đến 6h ngày 21/9. Tuy nhiên, đợt giãn cách này (từ 6h ngày 6/9 - 6h ngày 21/9) Hà Nội làm linh hoạt và sẽ quyết liệt hơn. Sự linh hoạt thể hiện sự giãn cách được chia làm 3 vùng chống dịch.

Vùng một (“vùng đỏ”) gồm 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì; và một phần địa giới hành chính 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.

Vùng một tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó”. Đây là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Thành phố xác định khu vực này là vùng đỏ, nhiều trường hợp nguy cơ cao.

Vùng hai gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Toàn bộ vùng hai áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng.

Vùng ba là toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên; và một phần của 5 quận, huyện của phân vùng một: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Vùng ba áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hỗ trợ "vùng một".

Có thể nói, với việc phân 3 vùng chống dịch này, thành phố Hà Nội đã thực hiện linh hoạt các giải pháp ứng phó với dịch phù hợp tình hình thực tiễn của từng khu vực trên địa bàn, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác phòng, chống dịch, nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bệnh cạnh sự linh hoạt phân vùng chống dịch, Thành phố sẽ quyết liệt hơn nữa đối với “vùng đỏ” nơi tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 và một số biện pháp ở mức cao hơn, với nguyên tắc “ai đâu ở đó”, dập dịch triệt để. Công an Thành phố đã triển khai 39 chốt trực tại "vùng đỏ”, trong đó 21 chốt cấp Thành phố tại vị trí có mật độ giao thông cao; 9 chốt do quận, huyện quản lý và 9 chốt do xã, phường, thị trấn quản lý. Tại các chốt, cảnh sát sẽ dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra giấy đi đường, kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu.

Nhiều mô hình sáng tạo, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân.

Sở Xây dựng tiến hành lắp đặt 30 chốt cứng tại 30 điểm cầu trên địa bàn Thành phố. Người dân không di chuyển qua các chốt cứng này. Hiện có 53 đường qua sông/kênh kết nối vùng 1 và vùng 2, 3, Thành phố sẽ đóng cứng 30 đường kết nối không thuận lợi cho giao thông; lập chốt kiểm soát tại 23 vị trí. Lực lượng liên ngành tham gia chốt do Công an chủ trì, trực 24/24. Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy đã giao cho Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo Công an Thành phố hướng dẫn, tổ chức cấp giấy đi đường cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đúng quy định, nhanh, gọn, thuận tiện, bảo đảm thực hiện giãn cách triệt để trong “vùng đỏ”.

Với tinh thần phục vụ 24/24h, tính đến 5h sáng 6/9, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã cấp hơn 20.000 giấy đi đường có mã QR cho người dân thuộc nhóm đối tượng số 2. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các đối tượng tham gia giao thông, trước mắt, trong 2 ngày đầu, các lực lượng chức năng chủ yếu kiểm tra để tuyên truyền các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tự giác chấp hành; đồng thời rà soát đánh giá, cần thiết điều chỉnh vị trí bố trí các chốt, tổ chức lại phân làn, phân luồng giao thông.

Sáng nay là ngày đầu tuần, lác đác vài nơi trong những thời điểm ngắn đã có sự ùn ứ người tham gia giao thông, nhưng đó chỉ là hiện tượng nhất thời trong ngày đầu thực hiện đợt giãn cách thứ 4, khi mà người dân nếu có vi phạm cũng chỉ bị cảnh sát “nhắc nhở”.

Bên cạnh các giải pháp chống dịch nói trên, vấn đề tiên vắc xin cho người dân Thủ đô cũng được dư luận quan tâm. Có vắc xin đến đâu Thành phố triển khai tiêm đến đó, tuy nhiên tính đến 18h ngày 4/9, toàn Thành phố mới tiêm được hơn 2,2 triệu liều, đạt 26,65% dân số (thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm hơn 80% dân số). Với tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin thấp như vậy nên Hà Nội phải thực hiện chặt chẽ các biện pháp khoanh vùng, cách ly, bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội ở nơi có nguy cơ cao để bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, không để dịch bùng phát mạnh dẫn tới mất kiểm soát.

Ngày đầu đợt giãn cách thứ 4, các siêu thị, các chợ đầy hàng hóa, không có cảnh người dân đổ xô đi mua. Người dân Thủ đô hy vọng và tin tưởng đợt giãn cách này Thành phố sẽ vét sạch được các ca F0 trong cộng đồng để sớm trở lại cuộc sống bình thường.

 Hùng Sơn - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

link bài gốc https://laodongthudo.vn/ha-noi-linh-hoat-va-quyet-liet-trong-dot-gian-cach-thu-4-129580.html