Hà Nội sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn từng hồ chứa

21/10/2021 09:33

Kinhte&Xahoi Trước tác động của biến đổi khí hậu, việc bảo đảm an toàn các đập hồ đang là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên, do đó, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã bố trí nguồn lực sửa chữa, nâng cấp nhiều hồ, đập làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, phục vụ đời sống của người dân, sản xuất nông nghiệp.

Nhiều công trình xuống cấp

 Bước vào mùa mưa bão năm 2021, để bảo đảm an toàn cho các công trình cắt lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội nhiều đập, hồ thủy lợi vừa và nhỏ của thành phố đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố do nhiều công trình thủy lợi được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng từ 30-40 năm. Để bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du trước tác động của thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp.

Công trình cải tạo, nâng cấp đập hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức)

Với dung tích thiết kế 11,9 triệu m3, hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức) là một trong những hồ chứa thủy lợi lớn nhất của Hà Nội. Dù vậy, lòng hồ này hiện nay đang bị bồi lắng nhiều. Mặt đê hồ chứa này bị sụt lún, mái hạ lưu cũng đang sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Trong khi đó, tại hồ chứa nước Đồng Sương (huyện Chương Mỹ), lòng hồ hiện cũng đang bị bồi lắng, cấp thiết cần được nạo vét. Một số hạng mục thuộc công trình quản lý hồ chứa bị hư hỏng; mái bể tiêu năng cũng đang bị sụt sạt…

Tại huyện Ba Vì, hồ Mèo Gù được xây dựng từ năm 1962 và hoàn thành năm 1965, rộng khoảng 45ha, trữ 1,8 triệu mét khối nước. Đây là một trong những công trình thủy lợi quan trọng của huyện Ba Vì khi vừa có chức năng cắt lũ bảo vệ dân cư vùng hạ du, vừa trữ nước để phục vụ 120ha sản xuất nông nghiệp của xã Thuần Mỹ và xã Sơn Đà.

Tuy nhiên, sau gần 60 năm khai thác, nhiều hạng mục của công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Đơn cử như, đỉnh đập làm bằng đất có nhiều vị trí bị lún sụt, tạo ra các dòng tràn vào thân đập, tiềm ẩn nguy cơ sự cố khi xảy ra những trận mưa lớn, khi hồ đầy nước trong nhiều ngày. Không những vậy, nhiều vị trí mái thượng lưu và hạ lưu của hồ cũng xuất hiện vệt thấm nước trong; mang cống có hiện tượng nước chảy qua...

Tương tự, nhiều hồ thủy lợi nhỏ khác, như: Cẩm Quỳ, Bưởi, Phú Lội, Đồng Đầm, Đình Thử, Canh Nhỉm, Thó Bỉn (huyện Ba Vì); Lò Xả, Xuân Bảng, Nghè, Anh Bé, Đạc Đức, Ông Đạm, 361 (huyện Sóc Sơn)... cũng ở tình trạng xuống cấp.

Đảm bảo an toàn các hồ chứa

 Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 117 hồ thủy lợi, nằm trên địa bàn 6 huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây; trong đó có 9 hồ chứa có quy mô lớn, 20 hồ có quy mô vừa và 88 hồ quy mô nhỏ.

Các hồ thủy lợi của Hà Nội phần lớn được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, kỹ thuật thi công thủ công. Ngoại trừ các hồ chứa lớn, phần lớn các hồ quy mô nhỏ và vừa không bảo đảm an toàn khi mưa, lũ ngày càng cực đoan, bất thường như hiện nay.

Mặt khác, lực lượng quản lý, vận hành đập, hồ chứa thuỷ lợi còn mỏng, nhất là các hồ nhỏ thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên nhiều hồ đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn và đe dọa tính mạng người dân và tài sản vùng hạ du.

Lực lượng chức năng xử lý sự cố hồ đập trong mùa mưa lũ (Ảnh tư liệu)

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đặng Anh Tuấn cho biết, những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư gần 800 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp nhiều hồ, đập. Tuy nhiên, do xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, kết cấu đập làm bằng đất, nên hiện Hà Nội còn 42 hồ, đập hư hỏng, xuống cấp.

Để bảo đảm an toàn đập hồ và vùng hạ du, năm 2021-2022, thành phố tiếp tục bố trí gần 100 tỷ đồng sửa chữa thường xuyên và cải tạo nâng cấp 14 hồ, đập ở các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn... “Trong thời gian chuẩn bị xây dựng công trình, các doanh nghiệp thủy lợi và các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư và sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn đập hồ và vùng hạ du...”, ông Đặng Anh Tuấn đề nghị.

Về vấn đề này, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố khẳng định đã hoàn chỉnh và sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn từng hồ chứa và vùng hạ du.

Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Phan Văn Tân cho biết: “Công ty đã phân công lực lượng trực ban 24/24 giờ tại các hồ trong thời gian có mưa, bão nhằm kịp thời phát hiện và xử lý ẩn họa, hư hỏng, sự cố đập hồ ngay từ giờ đầu”.

Chung nhiệm vụ trên, các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức... đã rà soát khu dân cư nằm trong vùng ảnh hưởng; Xây dựng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn khi xảy ra tình huống vỡ đập hồ.

Có thể thấy, những năm gần đây, biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn hồ đập không chỉ là nhiệm vụ cấp bách trong mùa mưa bão mà cần là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành và người dân địa phương.

 Thanh Tùng - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chủ động phòng, chống thiên tai và sạt lở đê điều

Trong những năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước, các hình thái thời tiết cực đoan diễn ra với cường độ ngày càng mạnh, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản. Tại Hà Nội, các cấp, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đúng phương án, kế hoạch được phê duyệt… Do vậy, thành phố Hà Nội đã kiềm chế, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Sản xuất vụ Đông ở Hà Nội: Đột phá từ chính sách hỗ trợ

Xác định vụ Đông năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, vừa bảo đảm lương thực thực phẩm dịp cuối năm, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, ngành nông nghiệp Hà Nội và các địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-san-sang-trien-khai-phuong-an-bao-dam-an-toan-tung-ho-chua-180879.html