Hệ thống thu phí metro số 1 (TP HCM): Chưa hoạt động đã nguy cơ lạc hậu

24/10/2022 10:14

Kinhte&Xahoi Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chưa đưa vào vận hành nhưng hệ thống thu phí tự động hiện hữu (AFC) đã lạc hậu và hạn chế so với công nghệ hiện nay, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải vừa gửi UBND TP HCM, sau khi Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) đề xuất dự án 159 tỷ đồng nâng cấp hệ thống trên, để khắc phục hạn chế giúp Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) khi đưa vào vận hành được hiệu quả.

Ga trên cao Khu công nghệ cao, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, tháng 9/2022.

Hệ thống AFC của Metro số 1 được thiết kế cách đây 12 năm, đang tồn tại nhiều bất cập như chỉ hỗ trợ vé lượt, vé ngày và vé tích tiền. Các loại vé này không định danh nên không áp dụng được chính sách giảm giá cho học sinh, sinh viên, người khuyết tật... Việc mua vé, nạp tiền cũng hạn chế như không thể chuyển khoản, ví điện tử, thẻ tín dụng... Ngoài ra, hệ thống không liên thông với các loại hình giao thông khác như xe buýt, BRT...

Theo Sở GTVT, việc bổ sung chức năng cho hệ thống AFC là cần thiết, giúp đa dạng phương thức thanh toán... nhưng các phương án đề xuất chưa phù hợp.

Cụ thể, nếu dùng vốn ODA của Metro số 1 sẽ phát sinh thủ tục, ảnh hưởng tiến độ hoàn thành công trình năm sau. Phương án này cũng có chi phí cao vì phải sử dụng công nghệ, thiết bị của nhà thầu nước ngoài, trong khi đơn vị trong nước có thể cung cấp.

Trường hợp dùng ngân sách để nâng cấp hệ thống thu phí cho tuyến metro cũng bị cho khó thực hiện vì sẽ hình thành một dự án đồng thời. Điều này gây chồng chéo, dễ xảy ra tranh chấp kỹ thuật, công nghệ, chất lượng, cũng như trách nhiệm bảo hành hệ thống khi khai thác. Chưa kể, việc dùng ngân sách sẽ phải rà lại kế hoạch vốn, thủ tục đầu tư công nên khó đảm tiến độ tuyến metro.

Với phương án sử dụng nguồn xã hội hóa, Sở đánh giá các nội dung đề xuất còn sơ bộ, chưa rõ phương thức đầu tư PPP, nên chưa có cơ sở xem xét.

Cũng theo Sở GTVT, các tuyến đường sắt đô thị ở một số nước, giai đoạn đầu khi chưa có hệ thống thu phí tự động đều áp dụng mô hình tương tự Metro số 1. Do vậy, để đảm bảo tiến độ công trình, Sở kiến nghị không bổ sung hạng mục nâng cấp hệ thống trên vào dự án metro. Việc nâng cấp sẽ triển khai sau, theo hướng xã hội hóa hoặc thuê dịch vụ, đảm bảo liên thông với hệ thống thanh toán của các loại hình giao thông công cộng khác.

Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM, dài gần 20km, kết nối khu trung tâm đến cửa ngõ phía Đông TP. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành khoảng 93% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.

Để chuẩn bị cho việc vận hành, từ năm 2010 hệ thống thu phí tự động (AFC) đã được lên ý tưởng, lập hồ sơ mời thầu. Sau 5 năm, thiết kế chi tiết được hoàn thiện. Hệ thống này chỉ hỗ trợ ba loại vé cơ bản, gồm: vé lượt, vé ngày (một và ba ngày) cùng vé tích tiền (nạp tiền rồi trừ dần khi đi, hết phải nạp thêm). Đây là các loại vé không định danh, nên không áp dụng được chính sách giảm giá cho học sinh, sinh viên, người già, khuyết tật...

Việc mua vé, nạp tiền chỉ thực hiện được ở máy bán vé hoặc nhà ga, chưa hỗ trợ các hình thức như chuyển khoản, ví điện tử, thẻ tín dụng... AFC cũng chưa được thiết kế để liên thông các loại hình giao thông công cộng khác như xe buýt, BRT.

Lý giải về những hạn chế này, chủ đầu tư cho biết hệ thống AFC được tư vấn dự án rà soát thiết kế và lập hồ sơ mời thầu cách đây 12 năm - khi các cơ chế, chính sách trong nước chưa đầy đủ. Phía tư vấn cũng chưa hiểu hết các chính sách giá vé tại TP, nên đề xuất ba loại vé cơ bản.

MAUR cũng cho biết, các hình thức thanh toán qua thẻ ngân hàng, mã QR, ví điện tử... hiện phổ biến, nhưng 12 năm trước lại không thông dụng, nhất là với giao thông công cộng. Thời điểm đó, nhiều nước có đường sắt đô thị phát triển cũng chưa phổ biến các hình thức thanh toán này nên nhà thầu thiếu cơ sở để thiết kế cho Metro số 1.

Theo một chuyên gia giao thông, 10 năm qua, công nghệ trong nước phát triển rất nhanh. Do vậy, khi lên ý tưởng thiết kế hệ thống AFC cho Metro số 1 từ hơn một thập kỷ trước, đơn vị tư vấn chưa lường hết bối cảnh hiện nay là điều dễ hiểu. Chưa kể, công nghệ thẻ vé cho các dự án metro ở TP HCM và Hà Nội cũng khác nhau, nên giai đoạn thiết kế sẽ khó tính toán trước các tính năng để phục vụ việc liên thông sau này.

Chuyên gia này dẫn chứng tại Nhật Bản, hệ thống thu phí ở các tuyến đường sắt đô thị trước đây cũng làm theo từng giai đoạn. Sau đó, từ thực tế đơn vị quản lý mới nâng cấp, mở rộng tính năng để đáp ứng nhu cầu, phù hợp hình thức mua vé, thanh toán hiện đại cho khách...

 Đông Hòa - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ

Hiện nay, nhằm kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm từ các nơi cung cấp về chợ đầu mối, chợ dân sinh, các ngành chức năng của Hà Nội, trong đó có ngành Nông nghiệp tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/he-thong-thu-phi-metro-so-1-tp-hcm-chua-hoat-dong-da-nguy-co-lac-hau-d185723.html