Ảnh minh họa
Theo đó, đối tượng, điều kiện hỗ trợ được mở rộng, nới lỏng hơn. Chẳng hạn, trước đây, Hà Nội chỉ hỗ trợ các trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại nhà; Các trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly trước ngày Quyết định số 3642 có hiệu lực; Các trường hợp F0, F1 đang cách ly tại cơ sở được chọn làm nơi cách ly tập trung trên địa bàn (ngoài các cơ sở cách ly tập trung đang giao Sở Y tế, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý).
Hiện nay, đối tượng hỗ trợ bao gồm cả trường hợp F0, F1 hoàn thành cách ly tại khách sạn, resort... Thời gian hoàn thành cách ly trước khi Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực.
Điều này đồng nghĩa với việc các trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị trước ngày 7/7/2021 cũng được hỗ trợ, thay vì trước ngày 21/7 như trước đây.
Đáng chú ý, chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế có hỗ trợ thêm đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật.
Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương... cũng được điều chỉnh, bổ sung theo hướng đơn giản thủ tục, tăng trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chức năng.
Cũng theo Quyết định số 5073/QĐ-UBND, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng sâu bởi dịch COVID-19 thuộc đối tượng hỗ trợ là hộ có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế thay vì chỉ quy định chung chung. Hộ kinh doanh được hỗ trợ bổ sung đối tượng người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp...
Những quy định mới sẽ tạo điều kiện để Hà Nội có thêm nhiều người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội.
Lam Dương - TTTĐ