Công văn nêu rõ, ngày 8-3-2022, Thường trực Thành ủy đã làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về lộ trình cho học sinh trở lại học trực tiếp và tình hình công tác giáo dục, đào tạo của thành phố Hà Nội trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Để phát huy những kết quả đã đạt được của ngành giáo dục và đào tạo của Thủ đô những năm qua và khắc phục những tồn tại hạn chế đã được chỉ ra tại hội nghị, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, cần tiếp tục triển khai các chương trình hành động, đề án, kế hoạch nhằm đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa X) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Bên cạnh việc phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô bám sát chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của cả nước; phù hợp với công tác phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng địa bàn và cả nước; phù hợp với tiến trình mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế, Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố huy động mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa để Thủ đô thực sự là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô và phát triển chung của vùng và cả nước. Trong đó, cần khai thác hiệu quả các nguồn lực, không gian văn hóa của Thủ đô để phát triển giáo dục và đào tạo một cách toàn diện, có chiều sâu và có chất lượng.
Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và các thể chế, cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù, vượt trội, phù hợp với vị trí, vai trò và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, cần bám sát điều chỉnh quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi khu vực nội đô, bảo đảm đúng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thường trực Thành ủy cũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục quan tâm xây dựng, phát triển và nâng cao vị thế hàng đầu của giáo dục và đào tạo Thủ đô, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tiếp tục xây dựng, nhân rộng các trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao ở tất cả bậc học, cấp học; xây dựng và triển khai quyết liệt kế hoạch nhằm mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp.
Bên cạnh đó, cần tổ chức tuyển dụng giáo viên, đáp ứng nhu cầu về chất lượng và số lượng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô, sử dụng giáo viên theo hướng linh hoạt; không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên...
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo của thành phố, Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập tổ công tác để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, khắc phục các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Thủ đô đổi mới và phát triển xứng tầm với vị trí, vai trò là trung tâm hàng đầu về giáo dục và đào tạo của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Hương Ly - Hà Nội mới