Hàng hóa thiết yếu 'ồ ạt' leo theo giá xăng, chuyên gia lo ngại lạm phát

26/05/2022 11:56

Kinhte&Xahoi Giá xăng tăng cao lập đỉnh lịch sử lên trên 30.000 đồng/lít kéo theo giá cả hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thịt, rau quả… leo thang, khiến người tiêu dùng lo lắng, chắt bóp chi tiêu; chuyên gia e ngại lạm phát có thể tăng cao trong thời gian tới.

Giá xăng dầu, đạt mức kỷ lục khiến các mặt hàng ồ ạt "đội" giá theo.

Giá hàng hóa tăng phi mã theo giá xăng

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã có 9 lần tăng giá và lập đỉnh cao kỷ lục, cụ thể, trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu chiều ngày 23/5, giá xăng E5 RON 92 là 29.630 đồng/lít và xăng RON 95 là 30.650 đồng/lít. Có thể nói, xăng dầu chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí đầu vào để sản xuất hàng hóa. Vì thế, khi xăng dầu tăng giá đã gián tiếp khiến nhiều loại thực phẩm, hàng hóa đồng loạt tăng theo.

Ghi nhận của phóng viên, hiện nay các loại thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng tại TP Hà Nội đã thiết lập mặt bằng giá mới và vẫn đang có chiều hướng tăng. Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều mặt hàng đã tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg theo giá xăng dầu.

Cụ thể, mặt hàng rau củ quả tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg như rau muống có giá 10.000 đồng/mớ, trước đó chỉ có giá 6.000 đồng/mớ; rau dền có giá 9.000 đồng/bó, tăng 5.000 đồng/bó; bí xanh cũng tăng giá từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; các loại rau họ cải (cải ngọt, cải xanh…) cũng tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thủy hải sản cũng đua nhau tăng giá. Cụ thể, cá chép có giá 70.000 đồng/kg, cá rô phi bán ra 50.000 đồng/kg, cá chắm có giá 60.000 -70.000 đồng/kg… tăng khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg. Các loại hải sản khác như tôm thẻ loại lớn có giá 280.000 đồng/kg, trước đây chỉ ở mức 230.000 đồng/kg; mực lá loại nhỏ tăng từ 30.000 – 40.000 đồng/kg và dao động ở giá 260.000 - 280.000 đồng/kg...

Giá các mặt hàng hải sản cũng đang tăng cao.

Không chỉ mặt hàng rau củ, quả, hải sản tăng giá mà các mặt hàng thịt lợn tại các chợ truyền thống cũng đã lên giá với mức tăng từ 5.000 - 15.000 đồng/kg. Cụ thể, sương sườn có giá 120.000 đồng/kg; thịt thăn 110.000 đồng/kg tăng 10.000 đồng/kg so với tháng trước.

Đặc biệt, giá thịt gà hiện đang tăng vọt, với mức giá 150.000 đồng/kg, tăng 25.000 đồng/kg so với tháng trước, mức giá bán ra hiện đang bằng với mức giá của dịp Tết nguyên đán 2022. Bên cạnh đó, các loại trứng gia cầm như trứng gà ta và gà công nghiệp cũng tăng cao. Giá mỗi hộp trứng gà ta 10 quả là 55.000 đồng, còn gà công nghiệp lên 37.000 đồng. Đây cũng là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Theo lý giải của các tiểu thương tại các chợ truyền thống, họ phải tăng giá bán do chi phí đầu vào tăng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá xăng tăng liên tục khiến nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chi phí đánh bắt hải sản, chi phí vận chuyển tăng theo... Theo các tiểu thương, do giá bán các mặt hàng tăng nên lượng hàng bán ra cũng đã giảm hẳn so với trước.

“Bình thường khách hàng đi chợ sẽ mua 1 kg, nhưng vì giá tăng nên người ta chỉ mua bằng nửa thôi để giảm chi tiêu đi. Việc giảm sức mua cũng khiến chúng tôi khó khăn hơn” - một tiểu thương tại chợ Quan Hoa cho biết.

Bên cạnh đó, cũng theo các tiểu thương, giá rau xanh tăng nhanh còn do những ngày vừa qua, mưa liên tiếp khiến vựa rau Mê Linh (Vĩnh Phúc) bị ngập úng, rau chìm trong nước, thối rất nhiều. Dự báo 2 - 3 ngày tới, giá rau xanh sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Trong khi đó, tại các siêu thị, giá các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng ghi nhận ở mức tăng 5 - 10% trong vòng 2 tuần trở lại đây. Cụ thể, mỳ tôm Omachi tăng từ 190.000 đồng/thùng lên 205.000 đồng/thùng; dầu ăn Simply tăng từ 48.000 lên 52.000 đồng/lít; các loại nước giặt, nước rửa bát cũng tăng khoảng 10 - 15% so với đầu năm.

Việc giá xăng dầu vượt đỉnh lịch sử ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhất là đối tượng sinh viên, khi chi phí sinh hoạt bỗng tăng đột biến. Bạn Phạm Văn Minh, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại Học Thương Mại chia sẻ: “Gần 2 tháng nay, việc chi tiêu của em gặp rất nhiều khó khăn, do nhu cầu đi lại thuận tiện cho việc đi học, em đi xe máy nên cứ 1 tuần lại phải đổ 1 bình xăng với mức giá 80.000 - 100.000 đồng. Trong khi trước đây chỉ mất từ 60.000 - 70.000 đồng là có thể đầy bình. Hơn nữa, giá cả hàng hóa leo thang cũng khiến bữa ăn của em “nghèo nàn” hơn”.

Cùng nỗi lo lắng, chị Vũ Thanh Nhàn (Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá thực phẩm tăng rất nhanh từ đầu năm. Đặc biệt là những ngày gần đây, giá thực phẩm tăng, giá xăng tăng, khiến chi phí sinh hoạt của chị tăng lên rất nhiều. Nếu trước kia một tháng chị chỉ chi tiêu khoảng 4 - 5 triệu tiền ăn, cộng với tiền xăng xe, thì giờ phải lên 6 - 6,5 triệu/tháng. “Giờ ra chợ là chóng mặt vì giá” – chị Nhàn nói.

Giá xăng lập đỉnh kéo theo giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thịt, rau quả… leo thang. Ảnh minh họa

Lo ngại hàng hóa, thực phẩm tăng giá khiến lạm phát tăng

Việc giá cả hàng hóa đang ngày càng tăng cao khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại lạm phát có thể tăng trong thời gian tới.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5% - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

“Giá nguyên, vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng hơn 2% làm gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Rủi ro nhập khẩu lạm phát không tránh khỏi khi các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như: Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới”, ông Lâm nói.

Liên quan tới vấn đề này, chia sẻ với báo chí, ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, Việt Nam đặt ra mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm là 4% nhưng khi lạm phát tăng cao hơn sẽ gây sức ép tăng lãi suất, khi đó toàn bộ bài toán chi phí của mọi nhà, mọi doanh nghiệp, đất nước bị đảo lộn, sự ổn định kinh tế vĩ mô, nền tảng để có sự thịnh vượng, bị đe dọa.

Bởi vậy, theo ông Ngân, cần phải chủ động từ xa để hạn chế thấp nhất tình trạng giá chuyển từ nóng sang sốt.

“Chúng ta cần kiên trì mục tiêu giải vây áp lực tăng giá, trong đó có hạ nhiệt đà tăng giá xăng dầu, không để người dân, doanh nghiệp “ngụp lặn” trong cơn sốt giá, bởi chúng ta vẫn còn “thuốc” để giải nhiệt giá xăng, dầu” - ông Ngân nói và cho biết, còn 50% thuế môi trường (tương ứng 2.000 đồng/lít), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng...

“Đừng để lạm phát cao hành hạ người dân, làm giảm hiệu quả của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế”, ông Ngân nói và cho rằng, cần chi thêm nguồn lực để giải vây giá xăng, dầu.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, để kìm hãm đà tăng rất mạnh của giá xăng dầu, đảm bảo chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh bình thường mới, cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu, nhà điều hành nên trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức độ vừa phải; ưu tiên chi sử dụng...

 Vũ Anh - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội tuyên dương 700 học sinh giỏi tiêu biểu

Ngày 24-5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2021-2022. 700 học sinh giỏi tiêu biểu, đại diện cho hơn 2,2 triệu học sinh các cấp học thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vinh dự có mặt tại buổi lễ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/hang-hoa-thiet-yeu-o-at-leo-theo-gia-xang-chuyen-gia-lo-ngai-lam-phat-d182561.html