Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng đã xây dựng phương án tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và trình UBND TP tại tờ trình số 206/TTr-SXD ngày 10/9/2021.
Tuy nhiên, do có sự thay đổi chức năng nhiệm vụ từ Sở Xây dựng sang Sở Tài nguyên và Môi trường và thay đổi các căn cứ pháp lý quy định việc xây dựng giá tối đa, giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nên Sở Xây dựng đã báo cáo TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì rà soát, xây dựng giá rối đa, giá cụ thể, dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích đã được phân loại; phương pháp tính giá dịch vụ; thẩm quyền ban hành giá dịch vụ.
Các túi rác thải sinh hoạt không được phân loại chất thành “đống” tại các khu tập kết.
Căn cứ khoản 1 Điều 79 Luật bảo vệ môi trường năm 2020 quy định giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại và chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Do vậy, để xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo các quy định hiện hành bắt buộc phải triển khai ban hành, hướng dẫn và triển khai phương án phân loại rác thải tại nguồn.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai xây dựng Đề án phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến 2030 phù hợp với điều kiện hạ tầng, khí hậu đặc thù của địa phương và các hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt khi Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Dự kiến hoàn thiện đề án, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt xong quý IV/2022.
Căn cứ trên kết quả của Đề án phân loại rác thải tại nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng lộ trình cụ thể cho công tác phân loại rác và trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn và chuẩn bị các hạ tầng, cơ sở vật chất cần thiết phục vụ cho quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Công tác xử lý rác thải sau phân loại
Các loại rác thải sau khi được phân loại cụ thể sẽ được thu gom và vận chuyển tới những nơi tập kết khác nhau.
Nhóm chất thải rắn sinh hoạt tái chế, gồm các thành phần: Giấy vụn, nhựa các loại, kim loại,... Bỏ chung vào túi, đồ đựng chất thải rắn tái chế tại hộ gia đình sẽ được giao cho công nhân thu gom rác tái chế của địa bàn theo đúng giờ để vận chuyển đến các cơ sở tái chế, tái sử dụng.
Nhóm chất thải rắn nguy hại: gồm các thành phần pin, ắc quy, bóng đèn, mạch điện hỏng, chai lọ đựng hóa chất,… Sẽ được mang đến điểm thu gom tập trung theo quy định và đưa tới các nhà máy xử lý có chức năng.
Nhóm chất thải rắn còn lại: từ sinh hoạt trong gia đình, nấu ăn: rau củ quả thải bỏ, đồ ăn dư thừa, hư hỏng, các loại khác, … sẽ có các cách xử lý khác nhau.
Các loại rau củ quả, thức ăn thừa hãy vắt kiệt nước để giảm khối lượng và thu gom lại để đưa đến các cơ sở cái chế phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt.
Với các đồ sành sứ thủy tinh bị vỡ có thể nghiền nát mang đi làm các nguyên vật liệu xây dựng: xi măng, thủy tinh; Các loại túi nilon, bao bì, vỏ hộp xốp, … có thể xử lí làm sạch và tái sử dụng.
Tã bỉm, băng vệ sinh đã qua sử dụng triển khai xử lý chôn lấp, đốt để phân hủy; Các loại vải sợi, quần áo, dép cũ thu gom để tái sử dụng.
|
Thanh Bình - Pháp luật Plus