Học sinh đang "cô đơn"... trên không gian mạng

17/12/2021 21:58

Kinhte&Xahoi Phải học online thời gian dài, lo lắng về kiến thức, cùng mong muốn về thành tích học tập của cha mẹ… là những nguyên nhân gây áp lực lớn cho học sinh. Cùng với đó, nhu cầu được tiếp xúc, cần lắng nghe, chia sẻ của người thân, bạn bè không có khiến học sinh đang ngày càng "cô đơn"...

Những tiếng kêu cứu…

Nhiều học sinh cảm thấy cô đơn vì phải tương tác một chiều khi học trực tuyến và không được chia sẻ (Ảnh minh họa)

Nhiều phụ huynh cho biết, con họ dường như đang sống khép kín, buồn bã, lo âu, căng thẳng và ngại tiếp xúc, thiếu cởi mở. Không ít cha mẹ cảm thấy lo lắng khi con học sa sút. Càng nhắc nhở, con càng học kém đi…

Thời gian qua, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, rối loạn hành vi đã được nhiều chuyên gia tâm lý nhìn nhận, đặc biệt là trong giai đoạn học sinh dừng đến trường nhưng không dừng học. Điều đáng nói là học online nhưng khối lượng học trực tiếp và trực tuyến hầu như vẫn giữ nguyên dẫn đến học sinh không "tải" được. Bên cạnh đó, yêu cầu thi cử, điểm số, sự so sánh của cha mẹ… cũng đang gây áp lực cho với các con.

Dịch COVID-19 hơn 2 năm với 4 chu kỳ quá căng thẳng, học sinh phải ngồi hàng giờ, thậm chí là nhiều giờ trước máy tính. Việc tiếp xúc với máy tính quá lâu trong khi sự chú ý có giới hạn; Trẻ không tập trung chú ý vào học nhưng vẫn phải ngồi để điểm danh mà lứa tuổi dậy thì trẻ thường có nhiều mối quan tâm, khám phá, tìm hiểu... nên càng tạo áp lực lớn.

Cha mẹ mong muốn con có thành tích học tập cao cũng là áp lực với trẻ (Ảnh minh họa)

Thạc sĩ Đỗ Thị Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý học đường, quản lý mô hình 3C tại Việt Nam cho biết, hiện trẻ con đang gặp áp lực liên quan đến việc học hành hay từ sự kỳ vọng của cha mẹ. Lứa tuổi THCS, các em chưa biết diễn đạt để người khác hiểu về mong muốn của bản thân nên bị thiệt thòi khi bày tỏ áp lực của mình với cha mẹ.

Nhiều trẻ nói với cha mẹ là con lo quá, con cảm thấy… Thậm chí ngồi 1 chỗ, lơ đãng, ăn không ngon nhưng cha mẹ không để ý đến biểu hiện về tâm lý này. Cũng có những trẻ đã tự làm đau mình để mong cha mẹ nghe thấy lời kêu cứu... Khi không được lắng nghe, không được chia sẻ, tình trạng kéo dài, trẻ có thể chọn phương pháp cuối cùng là tự tử”.

Cũng theo Thạch sĩ Đỗ Thị Trang, sự tiếp thu ngắn cùng độ phân tán tuổi dậy thì, nhu cầu có môi trường giao tiếp nhưng do dịch bệnh, trẻ bị cô lập chỉ còn chiếc máy tính và những giờ học. Điều này khiến cho học sinh có nhiều cảm giác về sự cô đơn và cảm thấy mình không được chia sẻ. Từ đó, trẻ sẽ ngắt kết nối với các bạn và mọi người xung quanh.

Điểm số trong trường học không phải là điểm số của cuộc đời

 TS Vũ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Việt Nam Thành công, Tổng Giám đốc Học viện Thành công cho biết, hiện tại, lượng học sinh bị áp lực tâm lý và vấn đề thần kinh rất nhiều.

Không ít học sinh học sa sút sau một thời gian học trực tuyến (Ảnh minh họa)

“Trước đây, trẻ chỉ sống trong thế giới nhỏ bé của mình là thầy cô, bạn bè và gia đình. Bây giờ các con tiếp xúc với máy tính, mạng xã hội, chúng nhìn ra bạn bè thế giới, bạn bè các tỉnh khác… tự so sánh và thấy áp lực quá lớn. Bởi khi xem, các con cũng thấy cần thay đổi để đáp ứng được theo nhu cầu xã hội, bạn bè…

Ngoài ra, dịch bệnh phức tạp, phải học online cũng tạo áp lực tâm lý với trẻ. Các học sinh không chỉ đơn giản là phát triển về mặt trí não mà còn phải phát triển về tình cảm và thể chất. Các em cần phải có tương tác, giao lưu nhưng hiện lại bị gò bó ngồi trước màn hình và hàng ngày phải làm một công việc đó là học tập. Sự tương tác một chiều dẫn tới năng lượng không được giải toả, từ đó ức chế, đình trệ, tạo căng thẳng, mệt mỏi cho trẻ con.

Theo điều tra của chúng tôi, có đến 23- 28% trẻ em có vấn đề về tâm lý, thần kinh, dễ nổi nóng. Bản thân các con đã thế rồi mà bố mẹ và thầy cô còn gây áp lực nữa thì sẽ tạo ra khủng hoảng lớn cho trẻ”, TS Vũ Việt Anh nhấn mạnh.

Vì vậy, bố mẹ cần là người bạn, chuyên gia tâm lý để khích lệ, động viên, giải tỏa bớt năng lượng cho con. Bố mẹ nên cùng con tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí… để có tương tác xã hội nhiều hơn; Làm tươi mới cuộc sống, từ đó cân bằng cuộc sống cho các con.

“Làm gì thì làm nhưng phải sống đã, học gì thì học nhưng phải học làm người trước đã. Điểm số của trường học không phải là điểm số của cuộc đời. Trẻ con phải phát triển nhiều mặt từ thể chất, tinh thần, xã hội chứ không chỉ trí tuệ. Sống an toàn, bình yên, hạnh phúc qua đại dịch là điều quan trọng hơn điểm số. Qua nhiều câu chuyện về tâm lý học sinh, cha mẹ cần phải học cách ứng xử và tiếp xúc với con.

Về phía nhà trường, thầy cô cũng áp lực lớn. Tôi cho rằng, quản lý nhà trường đừng gây áp lực về thành tích đối với thầy cô giáo, nên có hướng dẫn, tập huấn để tăng tương tác cho giáo viên. Đối với thầy cô, trong giờ học, việc hướng dẫn các con học và để các con tự học tốt hơn rất nhiều so với việc học kiểu nhồi nhét kiến thức”, TS Vũ Việt Anh nhắn nhủ.

Hãy là “đồng bọn” của con

Ths. Đỗ Thị Trang, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý học đường , quản lý mô hình 3C tại Việt Nam đưa ra lời khuyên: "Mỗi ngày, cha mẹ hãy dành thời gian chất lượng để lắng nghe con, tin con và không phán xét.

Bố mẹ nên tham khảo tư liệu trên nhiều trang web để hiểu hành vi của con, yêu con… nếu có vấn đề thực sự thì hãy tìm trợ giúp về tâm lý.

Ngoài ra, trong gia đình, yếu tố làm gương cần phát huy nhiều hơn. Khi gia đình luôn xung đột, con sẽ cảm thấy không phục. Khi không tôn trọng, con sẽ không tâm sự…

Có 3 bước cha mẹ nên áp dụng với trẻ, đó là: Thấu hiểu (luôn hiểu nhu cầu của con); Đồng hành (trở thành đồng bọn, bạn của trẻ); Dẫn dắt thay đổi (kích hoạt dần dần sự thay đổi của con). Nếu ko làm được 2 bước đầu thì cha mẹ không thể làm bạn với trẻ.

Đối với nhà trường nên tổ chức những hoạt động mang tính chất chia sẻ, lắng nghe tâm tư học sinh theo tuần, từ đó nhận biết sớm những sự bất thường về tâm lý. Ngoài ra, các trường cần tránh việc chỉ học và học, nên có các chương trình để trẻ bộc lộ xúc cảm, giúp trẻ thải độc cảm xúc… 

 Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội cơ bản hình thành phần cốt lõi của thành phố thông minh

Đó là chia sẻ của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - TS Nguyễn Thị Tuyến tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại”, do Thành ủy, UBND TP Hà Nội phối hợp với tạp chí Cộng sản tổ chức, diễn ra sáng 17/12, tại Hà Nội.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hoc-sinh-dang-co-don-tren-khong-gian-mang-185860.html