Khẩn trương gỡ khó cho doanh nghiệp

16/04/2020 16:31

Kinhte&Xahoi Chính phủ, TP Hà Nội hiện đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN vượt qua khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh, dù chính sách đã có nhưng các DN lại gặp phải không ít khó khăn trong việc thụ hưởng các gói hỗ trợ.

Vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng

Tại Chỉ thị 11/CT-TTg, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng).

 Một xưởng may mặc tại huyện Đông Anh đã chuyển sang sản xuất khẩu trang phòng chống dịch. Ảnh: Chiến Công

Tuy nhiên, theo ông Mạc Quốc Anh, qua các kiến nghị mà hiệp hội nhận được, nhiều DN cho biết, đã tiếp cận ngân hàng, đề nghị giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ… nhưng khi làm việc với các chi nhánh ngân hàng họ đều được trả lời chưa có hướng dẫn nên không thực hiện được.

Một DN không muốn nêu tên cho biết, có ngân hàng đồng ý giãn nợ nhưng lại tăng lãi suất. “Trước đây được ưu đãi thì nay chuyển sang lãi suất thị trường thì hỗ trợ coi như bằng không” - đại diện DN nói.

Nhiều DN tại Hà Nội cũng khẳng định, việc tiếp cận tín dụng không hề dễ dàng, đặc biệt là giãn các khoản nợ. Bởi khi DN làm việc với các chi nhánh ngân hàng họ nhận được trả lời: “Nếu giãn nợ sẽ bị giảm mức xếp hạng tín dụng và đưa vào danh sách nợ xấu”.

Trước các khó khăn này các DN đều chung nhận định, việc giãn nợ, cấp tín dụng hay các chính sách hỗ trợ khác giờ như những chiếc “máy thở” cứu DN, tuy nhiên lại chưa có “ô xy” nên rất cần Chính phủ, TP Hà Nội sớm có biện pháp tháo gỡ.

Thực tế khi dịch Covid-19 xảy ra, DN nào cũng gặp khó khăn. Khi Chính phủ ban hành các gói cứu trợ cộng đồng DN đều đánh giá cao chủ trương này với gói hỗ trợ 180.000 tỷ đồng, cũng như gói tín dụng ưu đãi và cơ cấu lại nợ… Nhưng họ rất băn khoăn bởi Thủ tướng quyết xong nhưng chưa có một tiêu chí nào để DN tham chiếu...

Rào cản cho xuất khẩu

Theo các DN sản xuất khẩu trang, chính sách hiện nay quy định với khẩu trang y tế là 75% công suất sản xuất khẩu trang y tế được dùng để bảo đảm an ninh trong nước, 25% được phép xuất khẩu với điều kiện tài trợ, hỗ trợ... Như vậy, nếu DN muốn xuất khẩu 2,5 triệu chiếc khẩu trang xuất khẩu thì năng lực phải đủ sản xuất 10 triệu chiếc và cũng không được phép xuất khẩu khẩu trang theo dạng hợp đồng thương mại. Chính sách này chỉ phù hợp khi thị trường trong nước khan hiếm, còn nếu công suất sản xuất dư thừa thì việc hạn chế xuất khẩu sẽ làm mất đi cơ hội chuyển đổi, ứng phó của DN.

Theo ông Mạc Quốc Anh, hiện nhu cầu về sản phẩm may mặc trên toàn cầu sụt giảm mạnh, họ sẽ hướng tới các nhu cầu thiết yếu và bảo vệ sức khoẻ, còn những nhu cầu không cấp thiết khác sẽ bị cắt giảm. Do đó nhiều DN may mặc đã đưa ra quyết định chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ. Tuy nhiên, chính sách cấm xuất khẩu mặt hàng khẩu trang y tế lại đang làm khó những DN muốn chuyển đổi. Hiện tại, nguồn cung khẩu trang y tế ở trong nước không hề thiếu.

Nếu bây giờ không cho xuất khẩu mặt hàng khẩu trang thì sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, các DN sẽ thiệt hại nặng vì vừa bỏ ra chi phí mua máy móc, nguyên liệu để tăng công suất mà không tiêu thụ được hàng. Do đó rất cần Chính phủ tháo gỡ khó khăn về thủ tục xuất khẩu để DN có cơ hội xuất khẩu kịp thời, bù đắp thiệt hại do dịch Covid -19 gây ra.

Ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ phòng, chống Covid-19. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ đồng ý xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch theo nguyên tắc bảo đảm đủ cho nhu cầu trong nước (gồm cả dự trữ). Ngoài ra, các mặt hàng này chỉ được phép xuất khẩu cho các nước bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19.

Theo Nghị quyết 20 về chế độ cấp giấy phép xuất khẩu với mặt hàng khẩu trang y tế phòng, chống Covid-19, khẩu trang y tế, đồ phòng hộ bị khống chế tỷ lệ xuất khẩu 25%. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định này, tạo điều kiện cho xuất khẩu các mặt hàng trên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội giao 650 tỷ đồng vốn ủy thác giúp người nghèo vượt khó

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của UBND thành phố bổ sung 650 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác (đợt 1) qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/khan-truong-go-kho-cho-doanh-nghiep-381357.html