Các giải pháp của nhà nước và các ban, ngành giải quyết hiệu quả các vấn đề việc làm cho đối tượng thanh niên (Ảnh minh họa)
Tỷ lệ thanh niên chiếm hơn 50% lực lượng lao động xã hội, là một tiềm năng vô cùng to lớn cho sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng nhanh chóng số người đến tuổi lao động, vấn đề tạo việc làm cho thanh niên ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Các chỉ số lao động việc làm trong báo cáo tổng kết việc làm tháng 4 mà Tổng Cục Thống kê vừa công bố phản ánh sự sụt giảm của thị trường lao động. Thất nghiệp tăng lên, tỉ lệ lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở mức cao nhất trong 5 năm qua. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 1.
Tính đến hết quý I/2020, cả nước có khoảng 55,3 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Số lao động thất nghiệp trong quý I năm nay khoảng 1,1 triệu người, tăng khoảng 26 nghìn người so với quý trước. Đáng lưu ý, số thanh niên thất nghiệp (tuổi từ 15-24) lên đến gần 493 ngàn người, chiếm trên 44% tổng số người thất nghiệp.
Số thanh niên thất nghiệp theo đánh giá của Tổng cục Thống kê cao gấp 5,4 lần so với tỉ lệ thất nghiệp của lao động trưởng thành (người từ 25 tuổi trở lên). Số thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập, đào tạo khoảng 1,47 triệu người.
Để giải quyết việc làm cho thanh niên, ở thời điểm hiện tại, Nhà nước và các ngành, địa phương đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp. Bên cạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động cũng được các nhà nước đẩy mạnh thực hiện.
Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên. Đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng về học nghề cho thanh niên.
Việc phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ tư vấn giúp thanh niên tiếp cận thị trường lao động được nhà nước đặc biệt quan tâm. Ngoài ưu tiên dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh, thanh niên của hộ nghèo được vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, quỹ xoá đói, giảm nghèo, vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tự tạo việc làm.
Trong tháng 4 vừa qua, Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội đã phát động “Chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng chống thất nghiệp mùa dịch”.
Theo đó, “Chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng chống thất nghiệp mùa dịch” sẽ miễn phí tuyển dụng, miễn phí tìm việc làm với sự tham gia của 500 doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Mục tiêu của chương trình là tạo việc làm cho 10.000 ứng viên. Các doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng, tạo việc làm, việc làm thời vụ, làm việc tại nhà với mục đích hỗ trợ cộng đồng trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình hoàn toàn phi lợi nhuận, với mong muốn giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho các ứng viên thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Lực lượng lao động là thanh niên ngày càng có vị trí to lớn trong các hoạt động sản xuất, nghề nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Những chính sách về việc làm được Nhà nước ban hành góp phần tăng cơ hội việc làm, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và phát triển vững mạnh.
Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, lực lượng thanh niên cần nỗ lực nâng cao năng lực bản thân để nâng cao giá trị của sức lao động, tạo ra nhiều giá trị mà doanh nghiệp có thể nhìn thấy…