Hỗ trợ người lao động là động lực tăng trưởng của đất nước

08/11/2021 14:31

Kinhte&Xahoi Theo đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam): Phải xem người lao động là động lực tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người lao động cũng là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước.

Thảo luận trực tiếp tại phiên họp tập trung tại nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch, sáng 8/11, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh quan điểm hỗ trợ người lao động được bảo đảm về an sinh xã hội để yên tâm quay trở lại làm việc vì trong bối cảnh hiện nay, người lao động chính là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) 

Tạo động lực để người lao động trở lại làm việc

Theo đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), năm 2020, Việt Nam là một quốc gia thành công trong phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến giữa năm 2021, trước sự xuất hiện của chủng Delta, đã có lúc, có nơi lúng túng trong ứng phó và chịu tổn thất khá nặng nề, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh.

Góp ý về giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị quan tâm tới công nhân lao động. Bởi việc người lao động bị sang chấn tâm lý là điều chưa từng xảy ra, sẽ để lại di chứng lâu dài.

“Trước đây, việc kéo lao động từ nông thôn lên đô thị đã khó, nay thêm tình trạng lao động tại các thành phố vẫn nhất quyết về quê, việc gọi trở lại không dễ”, ông Khải nhìn nhận và đề nghị Chính phủ cân nhắc tới việc bội chi ngân sách, chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các vấn đề không bình thường, mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động.

“Phải xem người lao động là động lực tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người lao động cũng là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước”, ông Khải nhấn mạnh.

Thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”

 Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) thông tin, nguồn lực chi cho chống dịch đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn. Ngân sách Nhà nước thời gian qua phải căng ra lo chi cho chống dịch nên cần thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý thu chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, triệt để tiết kiệm các khoản chi.

“Lúc này ta phải thực sự tiết kiệm, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng”, đại biểu tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Cùng với đó, chúng ta cần huy động tối đa nguồn lực vào hoạt động kinh tế, nhất là ở địa phương trọng điểm, có chính sách hỗ trợ để không gây thiếu hụt lao động, thu hút lao động trở lại, tránh tình trạng người dân rời thành phố về quê, dẫn tới “người nghèo lại phải nuôi người nghèo”.

Để phát triển kinh tế sau đại dịch, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho rằng, Chính phủ cân nhắc hỗ trợ tài chính trực tiếp, linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; Đào tạo lại nguồn nhân lực ngành du lịch; Tăng cường tiếp cận các quỹ, tạo cơ chế đối thoại, trao thổi thông tin hiệu quả giữa chính quyền với các doanh nghiệp để nhanh chóng đưa ra biện pháp khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Cũng liên quan đến mục tiêu này, đại biểu tỉnh Quảng Bình cho rằng, cần xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch bị nén trong 10 tháng qua, trong đó giải pháp nên ưu tiên là ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách ở những điểm đến, tạo yên tâm cho họ.

Bên cạnh đó, chia sẻ từ thực tế địa phương, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, dù chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng trong đau thương, các tỉnh vẫn luôn cố gắng tìm giải pháp để thích ứng. "Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đang nghiên cứu lập mô hình du lịch mùa thiên tai. Tôi cho rằng đây sẽ là những trải nghiệm đáng có trong cuộc đời mỗi người", đại biểu chia sẻ.

Kiến nghị tăng giờ làm thêm

Trong bối cảnh phục hồi kinh tế, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) phản ánh nguyện vọng của doanh nghiệp đề nghị nâng mức trần giờ làm thêm lên 400 giờ mỗi năm để có thể kịp thời bù lại các đơn hàng bị chậm cho đối tác.

Theo đại biểu tỉnh Bắc Giang, nếu không điều chỉnh mức trần giờ làm, doanh nghiệp rất lo lắng vì có thể bị xử phạt hoặc đình chỉ sản xuất do sử dụng lao động quá giờ làm thêm. Bởi, theo quy định hiện hành, giờ làm thêm được khống chế ở mức 40 giờ mỗi tháng và không quá 200 giờ mỗi năm. Các quy định hiện hành chỉ cho phép mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm cho một số ngành nghề, như sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước, diêm nghiệp, điện, điện tử.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: 4,65 triệu lượt đối tượng khó khăn đã được hỗ trợ an sinh

Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến ngày 6/11, các sở, ngành, tổ chức chính trị và các quận, huyện, thị xã đã quyết định hỗ trợ cho 4,65 triệu lượt đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng kinh phí hơn 4.928 tỷ đồng từ chính sách của Trung ương, đặc thù của Thành phố và huy động xã hội hoá.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ho-tro-nguoi-lao-dong-la-dong-luc-tang-truong-cua-dat-nuoc-182375.html