Hà Nội thu bảo hiểm y tế linh hoạt, giảm nhẹ đóng góp đầu năm học

22/08/2021 11:20

Kinhte&Xahoi Để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện phương thức thu phí bảo hiểm y tế (BHYT) linh hoạt; Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên được chăm sóc sức khỏe

 Năm học 2021 - 2022, thành phố Hà Nội phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Để đạt được mục tiêu này, BHXH thành phố đã yêu cầu BHXH các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về tăng cường thực hiện BHYT học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội và các văn bản của BHXH thành phố Hà Nội đã triển khai.

Cùng với đó, các cơ quan BHXH cần tiếp tục tham mưu cho Quận ủy, Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện công tác BHYT học sinh, sinh viên; Đưa chỉ tiêu tham gia BHYT học sinh, sinh viên là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, cũng như để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Năm học 2021 - 2022, thành phố Hà Nội phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT (Ảnh tư liệu)

Về công tác thu BHYT học sinh, sinh viên, BHXH thành phố đề nghị, BHXH các quận, huyện, thị xã phải linh hoạt trong phương thức thu phí BHYT, để giảm nhẹ tiền đóng góp của phụ huynh vào đầu năm học (3 tháng, 6 tháng, hoặc 12 tháng).

BHXH thành phố chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Hiện nay, theo quy định, hằng tháng, học sinh, sinh viên phải đóng bảo hiểm y tế với mức bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30%; học sinh, sinh viên đóng 70%.

Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng. Do đó, mức đóng BHYT học sinh, sinh viên được tính trên mức lương cơ sở này. Cụ thể: Mức lương cơ sở hiện hành (1.490.000 đồng/tháng) x 4,5% = 67.050 đồng/tháng. Trong đó, học sinh, sinh viên đóng 70%, sẽ tương đương 46.935 đồng/tháng và 563.220 đồng/năm (Nhà nước sẽ hỗ trợ 30%, tương đương đã hỗ trợ mỗi học sinh, sinh viên 20.115 đồng/tháng và 241.380 đồng/năm).

Như vậy, nếu chọn phương thức đóng định kỳ 3 tháng, học sinh, sinh viên sẽ đóng 140.805 đồng; 6 tháng là 281.610 đồng; đóng đủ 12 tháng là 563.220 đồng.

Về thời hạn sử dụng thẻ BHYT, BHXH thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, trẻ em từ 0-6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Đối với học sinh lớp 1: Học sinh đủ 6 tuổi và sinh trước ngày 30/9 của năm nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày 1/10 của năm đó. Nếu học sinh sinh sau ngày 30/9 của năm nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày 1 của tháng sau tháng sinh nhật. Đối với học sinh lớp 12, thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm đó.

Riêng đối với học sinh, sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Học sinh, sinh viên năm thứ nhất của khóa học, thẻ BHYT sẽ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ từ năm lớp 12 đang còn giá trị sử dụng. Đối với học sinh, sinh viên năm cuối của khóa học, thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.

Đối với học sinh, sinh viên đã có thẻ BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác như thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân quân nhân… đã được cấp thẻ BHYT bắt buộc thì cơ sở giáo dục lập danh sách riêng để theo dõi và tính chung vào tỉ lệ tham gia BHYT của nhà trường để được cấp kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh ban đầu

BHYT là một trong hai trụ cột an sinh xã hội quan trọng của nước ta hiện nay. Đối với đối tượng là học sinh, sinh viên khi tham gia BHYT sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi về chăm sóc sức khỏe. Đơn cử, trường hợp học sinh, sinh viên đăng ký khám chữa bệnh BHYT đúng nơi đăng ký ban đầu và thực hiện đầy đủ thủ tục đối với học sinh, sinh viên có thẻ BHYT (mã quyền lợi là 4) thì được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh.

Học sinh, sinh viên khi tham gia BHYT sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi về chăm sóc sức khỏe (Ảnh tư liệu)

Trường hợp, học sinh, sinh viên khám chữa bệnh BHYT không đúng tuyến, không có giấy chuyển tuyến, mà xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT, được Quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi, mức hưởng và tỷ lệ hưởng theo quy định cụ thể, như sau: 100% đối với khám chữa bệnh ngoại trú bệnh viện tuyến huyện; 100% khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến huyện, tỉnh; 40% khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến Trung ương.

Trường hợp học sinh, sinh viên khi đi khám chữa bệnh BHYT không xuất trình đầy đủ thủ tục tại nơi khám chữa bệnh ban đầu, được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT. Cụ thể: Khám chữa bệnh ngoại trú được hưởng tối đa 0,15 lần mức lương cơ sở (1.490.000 đồng x 0,15 = 223.500 đồng); Khám chữa bệnh nội trú được hưởng mức tối đa 0,5 lần mức lương cơ sở (1.490.000 đồng x 0,5 = 745.000 đồng).

Trường hợp học sinh, sinh viên khám chữa bệnh tại cơ sở không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH, sẽ được BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh. Cụ thể: Khám chữa bệnh ngoại trú bệnh viện tuyến huyện được hưởng mức tối đa 0,15 lần mức lương cơ sở, tương đương 223.500 đồng; Khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến huyện được hưởng mức tối đa 0,5 lần mức lương cơ sở, tương đương 745.000 đồng; Khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến tỉnh được hưởng mức tối đa 1 lần mức lương cơ sở, tương đương 1.490.000 đồng; Khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến Trung ương được hưởng mức tối đa 2,5 lần mức lương cơ sở, tương đương 3.725.000 đồng.

Đối với trường hợp cấp cứu, theo quy định hiện hành, học sinh, sinh viên được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.

Việc thực hiện tốt chính sách BHYT, không chỉ đảm bảo cho học sinh, sinh viên - nguồn nhân lực tương lai của đất nước được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu, mà còn giảm được những rủi ro khi các em không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao.

 Khắc Nam - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-thu-bao-hiem-y-te-linh-hoat-giam-nhe-dong-gop-dau-nam-hoc-174576.html