Hà Nội xác định 3 trục phát triển quan trọng tầm nhìn tới 2050

15/02/2023 18:40

Kinhte&Xahoi TP Hà Nội dự kiến xác định 3 trục phát triển quan trọng, gồm: Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; Trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; Trục Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh...

Sáng 15/2, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp nghe báo cáo, cho ý kiến về tình hình, tiến độ xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội chủ trì cuộc họp.

Tham gia cuộc họp có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng các ban Đảng Thành ủy, các chuyên gia: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Việt Nam.

Quang cảnh cuộc họp

Chú trọng không gian phát triển

 Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội về tiến độ triển khai và Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến thời điểm này, TP đã chỉ đạo các đơn vị triển khai 13 bước xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Trong đó đã mời các chuyên gia tham vấn, tổ chức học tập kinh nghiệm và triển khai các bước xây dựng đề cương định hướng. Từ nay đến trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP sẽ chỉ đạo thực hiện 8 bước hoàn thiện quy hoạch quan trọng này.

Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 3 nội dung: Phạm vi quy hoạch, sự cần thiết xây dựng đề cương và định hướng cụ thể.

Đáng chú ý, về quan điểm tổ chức không gian, đề cương nêu rõ, quy hoạch phải bảo đảm hài hòa, hợp lý, có bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến; Đồng thời mở rộng không gian đô thị xanh, hiện đại, thông minh, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của nông thôn Bắc Bộ.

Đặc biệt, quy hoạch sẽ chú trọng 3 nội dung quan trọng về không gian. Trong đó, ngoài 2 TP trực thuộc và 3 khu vực không gian (không gian ngầm, không gian xanh, không gian công cộng), TP dự kiến xác định 3 trục phát triển quan trọng, gồm: Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; Trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; Trục Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trình bày báo cáo tại cuộc họp

Về tình hình tiến độ triển khai nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Cán sự Đảng UBND TP sẽ báo cáo, trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ TP xem xét thông qua chủ trương đối với Đồ án vào tháng 7/2023, trình HĐND TP thông qua cùng trong tháng này. Đến tháng 8/2023, UBND TP sẽ trình Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ; Dự kiến tháng 10/2023, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội xem xét, thông qua Đồ án.

Đối với nội dung này, Ban Cán sự Đảng UBND TP kiến nghị Thành ủy có ý kiến với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành cho ý kiến thẩm định trong tháng 3/2023; Đồng thời cho ý kiến về chấp nhận chủ trương áp dụng đặt hàng hoặc chỉ định thầu tư vấn...

Phải đặt Hà Nội vào tâm thế trung tâm, đầu tàu hội nhập

 Thảo luận về hai nội dung trên, các chuyên gia Trần Đình Thiên, Trần Ngọc Chính đều khẳng định, việc Hà Nội xây dựng và điều chỉnh những quy hoạch này là làm nhiệm vụ của quốc gia, phải đặt Hà Nội trong tâm thế là trung tâm, trái tim của cả nước, là đại diện, đầu tàu trong hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Do đó, chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của quy hoạch phải đặt lên hàng đầu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội phải xác định rõ tầm nhìn chiến lược, coi những tiềm năng, lợi thế mà mình có là của thế giới, từ đó có giải pháp để thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng. Đặc biệt, ông Trần Đình Thiên khẳng định, để hiện thực hóa được các quy hoạch lớn này, Hà Nội cần có cơ chế vượt trội, mang tính mở đường.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Việt Nam đóng góp ý kiến tại cuộc họp

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Việt Nam hoàn toàn đồng ý với việc lựa chọn 3 trục phát triển quan trọng mà Hà Nội đã nêu trong Đề cương Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Việt Nam lưu ý TP phải rất quan tâm giải quyết tường tận các vấn đề rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường... ngay trong các quy hoạch quan trọng lần này. Đây là vấn đề có tính mấu chốt để có Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý, mục tiêu tiến độ TP đề ra là trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2023 đồng thời 3 nội dung, đó là: Luật Thủ đô (sửa đổi), điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là hai quy hoạch rất quan trọng, sẽ định hình chân dung, con đường phát triển của Thủ đô trong những năm tới. Do đó, dù tiến độ gấp, phải làm nhanh, nhưng chất lượng vẫn phải là hàng đầu.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý, hai quy hoạch và Luật Thủ đô (sửa đổi) có quan hệ chặt chẽ, cái này là cơ sở của cái kia, do đó, quá trình xây dựng phải bảo đảm khớp nhau mới có tính khả thi.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kết luận cuộc họp

Thay đổi nhận thức về sự phát triển

 Đánh giá cao các báo cáo và Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, quy hoạch trước hết phải định vị Thủ đô trong tương lai là văn hiến, văn minh, hiện đại. Đây là những đặc trưng đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các nghị quyết, văn kiện của Trung ương và TP.

Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, quy hoạch lần này phải tạo ra nguồn lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô; Tạo ra những cực tăng trưởng mới, trong đó có 2 TP trực thuộc.

Đối với TP phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), đây là TP về dịch vụ, thông minh và hội nhập, kể cả phát triển công nghiệp cũng chỉ là dịch vụ như logistics, công nghiệp phụ trợ phục vụ các chuỗi sản xuất công nghiệp xung quanh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...

Còn TP phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), vốn đã có sẵn rồi. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong quý I. Vừa qua, TP đã khởi công tuyến cao tốc từ Hà Đông đi Xuân Mai. Tới đây, UBND TP cần chỉ đạo nhanh chóng làm đường sắt trên cao đoạn này; đồng thời nghiên cứu cải tạo quốc lộ 21 (từ Sơn Tây đi Xuân Mai), qua đó tạo ra hạ tầng khung để thu hút người dân.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kết luận cuộc họp

Nhất trí về định hướng không gian với 3 trục phát triển quan trọng như đã nêu, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý, trong tính toán không gian phải nghĩ rộng ra, đặt ra Hà Nội trong liên kết Vùng Thủ đô. Cho nên, phải nghiên cứu thêm về hạ tầng, kết nối được Hà Nội với các tỉnh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc bằng đường sắt. Đây chính là lý do khi đề xuất xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội đã đề nghị kết hợp giải phóng mặt bằng luôn phần đất để tích hợp đường sắt quốc gia.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý, các quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch lần này phải kèm theo các phụ lục nêu rõ danh mục các dự án, các dự án ưu tiên thực hiện, để làm căn cứ huy động nguồn lực, triển khai.

Bí thư Thành ủy đề nghị tăng cường quán triệt, tuyên truyền về các quy hoạch nêu trên nhằm thay đổi nhận thức về phát triển; Cần thiết phải lấy ý kiến nhân dân; Tổ chức các hội thảo huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia. Qua đó, vừa tiếp thu tinh hoa, trí tuệ của nhân dân, vừa tạo sự thống nhất, đồng thuận chung để triển khai thực hiện.

Tú Linh; Ảnh: Viết Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục

Sáng 15/2, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển điện lực thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị đánh giá công tác phát triển điện lực năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023, trên địa bàn Thành phố.

https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-xac-dinh-3-truc-phat-trien-quan-trong-tam-nhin-toi-2050-217480.html?fbclid=IwAR2zsipyIXGJtydC2YxSxuoLbndOZEapFJw9DJJXpJ0Xkjb2DeJMoK6ALgo