Hà Nội: Tận dụng tốt “thời điểm vàng” để khống chế dịch

11/08/2021 15:00

Kinhte&Xahoi Các chuyên gia, luật sư nhận định, giai đoạn Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội được coi là “thời điểm vàng” để khống chế dịch, sớm kiểm soát các ổ dịch trong cộng đồng.

PGS-TS Bùi Thị An

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, PGS-TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội đánh giá, thực hiện giãn cách xã hội là biện pháp thể hiện vô cùng cần thiết và đúng đắn để sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 tại một TP lớn, đông dân như Hà Nội. Qua 15 ngày giãn cách xã hội trước đó, tôi nhận thấy các cấp lãnh đạo, từ TP cho tới quận, huyện, xã, phường và tận địa bàn dân cư đã rất quyết liệt, chỉ đạo triển khai đồng bộ, nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, trong đó có đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Từng người đứng đầu từ TP tới cơ sở rất sát sao, trực tiếp đến kiểm tra, thị sát cụ thể tại từng địa bàn. Nhờ đó, bước đầu TP đã đạt những kết quả rất tích cực trong kiểm soát dịch bệnh.

“Song, trước thực tế dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên địa bàn, quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 15 ngày nữa theo tôi là rất đúng, trúng vào thời điểm hiện nay, mới mong sớm đẩy lùi được dịch bệnh. Dù vậy, muốn tận dụng tốt nhất “thời điểm vàng” này, tôi cho rằng, cần có sự quyết liệt, cứng rắn hơn nữa từ chính quyền các cấp mà cụ thể là người đứng đầu. Trong đó, cần tăng cường kiểm tra kiểm soát, quyết liệt hơn nữa trong xử lý những trường hợp vi phạm về thực hiện quy định phòng, chống dịch” – bà Bùi Thị An nhận định.

Hà Nội đang bước vào những ngày cao điểm xét nghiệm Covid-19 diện rộng. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường Hạ Đình ở khu vực có nguy cơ ngày 9/8

Ngoài ra, theo nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, cần huy động được sự vào cuộc rộng rãi của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong thực hiện hỗ trợ đối với những lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đặc biệt, tại các khu vực đang phải phong tỏa, cách ly, cần có động viên chia sẻ và hỗ trợ kịp thời hơn nữa với những cán bộ đang trực chiến làm nhiệm vụ. Thực tế cho thấy nhiều khi công việc quá tải đối với họ, nên cần có sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần kịp thời, thậm chí có bổ sung về nhân lực, trong đó xem xét có cán bộ trẻ hỗ trợ thêm cho những cán bộ đã có tuổi tại đây.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Đình Ngọc (Văn phòng Luật sư Kết Nối, Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, rất khó kiểm soát như hiện nay, thì hậu quả của việc giãn cách không hiệu quả có thể nhìn thấy rất rõ ràng. Trước hết đó là tình trạng dịch bệnh tràn lan, số ca nhiễm tăng nhanh, số ca tử vong cũng tăng theo, áp lực lên hệ thống y tế, thậm chí quá tải, mất kiểm soát, người bệnh không được chữa trị. Kinh tế trì trệ, do việc phải tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách, sản xuất ngưng trệ, các chuỗi cung ứng sản phẩm bị ngắt quãng, nhu thập của người dân sẽ bị mất, giảm sút nghiêm trọng.

Luật sư Đặng Đình Ngọc

Đặc thù kinh tế Việt Nam hiện nay đa số người dân đều lấy kế sinh nhai bằng việc kinh doanh nhỏ, cá nhân, hộ gia đình. Việc giãn cách kéo dài cũng là gánh nặng, áp lực kinh phải chi trả các khoản chi phí cố định như thuê nhà, nhân công là rất lớn. Điều này dễ thấy hàng loạt cửa hàng, hàng quán, cơ sở kinh doanh đóng cửa, sang nhượng, các biển cho thuê cửa hàng rất nhiều. Về tác động kinh tế là có thể thấy ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Đời sống người dân ảnh hưởng không nhỏ, do không có thu nhập, cũng không đi làm được, gánh nặng cho xã hội cũng sẽ rất lớn, chưa kể nếu không kiểm soát tốt thì có thể ảnh hưởng đến cả an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

“Vì thế, việc kiểm soát dịch bệnh là hết sức quan trọng, cấp thiết và phải đặt ưu tiên lên hàng đầu. Với phương châm của chính phủ “chống dịch như chống giặc” đã nói lên được tầm quan trọng của các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay” - luật sư Đặng Đình Ngọc nhấn mạnh.

 Hồng Thái - Linh Nguyễn- KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sở Công thương Hà Nội lập danh sách 700 shipper giao nhận hàng hóa

Để thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn, Sở Công thương Hà Nội đã lập danh sách 700 người sử dụng xe môtô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-tan-dung-tot-thoi-diem-vang-de-khong-che-dich-430728.html