Hà Nội siết chặt kỷ cương, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm trong phòng, chống dịch

20/11/2021 21:27

Kinhte&Xahoi Chiều 20/11, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp trực tuyến Ban Chỉ đạo với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã về các giải pháp phòng, chống dịch. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đồng chủ trì hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì phiên họp trực tuyến

Đề xuất tiêm vắc xin tại trường để tránh bỏ sót học sinh

 Báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, giai đoạn từ 27/4-10/10/2021, thành phố ghi nhận 4.307 ca mắc Covid-19, tương đương trung bình 21,75 ca/ngày, trong đó có 1.320 ca ngoài cộng đồng, chiếm 30,6%. Giai đoạn từ ngày 11/10 đến nay, TP ghi nhận 3.148 ca mắc, tương đương trung bình 78,7 ca/ngày, trong đó có 987 ngoài cộng đồng (31,35%).

Về công tác tiêm chủng, đến nay, tổng số đã tiêm được 11.445.016 mũi, trong đó 6.128.300 mũi 1, đạt 93,65% dân số trên 18 tuổi và 70,44% tổng dân số; 5.316.716 mũi 2, đạt 81,25% dân số trên 18 tuổi và 61,1% tổng dân số. Tỷ lệ người trên 50 tuổi tiêm mũi 1 là 87,24% và mũi 2 là 77,2%.

Hiện, thành phố đang cách ly 7.793 trường hợp là các F1 và người nhập cảnh tại 25 cơ sở cách ly tập trung. Các quận, huyện đã rà soát, lập danh sách thành lập các khu cách ly tập trung nhằm nâng công suất lên 100.000 chỗ cách ly. Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án triển khai Trạm Y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn. Dự kiến, mỗi thôn, xóm, cụm dân cư phải có 1 địa điểm, sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nhận định, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tiếp tục tăng với nhiều ổ dịch. Do đó, một số quận, huyện có các ổ dịch cần tăng cường hơn nữa các giải pháp phòng, chống dịch, thần tốc truy vết các ca bệnh và trường hợp liên quan. Trong công tác tiêm chủng, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng của thành phố ở mức cao, song các quận, huyện cần đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 2 cho người trên 50 tuổi.

Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngay khi nhận được vắc xin từ Bộ Y tế, Sở Y tế đã phân bổ kịp thời tới các quận, huyện. Hiện thành phố đã chuẩn bị kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em và sẵn sàng triển khai khi vắc xin được phân bổ.

Liên quan đến cách ly các trường hợp F1, theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trước đây các trường hợp F1 cách ly tập trung, nhưng hiện nay công tác cách ly F1 sẽ linh hoạt hơn cho phù hợp tình hình thực tế. Sở Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn về cách ly tại nhà, hướng dẫn chính quyền địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, y tế cơ sở kiểm tra, rà soát. Theo đó, sẽ tổ chức cách ly F1 tại nhà (nếu đủ điều kiện) hoặc tại cơ sở lưu trú hoặc cách ly tập trung.

Các quận, huyện tăng cường công tác phòng, chống dịch

Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, Hà Nội từng thực hiện tốt cách ly F1, F2 tại nhà đối với một số trường hợp đặc thù (người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai…). Tuy nhiên, công tác này vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ, giám sát của chính quyền địa phương, công tác truyền thông cũng như ý thức người dân khi được cách ly tại nhà. Việc cách ly tại nhà cũng sẽ giảm gánh nặng cho cơ quan y tế khi số lượng các F0, F1 tăng…

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, sau khi tổ chức cho học sinh lớp 9 khối huyện, thị xã đi học trực tiếp, sẽ rút kinh nghiệm và từng bước tổ chức cho học sinh các quận đi học trở lại. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất, sau khi được phân bổ vắc xin, sẽ triển khai tiêm tại các trường học để nhà trường cùng tham gia, tránh bỏ sót học sinh.

Chuẩn bị chu đáo cho mọi tình huống

Kết luận phiên họp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường nhận thức trong tình hình mới, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ phù hợp với thực tiễn của thành phố và từng địa phương.

Trước thực tế tốc độ lây lan rộng, nhất là các ca trong cộng đồng không xác định được nguồn lây và dự báo ca bệnh Covid-19 sẽ tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới, do đó thành phố đã giao Sở Y tế và các đơn vị xây dựng kịch bản khi có 100 nghìn ca bệnh và đề nghị cần phải chủ động chuẩn bị nghiêm túc cho tình huống này.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố đã thống nhất quan điểm, trừ 4 quận lõi không cách ly tập trung F1 tại nhà; các quận, huyện còn lại căn cứ vào hướng dẫn của Sở Y tế xây dựng phương án đối với F1, trước tiên là cách ly tập trung, phương án 2 là cách ly tại cơ sở lưu trú hoặc cách ly tại nhà. Song, đồng chí yêu cầu chỉ cách ly tại nhà khi đã nghiên cứu kỹ và có tiêu chuẩn cụ thể đáp ứng đủ điều kiện.

Phó Bí thư Thành uỷ cũng giao Sở Du lịch phối hợp Sở Y tế vận động cơ sở lưu trú cùng vào cuộc với thành phố; các địa phương tham khảo hướng dẫn của Sở Y tế, Bộ Y tế và vận dụng linh hoạt, không phân biệt cơ sở lưu trú giữa các quận, huyện.

Người đứng đầu các địa phương nắm bắt, chỉ đạo rà soát đến từng y tế xã, phường, thị trấn, thôn để giúp người bệnh tiếp cận sớm nhất khi có tình huống xảy ra.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, nếu xuất hiện 30.000 ca bệnh trở lên, thành phố sẽ chia ra 4 cấp độ điều trị cho các F0. Cụ thể, tại Bệnh viện thành phố là cấp độ 1; Bệnh viện tuyến quận, huyện là cấp độ 2; Trung tâm y tế xã, phường, thị trấn là cấp độ 3; Cấp độ 4 là khi đã quá tải, điều trị tại nhà. Thành phố cũng đã giao Sở Y tế nghiên cứu thí điểm điều trị F0 thể nhẹ tại nhà. Phó Bí thư Thành uỷ khẳng định: “Phải có 4 cấp độ và chuẩn bị chu đáo cho mọi tình huống”.

Cán bộ y tế, Công an khu vực, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố phải chủ động, phối hợp rà soát từng nhà về mặt y tế, cơ sở vật chất để thống kê được số hộ có đủ điều kiện cách ly tại nhà và tiến tới điều trị F0 tại nhà…

Về việc cho học sinh đến trường trở lại, Phó Bí Thư Thành ủy yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo lên kế hoạch lần lượt cho học sinh các khối lớp đi học trở lại, nghiên cứu sớm cho học sinh lớp 12 được đến trường trực tiếp, không chờ đợi tiêm vắc xin xong mới đi học. Các huyện, thị xã tổ chức cho học sinh lớp 9 đi học trở lại vào tuần sau. Riêng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị tổ chức cho học sinh đến trường ngay và phải xét nghiệm cho các em trước khi quay lại trường học. Sở Y tế lập nhóm xử lý y tế học đường, chủ động trong công tác tập huấn để kịp thời ứng phó khi xuất hiện ca bệnh trong trường học.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong giao Bộ Tư lệnh Thủ đô chịu trách nhiệm về công tác cách ly tập trung F1 ở 4 quận lõi: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng; Tiểu ban truyền thông chủ động tham mưu thành phố về công tác tuyên truyền; Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm quản lý, điều trị các trường hợp F0 tại nhà; Chuẩn bị nguồn lực cần thiết Trạm y tế lưu động tại địa phương; Các quận, huyện siết lại kỷ luật, kỷ cương và các ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong phòng, chống dịch.

Nhấn mạnh trong những ngày tới tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong yêu cầu các sở, ngành, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, thị xã và cơ sở nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trước mọi tình huống, không để bị động bất ngờ, đặc biệt người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh do chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Lam Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Rà soát, đôn đốc người dân khám sức khỏe định kỳ

Trong Kế hoạch số 258/KH-UBND ngày 17/11/2021 thực hiện quản lý sức khỏe cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ rà soát, đôn đốc tất cả người dân phải được khám, quản lý sức khỏe tối thiểu 1 lần/năm...

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-siet-chat-ky-cuong-tang-cuong-kiem-tra-va-xu-ly-nghiem-vi-pham-trong-phong-chong-dich-183570.html