Học phí theo hình thức học online sẽ tăng hay giảm?

25/08/2021 10:28

Kinhte&Xahoi Năm học mới diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, theo đó nhiều gia đình bị ảnh hưởng kinh tế do dịch bệnh. Dù khó khăn chung nhưng việc học của con trẻ thì không thể dừng lại, vì thế câu chuyện thu học phí với hình thức học online đang là vấn đề mà cả nhà trường và phụ huynh đều rất quan tâm.

Dự báo trong năm học 2021-2022, việc học trực tuyến vẫn sẽ tiếp tục và có thể kéo dài. Cho dù không mong muốn nhưng ngành giáo dục, giáo viên, học sinh và phụ huynh vẫn phải thích nghi với hình thức học này.

Trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, điều mà nhiều người quan tâm nhất hiện nay là mức học phí khi học online sẽ như thế nào? Học trực tuyến có được giảm học phí không? Với những phụ huynh khó khăn, có được hỗ trợ gì không?...

Học sinh trường Tiểu học Thủ Lệ (Ba Đình) học online

Nhiều người cho rằng, hình thức học trực tuyến "dù gì cũng đỡ tốn kém hơn" hiệu quả lại không cao như học trực tiếp, nên giảm học phí là ngành giáo dục nên nghĩ đến. Cũng không ít ý kiến nêu, việc dạy online sẽ vất vả hơn so với học trực tiếp, vì thế cần tăng.

Phía sau mỗi bài giảng trực tuyến

Nhiều giáo viên cho biết, để có một tiết giảng bài trực tuyến, các thầy cô rất vất vả, nhất là với giáo viên tiểu học. Làm sao để có một giờ học tạo được hứng thú cho học sinh và thu hút các em luôn là câu hỏi khó đối với thầy cô giáo.

Một giáo viên tiểu học cho biết: “Một buổi học trực tuyến sẽ áp lực hơn buổi học trực tiếp. Bởi ngoài dạy các con, giáo viên phải chú ý cẩn trọng hơn rất nhiều vì có phụ huynh bên cạnh kèm cặp học sinh. Phụ huynh, mỗi người một tính, có người để ý tùng lời ăn tiếng nói, từng slide cô giáo trình chiếu.

Bên cạnh đó, cô giáo sẽ phải chuẩn bị giáo án ngoài word còn powerpoint, chưa kể nếu áp dụng phiếu học tập hay câu trắc nghiệm form này, form kia thì còn kì công hơn nhiều.

Ngoài ra, việc chấm, chữa bài cũng mất không ít thời gian. Với giáo viên lớp 1 thì thường xuyên phải dạy vào buổi tối, khi phụ huynh được nghỉ làm.

Một giờ học trực tuyến của thầy trò trường Tiểu học Thủ Lệ

Dù vất vả là vậy nhưng cấp tiểu học khi học online sẽ không thu tiền 2 buổi/ngày. Vì thế, các thầy cô chỉ nhận lượng theo thang bậc nhà nước. Trong khi, việc chuẩn bị cho bài giảng lại vất vả hơn cả dạy trực tiếp.

Nếu như cấp tiểu học vất vả một kiểu, thì cấp THCS lại nhọc nhằn kiểu khác. Lứa tuổi học sinh cấp THCS lớn hơn, các em dễ bị phân tán sự tập trung vào các hoạt động xung quanh. Vì vậy, để thu hút học sinh và tạo hứng thú cho các em, giáo viên buộc phải có sáng tạo và có kỹ năng. Một bài giảng có đủ trò chơi, tương tác, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian, công sức.

Theo bà Hoàng Thị Thu Phương, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội:

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP có quy định về thu học phí trong trường hợp học trực tuyến (online); Khi Chính phủ ban hành Nghị định mới, Sở GD&ĐT sẽ báo cáo UBND Thành phố trình HĐND thành phố ban hành quy định về nội dung này.

Về những khó khăn của giáo viên tiểu học khi dạy trực tuyến, trong quá trình thực hiện, các trường, địa phương nếu thấy thực sự vướng mắc thì phải làm văn bản gửi Sở GD&ĐT, để từ đó Sở tham mưu, báo cáo thành phố triển khai. Nếu cần thiết, thành phố sẽ tham mưu cho Hội đồng Nhân dân để hỗ trợ việc dạy học online của thầy, cô giáo. 

Chia sẻ và cùng nhau vượt khó

 Được biết, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể nào về mức thu học phí cho hình thức học trực tuyến nhưng có ý kiến cho rằng, nên chăng tăng học phí vì hình thức dạy học này, thầy cô sẽ vất vả hơn.

Cô Đặng Thị Ngọc Hường, Hiệu trưởng trường THCS Ba Đình cho biết: “Trong bối cảnh mọi thứ đều đổi mớ, việc chuẩn bị cho một tiết học trực tuyến theo yêu cầu rất vất vả, mất nhiều công sức. Thậm chí, quản lý học sinh trong một tiết học online khó hơn tiết học trực tiếp, ngoài ra còn kiểm tra, đánh giá... Tôi nghĩ, các thầy cô dã dạy thì nên có kinh phí nhưng kinh phí thế nào cho hợp lý để chia sẻ với cả giáo viên và phụ huynh trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay”.

Cô Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng trường THCS Thống Nhất, Ba Đình cho rằng, về giảng dạy, quả thật học trực tuyến nhiều khó khăn. Giáo viên vất vả hơn ở khâu chuẩn bị bài, nhiều phương tiện một lúc, thiết kế bài giảng Powerpoint, tương tác với học sinh thế nào để hiệu quả hơn.

 Tuy nhiên cô Hương cũng cho rằng: “Trong thời điểm hiện nay, nên chia sẻ khó khăn với tất cả mọi người, giáo viên dù vất vả nhưng vẫn hạnh phúc hơn nhiều ngành nghề khác… Mỗi người đều phải cố gắng, tôi nghĩ nên giữ mức học phí hiện nay, cố gắng hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh”

Cũng có nhiều ý kiến lại cho rằng, tạm thời trong thời điểm này, cả nước cùng khó khăn, không ít phụ huynh phải nghỉ việc không lương, vì thế, các thầy cô và ngành Giáo dục cũng nên chia sẻ, không nên tăng hoặc thu thêm khoản nào, kể cả với cấp tiểu học.

Giữ nguyên mức học phí cũ

 Bà Hoàng Thị Thu Phương, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết:

Theo quy định của Luật Giáo dục, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí. Các trường công lập đã được ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên khi tổ chức học online không được thu của phụ huynh học sinh.

Đối với năm học 2020-2021, theo quy định tại Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên, khi triển khai dạy học trực tuyến các cơ sở giáo dục thực hiện thu học phí theo quy định hiện hành. Tại thời điểm này, quy định về thu học phí của thành phố Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết 05/2020/NQ-HĐND thành phố. Theo đó, mức thu cụ thể với cấp THCS trên địa bàn thành thị là 217.000 đồng/1 tháng/1 học sinh; ở khu vực nông thôn là 95.000 đồng/1 tháng/1 học sinh và ở khu vực miền núi là 24.000 đồng/1 tháng/1 học sinh. 


Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hoc-phi-theo-hinh-thuc-hoc-online-se-tang-hay-giam-174889.html