Hà Nội xác định 26 chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2025-2030

04/02/2023 17:42

Kinhte&Xahoi Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đó, Thành ủy Hà Nội xác định, tiếp tục đổi mới tư duy, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô Hà Nội, quyết tâm đưa Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đi vào cuộc sống. Cùng với cả nước, Hà Nội sẽ đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đúng mục tiêu, quan điểm mà nghị quyết đã đề ra.

Chương trình hành động cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có tính khả thi cao; Xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể và gắn trách nhiệm đối với tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị địa phương của TP...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến động viên doanh nghiệp sản xuất đầu năm

Về các chỉ tiêu chỉ yếu đến năm 2025 và 2030, Chương trình xác định 26 chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô bao gồm 8 chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế; 9 chỉ tiêu về trình độ phát triển văn hóa, xã hội; 5 chỉ tiêu về trình độ phát triển đô thị; 4 chỉ tiêu về trình độ bảo vệ và quản lý môi trường.

Trong đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 8.300-8.500 USD/người/năm, Đến năm 2030 đạt trên 12.500 USD/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt từ 60-62%, đến năm 2030 đạt trên 75%.

Xây dựng cơ chế cho phát triển kinh tế số

Chương trình hành động số 21-CTr/TU đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong đó, nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy CNH, HĐH Thủ đô, Hà Nội sẽ chủ động đẩy nhanh việc phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Thành phố cũng sẽ xây dựng cơ chế cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách đặc thù, thí điểm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số; Xây dựng Chiến lược chuyển đổi số, đưa thành phố sớm trở thành trung tâm về an toàn, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn của khu vực ASEAN...

Hà Nội quyết tâm xây dựng và phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng phát thải các bon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Theo đó, căn cứ vào đặc điểm địa hình, vị trí địa lý, đặc điểm địa chất, thổ nhưỡng, mối liên kết Vùng để nghiên cứu, kế thừa hiện trạng, quy hoạch hệ thống các khu công nghiệp và tổ chức không gian phát triển công nghiệp trên địa bàn Thủ đô phù hợp, tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố sẽ xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao như: Sản xuất phần mềm; Sản phẩm số, an toàn thông tin; cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo; Công nghệ sinh học, điện tử y sinh, công nghiệp được...

Đồng thời, ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp - tập trung phát triển nhanh một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường như: Công nghệ vật liệu mới, sản phẩm công nghệ cao, công nghệ chế tạo khuôn mẫu, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, dụng cụ y tế, công nghiệp dược, hóa mỹ phẩm, thời trang cao cấp.

Ưu tiên xây dựng vành đai xanh, đảm bảo môi trường sống

Hà Nội cũng sẽ phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Thủ đô và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là sản xuất linh kiện, phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Song song, thành phố sẽ lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp phát thải các bon thấp, sử dụng tiết kiệm đất đai và tài nguyên; Quan tâm phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh.

Thành phố sẽ phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch; Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô gắn với việc thực hiện cam kết quốc tế và tiêu chí khi tham gia mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO.

Cùng đó, đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công viên phần mềm thành phố Hà Nội; Đưa Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội đi vào hoạt động. Phát triển ngành công nghiệp ICT, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố, đồng thời, tạo ra hệ sinh thái để khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp về công nghệ thông tin.

Cũng theo chương trình, thành phố sẽ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô đi đầu cả nước trong phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thành phố sẽ xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao

Thành phố sẽ cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống.

Thành phố ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống. Chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, nông thôn kết nối với đô thị, nhất là hạ tầng kho bãi, bảo quản, chế biến, giao thông; Đẩy nhanh xây dựng hạ tầng số và dữ liệu số nông nghiệp, nông thôn; Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả nông nghiệp, nông thôn.

 Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Gần 98% công nhân, lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết

Tính đến 11 giờ ngày 30/1, có 99,2% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 97,8% số lao động trở lại làm việc. Đánh giá của các cấp công đoàn cho thấy, công nhân viên chức lao động đã tích cực hưởng ứng việc đăng ký các công trình, sản phẩm chất lượng cao mừng Đảng, mừng Xuân mới, tạo khí thế ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Sự ủng hộ của nhân dân là nhân tố quyết định

Chiều 30-1, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Thường trực Thành ủy đã nghe báo cáo, đánh giá tình hình tổ chức, phục vụ nhân dân đón Tết Quý Mão 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-xac-dinh-26-chi-tieu-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-den-nam-2025-2030-216716.html