Huyện Phú Xuyên xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp kiểu "cầm lưỡi dao"

22/06/2019 10:31

Kinhte&Xahoi UBND huyện Phú Xuyên chỉ xử lý cưỡng chế những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp từ năm 2017-2019. Còn những công trình xây trước năm 2017 lại giữ nguyên.

Tình trạng người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Cùng với đó là tình trạng dựng lều, lán, nhà xưởng, nhà kho để sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Chính vì vậy, mà việc xử lý dứt điểm tình trạng này diễn ra ngày càng phức tạp.

Việc xử lý cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp là thực hiện theo đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng phải xem xét đến việc hướng dẫn người dân thực hiện theo đúng pháp luật và song hành với việc phát triển kinh tế.

Ảnh minh họa. (Báo Tài nguyên và Môi trường)

Như đã nêu trên tại nhiều địa phương hiện nay tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng lều, lán, nhà xưởng… đang diễn ra hết sức phức tạp. Nhiều địa phương đã sử dụng giải pháp xử lý đó là xin ý kiến các cơ quan chuyên môn, của huyện, tỉnh để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất bên cạnh nhu cầu của người sử dụng đất còn căn cứ vào quyết định mục đích sử dụng đất của Nhà nước thông qua Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Nếu chuyển mục đích sử dụng đất thành công, địa phương đó cũng thu được tiền sử dụng đất của người dân, thu lợi cho ngân sách Nhà nước, và người dân vẫn bảo đảm được tài sản của mình.

Nhìn từ thực tế đó. Mới đây, Tòa soạn nhận được đơn thư của ông Phạm Văn Sinh có địa chỉ tại Thôn Bái Xuyên, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Trong đơn thư ông Sinh có phản ánh về nội dung tại khu vực Đầu Cầu thôn Bái Xuyên xã Minh Tân huyện Phú Xuyên tình trạng lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dựng lều, lán, nhà xưởng đã diễn ra từ rất lâu. 

Nhiều công trình kiên cố cũng đã được xây dựng, nhiều diện tích đất đã chuyển đổi sang đất trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, UBND huyện Phú Xuyên và UBND xã Minh Tân không hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Mặt khác chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với những công trình xây dựng từ năm 2017 đến nay.

Khu vực Đầu Cầu, thôn Bái Xuyên, xã Minh Tân.

Cũng theo thông tin và tài liệu mà Phóng viên Pháp luật Plus thu thập được cụ thể: Ngày 12/6/2018, UBND huyện Phú Xuyên đã ban hành văn bản số 151/KH-UBND, kế hoạch xử lý các trường hợp vi phạm lấn, chiếm đất công, xây dựng công trình trên đất và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên đất nông nghiệp, đất công và hành lang đê điều trong thời gian từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/3/2018.

Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo chung và toàn diện đối với công tác xử lý các trường hợp vi phạm.

Đối với 6 trường hợp gồm: hộ ông Nguyễn Văn Đạt ở xã Châu Can, ông Phạm Văn Sinh, Bùi Văn Hoan ở xã Minh Tân, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh ở xã Thụy Phú… phải thực hiện giải tỏa cưỡng chế.

Căn cứ vào nội dung này, ngày 1/3/2018, UBND xã Minh Tân đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với ông Phạm Văn Sinh tại thôn Bái Xuyên, xã Minh Tân huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.

“Đã thực hiện hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.Hiện trạng đã xây tường gạch dài 55,7m, cao 1,7m dựng cột, khung thép”.

Ngày 29/10/2018, UBND xã Minh Tân đã báo cáo UBND huyện Phú Xuyên bằng văn bản số 78/BC-UBND. Báo cáo về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hai trường hợp tại xứ đồng Đầu Cầu, thôn Bái Xuyên, xã Minh Tân. Đó là hộ ông Phạm Văn Sinh thôn Bái Xuyên và hộ ông Bùi Văn Hoan thôn Bái Xuyên.

Ngày 17/1/2019, UBND huyện Phú Xuyên đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 208/QĐ-KPHQ.

Theo đó quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với ông Phạm Văn Sinh do đã có hành vi vi phạm hành chính gây ra cần khắc phục là: chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép với diện tích là 164,15m2. Hiện trạng: đã ây tường gạch cao 1,7m, phía trên dựng cột thép, khung thép, vách tôn, mái lợp tôn và đổ nền bê tông.

Ngày 14/5/2019, UBND huyện Phú Xuyên tiếp tục ban hành Quyết định số 1532/QĐ-UBND, quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Phạm Văn Sinh.

Nhiều công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại khu vực Đầu Cầu, tôn Bái Xuyên, xã Minh Tân.

Để làm rõ những thông tin khách quan trên Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Tô Văn Thanh – Chủ tịch UBND xã Minh Tân. Ông Thanh cho biết: “Hiện tại xã Minh Tân có rất nhiều trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp.

Trong đó có 2 trường hợp là ông Sinh và ông Hoan là vi phạm năm 2018. UBND huyện Phú Xuyên lại yêu cầu xử lý những công trình từ đầu năm 2017 đến năm 2018. Theo chức năng nhiệm vụ thì UBND xã Minh Tân đã lập Biên bản cũng như gửi báo cáo đến UBND huyện Phú Xuyên.

Do hai hộ đó xây dựng năm 2018, bên cạnh đó cũng có mấy cái công trình đó nhưng lại làm trước năm 2017 nên không sao. Cái này là UBND huyện cưỡng chế. Những công trình từ năm 2017 trở về trước thì lại đang giữ nguyên hiện trạng”.

Cùng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên công trình này lại được giữ nguyên.

Theo ghi nhận thực tế của Phóng viên Pháp luật Plus thì khu Đầu Cầu, thôn Bái Xuyên, xã Minh Tân huyện Phú Xuyên đang có hàng chục hộ dân sinh sống, xây dựng trên khu vực đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Cùng dãy với hộ gia đình ông Phạm Văn Sinh cũng có 4 trường hợp nhà xưởng khác cùng mọc trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên những nhà xưởng này lại không bị xử lý.

Việc xử lý những công trình xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng từ thời điểm năm 2017 đến nay tại huyện Phú Xuyên chỉ là việc xử lý phần “ngọn” của chính quyền huyện.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus