Hà Nội "trái tim" hồng

02/09/2021 10:06

Kinhte&Xahoi Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Hà Nội từ đó trở thành “trái tim” của cả nước. Qua mỗi thời kỳ, Thủ đô luôn được đồng bào mọi miền đất nước gửi gắm niềm tin yêu và hy vọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu)
 
Khẳng định vai trò, vị trí trung tâm

Trong những năm tháng chiến tranh, Hà Nội là thành trì vững chắc, là hậu phương lớn, chỗ dựa tinh thần cho những người ra trận; Cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, sản xuất và chi viện cho tiền tuyến, Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bốn lần gửi thư khen thưởng, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương; Được Nhà nước ba lần tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; Tặng danh hiệu "Thủ đô Anh hùng”…

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, khắc ghi lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới nhìn vào Thủ đô ta”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô dù trải qua nhiều gian nan thử thách nhưng luôn vững vàng và tạo được những bước phát triển ngoạn mục, khẳng định vai trò, vị trí trung tâm, trái tim của cả nước. Không chỉ được bạn bè thế giới ngợi ca là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người", Hà Nội còn được UNESCO vinh danh là "Thành phố vì hòa bình", “Thành phố sáng tạo”.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, quy mô diện tích của Hà Nội tăng gấp 18 lần, dân số tăng gần 17 lần. Đến nay, Hà Nội không chỉ phát triển ngày càng tương xứng với tầm vóc mới, mà bản lĩnh, sức bền cũng được nâng cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội và cả nước phải đối mặt với 2 đợt dịch nhưng kinh tế Thủ đô vẫn đạt kết quả tích cực. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II cao hơn quý I và đạt 5,91% (cả nước tăng 5,64%). Thu ngân sách đạt 125.562 tỷ đồng, bằng 53,3% dự toán Trung ương giao.

Trong 13 năm qua, Hà Nội luôn xứng đáng với vị trí, vai trò và trách nhiệm là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại… đều có những thành tựu, bước tiến mới. Lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị được thực hiện quyết liệt, nhiều mặt có chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được thực hiện đồng bộ, đạt kết quả đáng khích lệ. Văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu chủ yếu dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, xa trung tâm cải thiện rõ rệt…

Không thỏa mãn với thành quả hiện tại, thành phố đang kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, trước mắt là kiềm chế dịch Covid-19 và thực hiện thành công 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên.

Sẵn sàng vì cả nước, cùng cả nước

 Với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội luôn xác định trách nhiệm hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm và các tỉnh, thành phố trong cả nước; Từ đó, thành phố khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, tạo ra sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều biên bản hợp tác được ký kết, nhiều hoạt động hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố được triển khai đã đem lại những đạt kết quả đáng khích lệ.

Hà Nội luôn trong tâm thế sẵn sàng, hỗ trợ, chi viện cho các địa phương

Là trái tim của cả nước, Thủ đô Hà Nội luôn trong tâm thế và sẵn sàng hỗ trợ, chi viện cao cho các địa phương với tinh thần trách nhiệm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Trước diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương trên cả nước, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”, Hà Nội đã gửi tặng Thành phố Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo và tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là món quà thấm đẫm tình cảm đồng bào, là lời nhắn gửi động viên thắm thiết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô nhằm chia sẻ một phần khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19.

Trước đó, Hà Nội cũng đã gửi tặng Thành phố Hồ Chí Minh hệ thống xét nghiệm PCR tự động 72 giếng cùng với máy tách chiết tự động 96 giếng và test chẩn đoán Covid-19; Dành 54 tỷ đồng hỗ trợ 18 tỉnh, thành phố phía Nam đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 (mỗi địa phương 3 tỷ đồng).

Nhiều cán bộ, nhân viên, sinh viên tại Hà Nội đến hỗ trợ các tỉnh tâm dịch miền Nam

Ngay từ khi dịch bùng phát, Hà Nội cũng đã cử các đoàn y, bác sĩ hỗ trợ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh tổ chức lấy mẫu, tiếp nhận, xử lý hàng chục nghìn xét nghiệm cho các “điểm nóng” dịch Covid-19 tại hai địa phương này… Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của biến chủng Delta ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Bộ Y tế, đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện khối trường y, dược của Thủ đô đã gấp rút lên đường vào Nam, chi viện cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 với tâm thế “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Sau các cuộc chiến tranh giành hòa bình, thống nhất đất nước, có thể xem đây là cuộc ra quân rất lớn nhằm chống lại kẻ thù giấu mặt, vô hình, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Cuộc ra quân bao gồm cả lực lượng công an, quân đội, y, bác sĩ, sinh viên… khiến chúng ta liên tưởng tới những năm tháng “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, làm nên thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời điểm đó, quân và dân miền Bắc “mỗi người làm việc bằng hai” để có thể vừa tiếp tục đẩy mạnh sản xuất xây dựng tiềm lực và giữ vững sự ổn định hậu phương, vừa chi viện cho tiền tuyến.

Hậu phương miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược của mình vào thời điểm đó. Ngày nay, Thủ đô Hà Nội cũng đang nỗ lực gấp đôi, giữ bằng được sự an toàn cho thành phố, cũng là giữ trái tim của cả nước khỏe mạnh, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, để góp phần đưa đất nước tiến bước, đi lên!

Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-trai-tim-hong-175509.html